Đánh giá kết quả sản xuất nông, lâm nghiệp 08 tháng đầu năm

Trước diễn biến tình hình dịch COVID-19 gây ra, ngành Nông nghiệp và PTNT đã tiếp tục chỉ đạo thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trong điều kiện ứng phó với dịch COVID-19.

Những tháng đầu năm, tình hình sản xuất nông, lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh đối mặt với nhiều khó khăn do diễn biến thời tiết bất thường và ảnh hưởng của dịch COVID-19. Ngành Nông nghiệp đã chủ động tháo gỡ khó khăn cho nông dân, tăng cường phòng, chống sâu bệnh hại trên cây trồng, dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Phối hợp chặt chẽ với các ngành có liên quan và UBND các huyện, thành phố chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu giống  và tổ chức sản xuất theo đúng khung thời vụ. Tổng diện tích gieo trồng đạt 30.959 ha. Hầu hết các loại cây trồng đều cho năng suất, sản lượng cao và được giá hơn so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể: Cây lúa 25.127 ha/25.045 ha, đạt 100,33 % kế hoạch; cây ngô 4.628 ha/4.469 ha, đạt 103,6% kế hoạch; cây lạc 1.203,6 ha/1.217 ha, đạt 98,9% kế hoạch.

Về lĩnh vực chăn nuôi: Tiếp tục phát triển chăn nuôi trâu, bò, lợn, gia cầm tại các xã có điều kiện thuận lợi gắn với tiêu thụ sản phẩm; tập trung tổ chức thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách của tỉnh để hỗ trợ chăn nuôi, tái đàn, ưu tiên mở rộng quy mô chăn nuôi có hợp đồng liên kết. Từ đầu năm 2020 đến nay, bệnh dịch tả lợn Châu Phi vẫn tái phát trên địa bàn tỉnh, tuy với quy mô nhỏ nhưng đã ảnh hưởng đến tình hình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Các huyện, thành phố đã tập trung thực hiện các biện pháp khống chế, tiêu hủy toàn bộ số lợn mắc bệnh theo quy định. Đến nay, có 22 xã đã công bố hết dịch; 20 xã chưa qua 21 ngày; 03 xã đã qua 21 ngày đang kiểm tra, đánh giá để công bố hết dịch.

Về lĩnh vực thủy sản: Tổ chức thực hiện công tác quản lý, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản; hỗ trợ phát triển nuôi cá lồng và cá đặc sản trên sông, hồ và áp dụng nuôi trồng thủy sản theo tiêu chuẩn VietGAP gắn với truy xuất nguồn gốc, đặc biệt là các loại cá đặc sản có giá trị kinh tế cao. Tổng số lồng nuôi cá hiện có 2.159 lồng, tăng 139 lồng so với cùng kỳ năm 2019; sản lượng thủy sản khai thác 8 tháng được 5.975 tấn, đạt 68,4%  kế hoạch (tăng 8,4% so với cùng kỳ năm 2019).

Về lĩnh vực lâm nghiệp: Hết tháng 8, toàn tỉnh trồng rừng được 9.807 ha, đạt 94,8%  kế hoạch (trong đó: Trồng rừng tập trung 9.431,8 ha; trồng cây phân tán quy diện tích 375,2 ha); khai thác 5.865,6 ha, sản lượng 485.999 m3 đạt 55,2 % kế hoạch. Triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ giống cây lâm nghiệp chất lượng cao theo Nghị quyết số 03/2017/NQ-HĐND; thực hiện quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng theo tiêu chuẩn FSC được 27.754,9 ha; tăng cường công tác cảnh báo nguy cơ cháy rừng và thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy rừng trong mùa  khô; xử lý nghiêm các trường hợp khai thác, vận chuyển gỗ trái phép.

Tựu chung lại, mặc dù dịch COVID-19 ảnh hưởng tới mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, thời tiết diễn biến phức tạp; dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, thủy sản phát sinh gây hại nhưng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản 8 tháng đầu năm của Tuyên Quang vẫn đạt kết quả theo kế hoạch. Đây là kết quả, nỗ lực cao nhất của Ngành trong hoàn cảnh đặc biệt khó khăn như hiện nay.

Dự báo 4 tháng cuối năm, thiên tai sẽ rất phức tạp, diễn biến thị trường cũng rất khó lường. Giải bài toán khó này, Ngành đã xây dựng kịch bản tăng trưởng với nhiều giải pháp ứng phó linh hoạt với từng điều kiện cụ thể. 

Trước tiên, tập trung chỉ đạo tổ chức sản xuất thắng lợi vụ mùa; đảm bảo đúng thời vụ, kỹ thuật, cơ cấu giống; dự báo, phòng trừ kịp thời các đối tượng dịch hại, chủ động các biện pháp phòng, chống bệnh ở cây trồng, vật nuôi.

Cùng với vụ mùa, các địa phương được khuyến cáo chuẩn bị tốt các điều kiện phục vụ sản xuất vụ thu đông. Đây là năm có thể chớp thời cơ để đẩy mạnh sản xuất, bởi còn nhiều dư địa tăng trưởng, tuy nhiên cần chuẩn bị kịch bản rõ ràng, có phương án liên kết sản xuất, đầu ra cho sản phẩm, lựa chọn đối tượng cây trồng phù hợp nhằm tránh dư thừa, ách tắc trong tiêu thụ.

Ngành Nông nghiệp cũng xác định, từ nay đến cuối năm, các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp sẽ “cứu cánh” cho mục tiêu tăng trưởng. Do đó, trong những tháng còn lại của năm phải tập trung phát triển nhanh hơn. Chăn nuôi phải tập trung thực hiện đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phòng, chống, khống chế bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, đây là một giải pháp quan trọng để giảm thiệt hại, đảm bảo tốc độ tăng trưởng. 

Bước vào mùa mưa bão, ngành Nông nghiệp lưu ý, các địa phương phối hợp với các đơn vị có liên quan tổng rà soát lại hệ thống đê điều, các điểm sạt lở, các hồ chứa có nguy cơ cao để kịp thời sửa chữa, sẵn sàng ứng phó với thiên tai, bảo vệ sản xuất với  phương châm “4 tại chỗ”./.

Nguyễn Thị Thu Hương/VPĐP NTM tỉnh

Tin cùng chuyên mục