Dòng chảy nông thôn mới qua bút ký

- Ký vốn giàu cảm xúc, dựa trên hiện tượng, nhân vật chân thực, không hư cấu. Chính với đặc điểm đó ký văn học thường được các tác giả lựa chọn để tái hiện bức tranh biến chuyển của đời sống nông thôn mới.

Có một khoảng thời gian dài, mảng đề tài về nông nghiệp - nông dân - nông thôn bị các tác giả “bỏ quên”. Tuy nhiên những năm gần đây một dòng sáng tác về đề tài nông thôn mới đã được khơi nguồn và hòa mình vào đời sống văn học. Nhiều tác phẩm với nguồn tư liệu phong phú, sinh động mang tính thời sự sâu sắc, kịp thời tuyên truyền, động viên, cổ vũ nhân dân trong công cuộc xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, mỗi tác giả lại mang một phong cách riêng, cách nhìn khác lạ tạo nên bức tranh muôn màu của văn học nông thôn xứ Tuyên.

Những bút ký viết về nông thôn mới được đăng trên trang Báo Tân Trào.

Đó là một Ngọc Hiệp với trang viết đầy trữ tình, mềm mại; một Lê Na với cái nhìn đa chiều, biết cách mềm hóa số liệu thực tế bằng giọng văn uyển chuyển, giàu cảm xúc; Nguyễn Đình Lãm với giọng văn dí dỏm, tâm hồn phong phú, đôi khi vượt ngưỡng thực tại; một Đỗ Anh Mỹ là câu chữ điềm tĩnh, nhẹ nhàng, chân thực; một Tạ Bá Hương luôn cẩn trọng quan sát và chỉn chu theo từng mạch văn khác lạ; một Bàn Tài Đoàn cần mẫn đi nhiều, viết nhiều, luôn dành cảm xúc chân thành cho mỗi mảnh đất đặt chân đến... Và còn rất nhiều cây bút ký nổi bật như: Cao Xuân Thái, Mai Thái Sơn, Hồng Giang, Triệu Đăng Khoa, Huyền Nhung...

Đa số các bài viết đều vận dụng ngôn ngữ để chuyển tải một cách chân thực vẻ đẹp, nét riêng có cũng như sự biến chuyển của quê hương trước đời sống mới. Khung cảnh sinh động, sự đổi thay của miền quê hiện hữu qua cách nhìn của nhà văn thật nên thơ, tràn đầy sức sống: “Dọc theo hai bên đường là màu xanh của rừng cây, đồi cam nên nắng hè dịu mát cảm giác như nắng mùa thu. Nằm tựa lưng vào dãy núi Cham Chu, phía trước nhìn ra sông Lô cuộn chảy, vì thế mà đất Phù Lưu cây cối tốt tươi, khí hậu trong lành” (Phù Lưu nay đã phong lưu - Ngọc Hiệp). Ngọc Hiệp đã nhanh chóng phác họa được bức tranh thanh bình của miền quê trù phú qua giọng văn kể tả đặc trưng. Nơi đó có rừng xanh ngút ngàn, cây cam sành trù phú quanh năm được chở che, nuôi dưỡng với khí hậu, thổ nhưỡng mát mẻ hiền hòa.

Trước những đổi thay tích cực đó, các tác giả dành trọn sự ngỡ ngàng, háo hức. Mạch văn như mạnh hơn, cảm xúc hơn, ngôn từ vui tươi qua ngòi bút của Trần Huy Vân: “Đến các xã trong huyện Sơn Dương ở đâu cũng bắt gặp một Xóm Mới... Một nét mới ở làng quê, gần đây mới có. Nơi ấy, hình thành một khu dân cư nhỏ nửa tỉnh, nửa quê, một khu “phố mới” (Xóm mới). Thủ pháp điệp từ “mới” liên tục được lặp đi lặp lại để nhấn mạnh biến chuyển của mỗi làng quê. Với cách mở đầu ấn tượng như thế khiến độc giả háo hức tìm hiểu, lôi cuốn qua mạch văn tự nhiên, không chút gượng gạo của Huy Vân.

Hầu hết trong các bút ký của ông đều có nhân vật và những cuộc trò chuyện ngắn gọn, đủ để minh chứng về sự đổi mới trong cách nghĩ, cách làm của con người thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa: “Đi đến các xã, các huyện được gặp đội ngũ cán bộ, được nghe rồi đọc các bản tổng kết công tác, tôi nhận ra một điều, đội ngũ cán bộ lãnh đạo đều rất trẻ... Đều có bằng cử nhân, thạc sỹ, rất năng động, thực sự có năng lực, nhiệt tình trong công việc. Cứ nhìn nhịp sống của người dân, từ phố huyện đến các vùng trong làng bản, nhìn các công trình đã và đang xây dựng là rõ ngay. Cán bộ nào phong trào ấy” (Hành hương qua miền ký ức).

Những người nông dân dám nghĩ, dám làm để thay đổi, làm giàu cho quê hương. Mỗi nhân vật đều gắn với những câu chuyện qua bút ký. Đó là: Hoàng Văn Thanh, xã Tiến Bộ qua “Yên Sơn diện mạo nông thôn mới” (Xuân Đặng); Trần Văn Đam, xã Trung Yên (Sơn Dương) qua “Tỷ phú miền rừng” của Bàn Minh Đoàn; Bàn Lồng Chiêu, xã Sơn Phú (Na Hang) qua “Mùa măng Nà Lạ” của Tạ Bá Hương... Các nhân vật đều hiện hữu ngoài đời thực, qua góc nhìn của nhà văn, mỗi nhân vật có nét riêng, cách làm riêng. Nhưng điểm chung là ở họ đều có ý chí và nghị lực vượt qua khó khăn, biết vươn mình, góp sức xây dựng nông thôn mới.

Bên cạnh phát triển kinh tế, người nông dân luôn biết giúp đỡ sẻ chia việc làng, việc bản. Như nhân vật cựu chiến binh Trần Văn Thắng, xã Đông Thọ (Sơn Dương), làm kinh tế từ mô hình tổng hợp. Ông sẵn sàng hiến đất để góp phần rộng mở con đường quê hương: “Ngay khi thôn Đông Thịnh phát động nhân dân thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, anh Thắng đã tự nguyện hiến cả trăm mét đất ruộng, đất trồng cây ăn trái để xây dựng đường giao thông liên thôn. Chị Lưu, vợ anh cũng hết sức đồng tình ủng hộ quyết định này của anh” (Vươn lên vùng đất khó của Bàn Vân Nhung).

Con đường bê tông trải dài khắp bản làng được khắc họa trong hàng loạt bài ký như “Đường quê rộng mở”, “Con đường ý Đảng lòng dân”, “Gặp người làm đường thôn bản” của Nguyễn Hữu Dực; “Sức sống vùng đất khó” của Tạ Bá Hương... Những câu văn gợi tả, giàu hình ảnh lôi cuốn độc giả. Bức tranh quê hương tươi đẹp được chấm phá, vẽ lên gam màu xanh tươi: “Chúng tôi vòng theo cánh “đồng cong” vào bản. Đường bê tông lượn theo cánh lúa. Vài ba vạt hoa cỏ dại dẫn lối về. Những ngôi nhà sàn mái cọ nâu sẫm xen giữa những ngôi nhà xây, tươi mới màu sơn, thấp thoáng vườn nhãn cổ thụ” (Qua cầu sang Tông Khuật, tác giả Lê Na). Thế mới biết sức sống của bút ký, độ phóng bút bằng cảm xúc chân thực của mỗi tác giả là rất quan trọng.

Một dòng sáng tác về nông thôn mới đã được khơi nguồn và đang hòa mình vào dòng chảy văn học tỉnh nhà. Giữa vô vàn đề tài trong cuộc sống hiện đại, viết về nông thôn mới là một chủ đề cần sự tư duy và cách viết mới mẻ để tạo sức hấp dẫn riêng. Bằng cung đường bút ký với độ chân thực, giàu cách thể hiện, các tác phẩm sẽ là “món ăn tinh thần” mới lạ cho độc giả yêu thích và cảm thụ văn học đương đại.

Bài, ảnh: Giang Lam/Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục