Theo báo cáo tại Hội nghị, đến tháng 4 năm 2024, cả nước có khoảng 78% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (tăng 4,9% so với cuối năm 2022), trong đó có 1.860 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (tăng 902 xã so với cuối năm 2022) và 340 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (tăng 229 xã so với cuối năm 2022); tiêu chí bình quân cả nước đạt 17,1 tiêu chí/xã. Có 283 đơn vị cấp huyện thuộc 58 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã đươc Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn mới (tăng 28 đơn vị so với cuối năm 2022, chiếm 43,9% tổng số đơn vị cấp huyện của cả nước), trong đó đã có 03 huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Có 22 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (tăng 04 tỉnh so với cuối năm 2022). Trong tổng số 15 tỉnh, thành phố có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới và 100% đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ nông thôn mới, có 05 tỉnh (Nam Định, Đồng Nai, Hà Nam, Hưng Yên và Hải Dương) đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Đại diện Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương trình bày báo cáo thực hiện Chương trình tại Hội nghị
Để kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Chương trình tại các địa phương cũng như những vấn đề được chỉ ra sau kỳ giám sát thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia của Quốc hội; từ đầu năm 2023 đến hết quý I/2024, Trung ương đã ban hành nhiều văn bản quan trọng như: Nghị quyết số 111/2024/QH15 ngày 18/01/2024 của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; Nghị định số 38/2023/NĐ-CP ngày 24/6/2023 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19/4/2022 của Chính phủ; Quyết định số 211/QĐ-TTg ngày 01/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số chỉ tiêu, tiêu chí; Quyết định số 03/2024/QĐ-TTg ngày 07/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 18/2022/QĐ-TTg ngày 02/8/2022; …
Các chương trình chuyên đề trong thực hiện nông thôn mới được quan tâm thực hiện, đa số các địa phương đều ban hành các kế hoạch để triển khai. Nhiều chương trình đã được phê duyệt danh mục thực hiện mô hình thí điểm như: Chương trình Mỗi xã một sản phẩm có 31 mô hình thí điểm; Chương trình phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn có 20 mô hình thí điểm; Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới đã có 08 nhiệm vụ được Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương trình cấp có thẩm quyền phê duyệt nội dung; Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh có 15 mô hình thí điểm; Chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới có 48 mô hình thí điểm; Chương trình nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện tiêu chí an ninh, trật tự trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025 đã được Bộ Công an đã ban hành các kế hoạch để triển khai thực hiện đồng thời chủ động rà soát, đánh giá tình hình thực hiện Chương trình và nghiên cứu, ban hành văn bản hướng dẫn tiêu chí về ANTT trong xây dựng NTM, sửa đổi bổ sung các văn bản về xác định xã trọng điểm phức tạp về ANTT phù hợp với tình hình thực tiễn.
Về nguồn vốn thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới năm 2024 đến nay đã giao 9.660,44 tỷ đồng vốn ngân sách trung ương cho các địa phương, bao gồm: 7.820 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển (trong đó: vốn trong nước là 7.000 tỷ đồng, vốn nước ngoài là 820 tỷ đồng) và 1.840,44 tỷ đồng vốn sự nghiệp. Tính đến tháng 4/2024, nguồn vốn đầu tư công các năm trước chuyển sang thực hiện năm 2024 đã giải ngân được 12%; đối với nguồn vốn của năm 2024, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt 22% kế hoạch, vốn sự nghiệp đạt 6,4% dự toán.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã thảo luận và nhận định việc thực hiện chương trình nông thôn mới hiện nay đã được các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương triển khai rất tích cực và chủ động; tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều khó khăn, như: Những địa phương phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới (huyện, xã) ở giai đoạn này hầu hết thuộc địa bàn khó khăn, xuất phát điểm thấp; nguồn vốn ngân sách trung ương hỗ trợ trực tiếp cho Chương trình giai đoạn 2021-2025 giảm gần 40% so với giai đoạn 2016-2020, chỉ đáp ứng được 35% so với nhu cầu đề xuất của các địa phương trong khi nguồn vốn đối ứng của các địa phương còn nhiều hạn chế; công tác lập kế hoạch hằng năm còn chưa phù hợp với tình hình thực tế dẫn tới trong quá trình thực hiện phải trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh, sửa đổi nhiều lần làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn; các chương trình chuyên đề triển khai chậm nhất là các mô hình thí điểm; … Đại biểu của nhiều địa phương cũng trao đổi về những kết quả, khó khăn cũng như giải pháp, kinh nghiệm trong quá trình tổ chức thực hiện chương trình và các chuyên đề trong xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam phát biểu tại Hội nghị
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Trần Thanh Nam nhấn mạnh thời gian còn lại thực hiện Chương trình của giai đoạn 2021-2025 không nhiều, trong khi khối lượng các mục tiêu, nhiệm vụ cần hoàn thành là rất lớn. Do vậy, các ngành, các địa phương cần tăng cường công tác chỉ đạo, đôn đốc và tập trung triển khai hiệu quả các giải pháp để nỗ lực, quyết tâm hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ được giao của Chương trình. Trong đó, tập trung tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí đối với các đơn vị đã được công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn, truyền thông nhằm thống nhất nhận thức, thay đổi tư duy cho cán bộ và người dân về thực hiện xây dựng NTM gắn với xây dựng “Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”; tiếp tục nghiên cứu, rà soát, hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách hỗ trợ xây dựng NTM nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ, hiệu quả Chương trình; tiếp tục triển khai các giải pháp huy động tối đa các nguồn lực thực hiện Chương trình đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện Chương trình ở các cấp, các ngành./.