Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đang triển khai nhiều dự án giao thông tại các huyện, thành phố trong tỉnh. Việc đầu tư xây dựng các công trình này, sẽ tạo động lực để thu hút các doanh nghiệp đến đầu tư phát triển, đồng thời, làm thay đổi diện mạo đô thị, nông thôn. Hạ tầng giao thông, công trình phúc lợi vươn tới các xã, nhất là các xã vùng sâu, vùng xa, mở ra những cơ hội để người dân tiếp cận với chủ trương, chính sách phát triển sản xuất, an sinh xã hội.
Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai khánh thành đưa vào sử dụng trong năm 2023 trong niềm vui, phấn khởi của người dân. Đây là dự án quan trọng, có ý nghĩa lớn với sự phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh của tỉnh Tuyên Quang. Dự án không chỉ là đầu mối thông thương quan trọng mà còn là điểm nhấn thể hiện khát vọng, ý chí vươn lên mạnh mẽ, thể hiện tầm nhìn chiến lược để đưa Tuyên Quang tăng tốc, hội nhập kinh tế nhanh hơn. Xác định rõ vai trò quan trọng của dự án, các đơn vị thi công đã tập trung nhân lực, thiết bị, nêu cao tinh thần trách nhiệm tập trung đẩy nhanh tiến độ, vừa đảm bảo kế hoạch thực hiện dự án, vừa đảm bảo yêu cầu về chất lượng công trình. Hiện còn một số hạng mục nền, mặt đường, công trình thoát nước, gia cố mái taluy hầm chui dân sinh, hệ thống an toàn giao thông, hệ thống điện chiếu sáng của đường gom, tuyến nhánh, nút giao... các nhà thầu đang tiếp tục thi công. Các hạng mục đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, chất lượng.
Đối với Dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang giai đoạn 1 đoạn qua tỉnh Tuyên Quang, hiện công tác chuẩn bị đầu tư đã thực hiện xong; đã đã hoàn thành thẩm định phê duyệt thiết kế kỹ thuật. Dự án có 7 gói thầu xây lắp, đến nay đã lựa chọn nhà thầu và ký hợp đồng toàn bộ các gói thầu thuộc dự án (tổng số 27 gói thầu). Hiện tại đã bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công được 40,71/69,7 km toàn tuyến, đạt 58,4%.
Dự án cao tốc Tuyên Quang- Hà Giang (giai đoạn 1), đoạn qua tỉnh Tuyên Quang (Nguồn ảnh: Tuyên Quang Online)
Huyện Sơn Dương là địa phương đã và đang tạo ra những đột phá về thu hút đầu tư trong những năm gần đây. Thực hiện chỉ đạo của đồng chí Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ về nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân các dân tộc vùng căn cứ cách mạng, góp phần thiết thực lập thành tích chào mừng kỷ niệm 80 năm ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (06/01/1946-06/01/2026), tỉnh Tuyên Quang đã phê duyệt Đề án xây dựng huyện Sơn Dương đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2023-2025. Huyện đã thu hút được 2 dự án công nghiệp và 7 dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, khu dân cư, khu du lịch, trong đó có dự án Khu làng văn hoá du lịch và phát huy giá trị di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào. Việc hoàn thành quy hoạch mở rộng không gian phát triển với những công trình mang dấu ấn về hạ tầng, trong đó có công trình Cầu Trắng tại xã Tân Trào; công trình Cầu Sơn Dương 2 tại thị trấn Sơn Dương và công trình đường giao thông DH 07 - DH 08 nối xã Tú Thịnh và xã Minh Thanh được kỳ vọng mở ra lợi thế cạnh tranh, phát triển không gian đô thị, thương mại, du lịch, tạo hiệu ứng tích cực thu hút nguồn lực ngoài ngân sách vào đầu tư.
Cùng với việc đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình giao thông trọng điểm trên địa bàn. Các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh cũng đã thể hiện những quyết tâm để cùng với Tuyên Quang thực hiện khát vọng phát triển. Với sự nỗ lực vượt khó, Dự án Nhà máy Thủy điện Sông Lô 7 tại huyện Hàm Yên đã đi vào hoạt động từ tháng 11 năm 2023. Đây là một trong số dự án công nghiệp quan trọng của tỉnh Tuyên Quang có công suất 36 MW, tổng vốn đầu tư 1.490 tỷ đồng; sản lượng điện trung bình hàng năm 130 triệu KWh. Xác định rõ vai trò của Nhà máy thủy điện Sông Lô 7 đối với sự phát triển kinh tế của huyện Hàm Yên, góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng huyện Hàm Yên đạt huyện nông thôn mới vào năm 2025.
Là doanh nghiệp nằm trong cụm công nghiệp Ninh Lai - Thiện Kế, Công ty TNHH Long Thắng đã hoàn thành việc mở rộng quy mô nhà xưởng và nâng công suất của xưởng sản xuất ván ép xuất khẩu. Nhà xưởng sản xuất gỗ ván ép phủ phim rộng 4.000 m2 có giá trị đầu tư trên 30 tỷ đồng, toàn bộ hệ thống máy móc công nghệ ép ván tiên tiến nhất hiện nay, đảm bảo chất lượng, mẫu mã sản phẩm để nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường. Nếu như trước đây, công ty sản xuất từ 1.000 đến 1.500 tấn sản phẩm/ngày, tạo việc làm cho gần 200 lao động địa phương thì nay với việc mở rộng đầu tư, nâng công suất sản phẩm, tủng bình mỗi ngày, doanh nghiệp này sẽ sản xuất được từ 3.000 đến 4.000 tấn sản phẩm/ngày, tạo việc làm cho gần 400 lao động, góp phần không nhỏ trong việc giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định cho người dân trong thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới.
Với những nỗ lực của cấp ủy, chính quyền địa phương và của các doanh nghiệp, việc tái khởi động công trình, dự án này đã thắp lên những kỳ vọng mới cho năm 2024. Tại cụm công nghiệp Phúc Ứng huyện Sơn Dương, Công ty TNHH MTV bao bì DHT, Công ty TNHH Giày da Phúc Sinh đã khởi động giai đoạn 2 của dự án sản xuất, phấn đấu hoàn thành và đưa vào hoạt động vào cuối năm nay. Năm 2021, công ty TNHH Giày da Phúc Sinh đã vượt khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp và giành thắng lợi trong sản xuất với 150 triệu sản phẩm xuất khẩu, doanh thu đạt 300 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho 1.600 lao động. Bước vào năm 2022, công ty chủ động về nguồn lực, lao động và ký kết hợp đồng xuất khẩu ngay trong những tháng đầu của năm để đáp ứng tốt hơn các đơn hàng. Hiện đơn vị đang dồn lực thi công nhà xưởng, kho thành phẩm, kho nguyên liệu… chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để lắp đặt máy móc, mở rộng sản xuất giai đoạn 2 với công suất 3,5 triệu sản phẩm/năm tạo việc làm mới cho 2.600 lao động.
Khó khăn, thách thức vẫn còn ở phía trước, việc các công trình, dự án đang nỗ lực triển khai đã tạo niềm tin, kỳ vọng vào sự phát triển mang tính bứt phá trong giai đoạn tới của tỉnh, tạo đà vững chắc để tỉnh hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá, toàn diện, bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc./.