Sơn Dương thực hiện tiêu chí giáo dục trong xây dựng nông thôn mới

TQĐT - Cùng với các ngành chung tay thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), những năm qua, ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Sơn Dương đã tập trung nhiều giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục, phát triển mạng lưới trường lớp, mở rộng quy mô giáo dục.

Trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM có 2 tiêu chí thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo, gồm tiêu chí số 5 về trường học và tiêu chí số 14 về giáo dục. Ông Đỗ Trọng Dương, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cho biết, những năm qua, ngành Giáo dục huyện luôn nhận được sự quan tâm của các cấp chính quyền, nhân dân cùng các tổ chức xã hội đầu tư, hỗ trợ xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất để từng bước nâng cao chất lượng giáo dục. Trong 2 năm (2015 và 2016), huyện đã chi hơn 23 tỷ đồng trang bị cơ sở vật chất cho các trường. Giai đoạn 2011 - 2016, toàn huyện có 38 công trình trường học được đầu tư xây dựng, trị giá trên 70 tỷ đồng từ nguồn ngân sách huyện và một số nguồn vốn khác. 


Học sinh Trường THCS Ninh Lai (Sơn Dương) trong giờ học môn Tin học.

Không chỉ điểm trường chính được đầu tư mà điểm trường lẻ ở các thôn cũng được nâng cấp. Năm học 2016 - 2017, hội phụ huynh học sinh các trường, các tập thể, cá nhân đã hỗ trợ trên 6 tỷ đồng và hàng nghìn ngày công để mua sắm đồ dùng học tập, xây dựng cơ sở vật chất cho các trường. Đã có 28 phòng học xây dựng mới, 153 phòng học được sửa chữa. Nhờ đó, toàn huyện có 1.309 phòng học cơ bản bảo đảm phòng học tối thiểu cho học sinh.

 Ngay khi bắt đầu xây dựng NTM, UBND xã Ninh Lai đã tiến hành khảo sát hiện trạng mạng lưới trường học trên địa bàn, từ đó quy hoạch xây dựng trường học gắn với xây dựng NTM. Ông Phùng Trọng Thái, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, để từng bước đạt được các tiêu chí về giáo dục, xã đã tuyên truyền, huy động các nguồn lực từ xã hội và sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân. Xã đã sử dụng một phần ngân sách và sự hỗ trợ từ cấp trên để sửa chữa, nâng cấp, xây mới các phòng học. Trong đó, đầu tư cho trường tiểu học trên 5 tỷ đồng, trường THCS trên 2 tỷ đồng và xây mới trường mầm non trên 4 tỷ đồng. Cơ sở vật chất được đầu tư, chất lượng dạy và học được nâng lên. Năm 2015, xã có trường tiểu học và trường THCS đạt chuẩn quốc gia mức độ 1.

Bên cạnh việc đầu tư cơ sở vật chất, ngành đã tích cực lồng ghép thực hiện tiêu chí số 14 về giáo dục. Ngành giáo dục huyện đã tập trung đổi mới phương pháp giảng dạy, lấy học sinh làm trung tâm, kết hợp giữa dạy kiến thức và dạy kỹ năng sống, tạo môi trường giáo dục lành mạnh, thân thiện với học sinh. Một số phương pháp dạy học mới được các trường áp dụng và đạt hiệu quả cao như phương pháp sử dụng bản đồ tư duy, dạy học theo tình huống để giải quyết các vấn đề… Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và giảng dạy; tạo điều kiện cho cán bộ, giáo viên tham gia các lớp tập huấn của tỉnh để nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ...

Nhờ sự đồng tình, ủng hộ của các cấp, các ngành và nhân dân, đến nay toàn huyện có 32 trường học đạt chuẩn quốc gia, trong đó, bậc mầm non có 4 trường, bậc tiểu học có 12 trường, bậc THCS có 16 trường. Huyện có 100% xã hoàn thành tiêu chí số 14 về giáo dục trong xây dựng nông thôn mới; 8/32 xã hoàn thành tiêu chí số 5 về trường học. Huyện phấn đấu giai đoạn 2016 - 2020 có thêm 16 trường đạt chuẩn quốc gia, nâng số trường đạt chuẩn quốc gia trong toàn huyện lên 48 trường; phấn đấu đạt tỷ lệ tốt nghiệp THPT từ 95% trở lên, tỷ lệ xét công nhận tốt nghiệp THCS từ 98% trở lên và tiếp tục đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS. 

Bài, ảnh: Thúy Nga

Tin cùng chuyên mục