Trường Trung học phổ thông Thái Hoà được xây dựng khang trang
Được công nhận xã đạt chuẩn NTM năm 2017, từ đó đến nay bộ mặt nông thôn xã Thái Hòa ngày càng khởi sắc, cơ sở hạ tầng thiết yếu được nâng cấp, hệ thống chính trị tiếp tục được củng cố, đời sống kinh tế - xã hội của người dân được nâng cao.
Xác định xây dựng NTM nâng cao là nhiệm vụ chính trị trọng tâm xuyên suốt, là chủ trương lớn để phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Đảng ủy, UBND, Ban chỉ đạo xây dựng NTM, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể, các ban phát triển thôn xã Thái Hòa đã tích cực tuyên truyền, vận động toàn thể hội viên và nhân dân quyết tâm thực hiện các tiêu chí. Cùng với việc đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, Thái Hoà đã tích cực tuyên truyền, khuyến khích hỗ trợ các mô hình sản xuất, các Hợp tác xã phát triển. Nhờ những hỗ trợ của xã, đã có nhiều mô hình phát huy hiệu quả, đem lại thu nhập cao cho người dân. Tiêu biểu như Hợp tác xã (HTX) Sản xuất - Kinh doanh cá đặc sản Thái Hòa với tổng quy mô 63 lồng nuôi cá Chiên, cá Bỗng trên sông Lô. Sản lượng cá thu hoạch hàng năm đạt trung bình 9 tấn, từ khi được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP giá cá Chiên giao động từ 450 đến 480 nghìn đồng/kg; cá Bỗng giá từ 220 đến 250 nghìn đồng/kg giúp người nuôi có lãi cao. Hiện, 12 hộ thành viên của HTX đều có kinh tế khá giả nhờ nuôi cá lồng đặc sản. Trung bình, thu nhập của mỗi hộ đạt 200 đến 300 triệu đồng/năm. Ngoài ra, HTX còn tạo việc làm cho hơn 10 lao động, hỗ trợ đầu ra cho người dân nuôi cá lồng khác trên địa bàn; HTX rau, củ, quả an toàn Ninh Thái được thành lập trên cơ sở Tổ hợp tác rau an toàn Ninh Thái gồm 15 thành viên, tiếp nhận và triển khai dự án trồng rau an toàn từ Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) hỗ trợ, với quy mô hơn 5 ha trồng rau. Vượt qua những kiểm nghiệm nghiêm ngặt, cuối năm 2022, sản phẩm rau của HTX đã được cấp chứng nhận VietGAP. Đây là bước tiến quan trọng, khẳng định thương hiệu và nâng cao giá trị cho sản phẩm rau của HTX. Từ khi được công nhận VietGAP, ngoài bán ở chợ truyền thống, giao cho đầu mối, rau của HTX đã được tiêu thụ ở các cửa hàng thực phẩm sạch, nhà hàng lớn trong và ngoài tỉnh.
Không những thế những năm qua, những cơ chế chính sách của tỉnh về phát triển kinh tế lâm nghiệp đã được xã Thái Hòa, huyện Hàm Yên tập trung triển khai hiệu quả, giúp người dân từng bước làm giàu từ rừng. Đây cũng là một trong những xã tiêu biểu của huyện Hàm Yên về phát triển kinh tế lâm nghiệp đạt hiệu quả cao. Với hơn 1.400 ha rừng trồng đã góp phần giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người trên địa bàn xã.
Theo chính quyền xã, khi đi vào xây dựng nông thôn mới nâng cao, bên cạnh việc nâng cao hiệu quả kinh tế, việc nâng cao đời sống tinh thần cho người dân cũng hết sức quan trọng. Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” giúp xã có thêm nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả trong phát triển kinh tế cũng như nâng cao đời sống nhân dân. Một trong những mô hình được triển khai và mang lại ý nghĩa thiết thực là mô hình “Thắp sáng đường quê”. Toàn xã đã hoàn thành 59 tuyến đường “Thắp sáng đường quê” với hơn 52 km đường thôn và các trục chính vào ngõ, xóm. Từ đây, sinh hoạt của người dân có nhiều thuận lợi, tình làng nghĩa xóm ngày càng được thắt chặt, không còn tình trạng trộm cắp tài sản, an ninh thôn, xóm được bảo đảm… Đặc biệt, với đèn điện chiếu sáng, các hoạt động thể dục, thể thao buổi tối của người dân diễn ra sôi nổi, qua đó đã động viên tinh thần, phát huy được tinh thần tự giác của người dân, góp phần bảo đảm một số tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới nâng cao.
Kinh tế phát triển, cuộc sống của người dân không ngừng được cải thiện, 100% thôn có nhà văn hóa được xây dựng khang trang và trang bị đầy đủ thiết bị, bảo đảm sinh hoạt cộng đồng. Tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện thường xuyên, an toàn đạt 100%; trên 90% trục đường thôn, xóm đã có điện chiếu sáng; thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn đạt hơn 42 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ nghèo đa chiều giảm còn 5,88%; Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 76,6% …
Cùng với phát triển kinh tế, Thái Hoà cũng chú trọng đến công tác bảo vệ môi trường, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc. Xác định môi trường là một trong những tiêu chí khó, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền xã Thái Hoà đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến các hộ dân trên địa bàn xã thường xuyên vệ sinh nhà ở, đường làng ngõ xóm, chủ động phân loại thu gom rác thải để đúng nơi quy định, xây dựng nhà tiêu, nhà tắm, bể chứa nước hợp vệ sinh, xây dựng cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp, thành lập các tổ thu gom, phân loại rác; hướng dẫn các khu dân cư duy trì hoạt động của các mô hình tự quản ở khu dân cư, với các mô hình tự quản đã khơi dậy ý thức tự giác, trách nhiệm của từng cá nhân trong giữ gìn vệ sinh môi trường, xây dựng nếp sống văn minh, làm thay đổi hành vi, nâng cao ý thức và trách nhiệm của mỗi người dân, góp phần làm cho môi trường sống sáng - xanh - sạch - đẹp. Đến nay tỷ lệ hộ dùng nước sạch, hợp vệ sinh trên địa bàn xã đạt 90%, 100% cơ sở sản xuất - kinh doanh trên địa bàn đều ký cam kết bảo vệ môi trường, xã cũng đã phát động phong trào “Thái Hoà chung tay xử lý rác thải và chống rác thải nhựa”; “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; các thôn đều thành lập các đội văn nghệ, đội bóng chuyền hơi, thường xuyên duy trì các hoạt động văn hóa, thể thao.
Trong thời gian tới, Thái Hoà sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân, đầu tư kinh phí và tăng cường huy động các nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Đồng thời, tập trung khai thác những điều kiện thuận lợi của địa phương, đa dạng hóa cây trồng vật nuôi, chuyển đổi cơ cấu theo điều kiện liên kết phù hợp, tạo ra sản phẩm chất lượng cao, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân, giải quyết các vần đề an sinh xã hội, đảm bảo an ninh trật tự nông thôn theo chuẩn NTM nâng cao./.