Bảo tồn văn hóa truyền thống

- Công cuộc xây dựng nông thôn mới 10 năm trở lại đây đã góp phần nâng cao đời sống nông dân tại nhiều địa phương trong tỉnh. Thành tựu trong suốt 10 năm ấy không chỉ đem lại sự thay đổi tích cực về thu nhập, diện mạo nông thôn mà đã thực sự tạo dựng một môi trường văn hóa lành mạnh cho người dân. Trong đó, văn hóa truyền thống - cái nôi nuôi dưỡng bao thế hệ đồng bào - giờ được bảo tồn, gìn giữ và phát triển bằng nhiều hình thức khác nhau.

Từ những hạt nhân...

Sở hữu một kho tàng dày đặc các di sản phi vật thể, việc bồi đắp và phát triển văn hóa được tỉnh ta đặt vị trí ngang tầm phát triển kinh tế - xã hội nông thôn trong công cuộc phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân. Theo báo cáo của Văn phòng điều phối Nông thôn mới Trung ương, toàn tỉnh hiện đã có 37 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Tại mỗi xã, văn hóa truyền thống được gìn giữ theo nhiều cách khác nhau, và đóng góp tích cực vào đời sống nhân dân.


Phụ nữ Dao Đỏ thôn Khuổi Hỏi, xã Trung Hà (Chiêm Hóa) thêu trang phục truyền thống.

Nghệ nhân Hà Ngọc Cao được xem là người giữ hồn Then ở xã Xuân Quang (Chiêm Hóa). Theo nghệ nhân Hà Ngọc Cao, thực hành nghi lễ Then tạo thành một phần cơ bản trong đời sống tinh thần của người Tày. Nó phản ánh mối quan hệ giữa con người, thế giới tự nhiên và vũ trụ. Nghi lễ Then thể hiện bản sắc văn hóa của dân tộc, từ phong tục đến nhạc cụ, múa, âm nhạc. Ngoài thực hành nghi lễ Then, ngày nay, những người am hiểu về hát Then, đàn Tính cũng thường hay sáng tác các bài Then mới với lời hát và giai điệu khác nhau, có thể xen lẫn giữa ngôn ngữ riêng của người Tày xen lẫn tiếng phổ thông tạo nên những bài hát mới, ca ngợi Đảng, Bác Hồ, ca ngợi con người trong lao động sản xuất, quê hương đổi mới… Chính nhờ đó, Then góp phần giáo dục đạo đức, lối sống nhân đạo và bảo vệ các phong tục, truyền thống văn hóa ở Việt Nam. Số lượng người trẻ biết hát Then, đánh đàn Tính không ngừng được nâng lên, nhiều người đã trở thành các thành viên nòng cốt trong đội văn nghệ của cơ sở và của huyện. Chiêm Hóa hiện nay có gần 50 câu lạc bộ hát Then, đàn Tính với trên 600 thành viên, trong đó có nhiều địa phương có đến 2 câu lạc bộ với nhiều lứa tuổi khác nhau, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc Tày trên địa bàn huyện.

Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới thực sự là một “cuộc cách mạng về nông nghiệp, nông thôn”. Dòng chảy văn minh, hiện đại đã lan tỏa đến từng đường làng, ngõ xóm, len lỏi đến từng gia đình nông thôn ở cả vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, xây dựng và phát triển nông thôn theo hướng hiện đại không phủ nhận các giá trị truyền thống. Ông Đỗ Minh Tân, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh khẳng định rằng, trong 19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, chỉ có hai tiêu chí về văn hóa nhưng các tiêu chí này gần như bao hàm hết các tiêu chí còn lại. Bởi xét đến cùng, các tiêu chí xây dựng nông thôn mới muốn đạt được kết quả bền vững đều bắt nguồn từ ý thức và sự tự giác của người dân, đó chính là nếp sống văn hóa.

Thôn Khuân Mản, xã Lương Thiện (Sơn Dương) vừa thành lập Câu lạc bộ bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc Dao. Hạt nhân của câu lạc bộ là ông Đặng Xuân Dũng, Đặng Kim Dung là những người biết hát Páo dung từ khi còn rất trẻ. Theo bà Đặng Thị Kim Dung, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Lương Thiện, ở Khuân Mản chủ yếu là người Dao, người Nùng. Khi Câu lạc bộ bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc Dao được thành lập, bà con trong thôn hưởng ứng nhiệt tình. Người biết hát thì dạy nhau hát, người biết thêu thì dạy con cháu thêu, người giữ được tiếng nói thì dạy lại người trẻ tiếng nói… để văn hóa người Dao không mai một, không mất đi theo thời gian. Khuân Mản hiện cũng chuẩn bị thành lập Câu lạc bộ bảo tồn văn hóa truyền thống người Nùng, sau dư âm tốt đẹp từ câu lạc bộ đầu tiên.


Phụ nữ Cao Lan xóm 2, xã Kim Phú (TP Tuyên Quang) gói bánh chưng truyền thống.

Bảo tồn, gìn giữ cho muôn đời sau

Đánh giá của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, việc bảo tồn, gìn giữ văn hóa truyền thống một cách đúng đắn đã đem lại hiệu quả thiết thực. Hệ thống di sản được bảo tồn và phát huy giá trị trong đời sống tinh thần của người dân, các thiết chế văn hóa, thể thao được đầu tư xây dựng, chỉnh trang ngày càng đồng bộ, phủ khắp vùng nông thôn. Để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh duy trì trên 200 câu lạc bộ đàn hát dân ca và bảo tồn văn hóa dân tộc; 70 câu lạc bộ hát Then - đàn Tính của dân tộc Tày; 6 câu lạc bộ hát Páo dung của dân tộc Dao; 13 câu lạc bộ hát Sình ca của dân tộc Cao Lan. Ngoài các câu lạc bộ bảo tồn văn hóa dân gian, theo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, trong tổng số 3.376 tổ tự quản trên địa bàn tỉnh, cũng có gần 560 tổ tự quản lĩnh vực văn hóa, nếp sống văn minh.

Tổ tự quản giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Cao Lan, thôn 1, xã Lưỡng Vượng được thành lập năm 2018 đã đem lại niềm vui cho không chỉ 92 hộ đồng bào dân tộc Cao Lan của thôn 1, mà còn là niềm vui chung của đồng bào các dân tộc trong và ngoài xã. Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Trần Thị Tuyết Lan cho biết, ngay từ tên gọi, đã thấy có sự khác biệt so với các câu lạc bộ tương tự, khi tất cả đều nằm ở ý thức vì việc chung của bà con.

Bà Trần Thị Sang, Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn 1, Tổ trưởng Tổ tự quản giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Cao Lan bảo, ngày thành lập, người Cao Lan ở các xã Đội Bình (Yên Sơn), Đại Phú (Sơn Dương) biết tin cũng lên từ tối hôm trước để cùng chung vui, hát giao duyên với người Cao Lan thôn 1. Tổ tự quản không chỉ duy trì, khôi phục các làn điệu Sình ca, mà còn giữ tiếng nói, dạy cách may trang phục truyền thống của phụ nữ Cao Lan…

Đặc biệt, các hoạt động văn hóa không còn diễn ra theo kiểu “xuân thu nhị kỳ” như trước mà phong phú hơn, thường xuyên hơn với nhiều câu lạc bộ mới ra đời như hát dân ca, may trang phục truyền thống… Không khí sinh hoạt sôi nổi của các câu lạc bộ đã thổi một luồng sinh khí mới cho làng quê.

Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Đỗ Minh Tân khẳng định, sự thay đổi trong nếp nghĩ của người dân đã góp phần loại trừ các yếu tố mê tín dị đoan, phô trương, lãng phí trong đời sống, phù hợp hơn với xu thế của thời đại, giúp các phong trào, các lễ hội ở địa phương được duy trì theo hướng thực chất hơn. “Vì ở đâu có ánh sáng, bóng tối không còn chỗ trú ngụ nữa” - ông Tân ví von thế. Đặc biệt là người dân đã đồng hành trong nhiều hoạt động của phong trào thi đua Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới. Sự đồng hành không chỉ về mặt tinh thần, qua sự hưởng ứng nhiệt tình tham gia các hoạt động, mà còn thể hiện ở việc hỗ trợ kinh phí, đóng góp để xây dựng các công trình phúc lợi, khi có những hộ dân đóng góp cả chục triệu đồng hay hàng nghìn mét vuông đất để xây dựng các công trình công cộng. Chính sự thay đổi trong tư duy, trong nếp nghĩ mới kéo theo sự thay đổi về chất và về lượng ở mọi hoạt động phong trào.

Bài, ảnh: Trần Liên/Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục