Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - GDTX huyện Sơn Dương làm tốt công tác đào tạo nghề, góp phần thực hiện thành công tiêu chí Giáo dục và đào tạo trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới

Sơn Dương là huyện miền núi phía nam của tỉnh Tuyên Quang, diện tích đất tự nhiên là 788 km2; toàn huyện có 32 xã và 01 thị trấn, là vùng chuyển tiếp giữa trung du và miền núi, rừng núi chiếm 3/4 diện tích đất tự nhiên. Là nơi sinh sống của 10 dân tộc gồm: Kinh, Tày, Nùng, Cao Lan, Dao, Hoa, H’Mông, Sán Dìu, Mường, Ngán.

Sơn Dương là huyện miền núi phía nam của tỉnh Tuyên Quang, diện tích đất tự nhiên là 788 km2; toàn huyện có 32 xã và 01 thị trấn, là vùng chuyển tiếp giữa trung du và miền núi, rừng núi chiếm 3/4 diện tích đất tự nhiên. Là nơi sinh sống của 10 dân tộc gồm: Kinh, Tày, Nùng, Cao Lan, Dao, Hoa, H’Mông, Sán Dìu, Mường, Ngán.

Tổng số người trong độ tuổi lao động trên địa bàn huyện năm 2013 chiếm 61,5%, năm 2016 chiếm 62,6%, dự kiến năm 2017 chiếm 62,9%. Trong đó, số người trong độ tuổi lao động ở khu vực nông thôn năm 2013 là 91,9% đến cuối năm 2016 là 90,3%. Lao động của huyện chủ yếu là làm việc trong ngành nông, lâm nghiệp, lao động trong ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ còn chiếm tỷ trọng thấp. Cơ cấu lao động năm 2016 trong ngành nông, lâm, ngư nghiệp chiếm 63 %; ngành công nghiệp, xây dựng chiếm 19 %; ngành thương mại, dịch vụ chiếm 18%.

Trong những năm qua, huyện Sơn Dương đặc biệt quan tâm, coi trọng công tác đào tạo, trong đó có đào tạo nghề cho lao động ở nông thôn nhằm từng bước chuyển dịch cơ cấu lao động đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Vì vậy đã đưa công tác đào tạo nghề vào nhiệm vụ, mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện các nhiệm kỳ. Cụ thể là nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo từ  39,3%, năm 2013 lên 45%, năm 2015 và 60% năm 2020, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề các năm tương ứng là 25%, 30% và 40% vào năm 2020. Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên đã chủ động phối hợp với các ngành liên quan tham mưu cho UBND huyện Sơn Dương chỉ đạo, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, cụ thể:

- Thành lập và kiện toàn Ban chỉ đạo thực hiện Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020" của huyện, Trưởng Ban Chỉ đạo là Phó Chủ tịch huyện, thành viên là lãnh đạo các ngành liên quan; ban hành Quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo; chỉ đạo các xã, thị trấn thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020" cấp xã. Đến năm 2016, 100% xã, thị trấn có Ban Chỉ đạo.

- Tổ chức sáp nhập Trung tâm Dạy nghề huyện Sơn Dương và Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp - Hướng nghiệp huyện Sơn Dương thành Trung tâm Dạy nghề huyện Sơn Dương và tiến hành đổi tên thành Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Sơn Dương theo quy định. Quan tâm, tạo điều kiện bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ quản lý về công tác đào tạo nghề và đội ngũ giáo viên của trung tâm.

- Xây dựng và ban hành các quyết định, kế hoạch thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020" trên địa bàn huyện Sơn Dương; kế hoạch về Giáo dục nghề nghiệp - Việc làm huyện Sơn Dương giai đoạn 2016 - 2020;

- Chủ động phối hợp với Hội nông dân huyện, Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn, hằng năm tổ chức rà soát nhu cầu học nghề của người lao động nông thôn; xây dựng kế hoạch đào tạo nghề cho lao động trình UBND huyện phê duyện; tổ chức đào tạo nghề đảm bảo chất lượng, hiệu quả, sát với nhu cầu người học và giới thiệu việc làm cho lao động sau đào tạo.

- Chủ động phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể huyện thường xuyên kiểm tra, đánh giá kết quả, chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn; chủ động báo cáo, kiến nghị, đề xuất những vấn đề bất cập, phát sinh với UBND huyện để kịp thời cho ý kiến chỉ đạo, xử lý.

- Phối hợp với Đài Truyền thanh - truyền hình huyện xây dựng hàng chục phóng sự, bài viết có nội dung tuyên truyền liên quan đến chính sách pháp luật, các quy định của nhà nước về công tác giáo dục nghề nghiệp, các mô hình tiêu biểu trong việc áp dụng kiến thức học nghề vào sản xuất phát triển kinh tế; phối hợp với UBND các xã, các tổ chức đoàn thể phát tờ rời thông tin tuyên truyền về các lớp học nghề, chế độ chính sách cho người tham gia học nghề.


Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy thăm quan lớp học nghề May công nghiệp

Từ nguồn kinh phí được phê duyệt theo Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 của Chính phủ, trong 5 năm (giai đoạn 2013 - 2017) Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Sơn Dương đã tổ chức đào tạo cho 2.670 học viên. Trong đó:

- Theo lĩnh vực nghề đào tạo:

+ Học nghề nông lâm, ngư, nghiệp: 52 lớp với 1.807 học viên (sơ cấp nghề: 01 lớp với 35 học viên; học nghề dưới 03 tháng 51 lớp với 1.772 học viên).

+ Học nghề phi nông nghiệp: 25 lớp với 898 học viên (sơ cấp nghề: 25 lớp với 898 học viên).

- Theo đối tượng hỗ trợ đào tạo:

+ Thuộc diện hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, thuộc hộ nghèo, dân tộc thiểu số: 828 người.

+ Thuộc đối tượng lao động nông thôn khác: 1.842 người.

- Kết quả đào tạo: Số lao động nông thôn sau học nghề gắn và tạo được việc làm là: 2.122 người, đạt tỷ lệ 79,5%, trong đó:

+ Số người được doanh nghiệp, đơn vị tuyển dụng: 165 người.

+ Số người tự tạo việc làm: 1.817 người.

+ Số người thành lập Hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất: 140 người.

 Không chỉ chú trọng vào đào tạo nghề cho lao động nông thôn, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Sơn Dương  rất coi trọng công tác tư vấn, ký kết và giới thiệu việc làm cho lao động sau học nghề. Chủ động phối hợp với các cơ quan đoàn thể như Hội Nông dân huyện, Hội Nông dân các xã, các doanh nghiệp tuyển dụng tổ chức thông tin, tuyển dụng, ký kết nhận vào làm việc sau đào tạo nghề. Cụ thể với các doang nghiệp như: doanh nghiệp Tiến Đa - Cao Phong, Lập Thạch, Vĩnh Phúc (Mây, tre đan xuất khẩu); Doanh nghiệp Pầng Loan – Nghĩa Lộ - Yên Bái (Thêu, dệt thổ cẩm); Công ty cổ phần phát triển nguồn nhân lực Hoàng Long – Hà Nội; nhà máy giấy An Hòa, HTX Nấm sạch Bình Yên; Nhà máy may Phúc Ứng, trường Cao đẳng nghề mỏ Hồng Cẩm - Vinacomin tuyển sinh đào tạo nghề; Chi nhánh Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thái Nguyên tuyển lao động đi làm việc ở nước ngoài; Công ty điện tử ZAHWA VINA Khu Công nghiệp Khai Quang - Vĩnh Phúc, Tổng công ty Thành An - Bộ Quốc phòng (trong lĩnh vực xuất khẩu lao động và du học), Trường Cao đẳng nghề số 1 - Bộ Quốc Phòng....

Trong thời gian tới để làm tốt công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn góp phần thực hiện thành công tiêu chí Giáo dục và đào tạo trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện. Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Sơn Dương xác định phải làm tốt nội dung sau:

- Một là, tranh thủ được sự quan tâm lãnh chỉ đạo thường xuyên và tập trung thống nhất của cấp uỷ Đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở. Phát huy tốt vai trò phối hợp của các đoàn thể trong việc tuyên truyền vận động người lao động tham gia học nghề.


Học viên đang thực hành sửa chữa máy nông nghiệp

- Hai là, làm tốt công tác tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đối với công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến cán bộ, đảng viên, các tổ chức, cá nhân và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, các tổ chức, cá nhân trong việc tham gia dạy và học nghề cho người lao động với phương châm “cần gì, học nấy”.

- Ba là, làm tốt khâu khảo sát nhu cầu học nghề, nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh. Thực hiện đồng bộ các chính sách, chế độ đối với người dạy và học theo đúng quy định của nhà nước, đảm bảo công khai, minh bạch.

- Bốn là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, quản lý chất lượng đào tạo nghề để uốn nắm kịp thời những thiếu sót trong tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn; đồng thời làm tốt công tác tổ chức, sơ kết, tổng kết để đánh giá, rút kinh nghiệm quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn, kịp thời khắc phục những hạn chế để công tác đào tạo nghề trở thành nhu cầu thiết thực trong cuộc sống của mỗi người lao động.

Phạm Đình Tuyên - Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh

Tin cùng chuyên mục