Niềm vui mới ở Bản Bung

- Bản Bung cùng các thôn khác của xã Thanh Tương (Na Hang) đang trong lộ trình phấn đấu hoàn thành nông thôn mới. Mọi công việc kiến thiết thôn bản, xây dựng đời sống mới đang được khẩn trương hoàn thành.

Thôn Bản Bung, xã Thanh Tương nằm trong vùng lõi của rừng đặc dụng Tát Kẻ - Bản Bung. Khoảng 50 năm trước, một số hộ người Tày đã về đây lập bản. Sau này bản có thêm những hộ người Dao ở rải rác trong vùng tập trung về đây chung sống. Hiện nay, Bản Bung có 49 hộ dân, trong đó chủ yếu là đồng bào dân tộc Tày. Bản Bung là một trong số ít những thôn thuộc diện khó khăn nhất huyện Na Hang, thôn chưa có điện, chưa có đường ô tô, chưa có nhà văn hóa, sóng điện thoại vẫn chưa vươn tới.


Cán bộ xã Thanh Tương kiểm tra tình hình sản xuất nông nghiệp ở Bản Bung.

Ông Phạm Văn Phi là người Kinh duy nhất sống ở Bản Bung gần 40 năm nay. Ông Phi vốn là người quê Nam Định làm nghề thợ xẻ. Đó là cái nghề đi làm khắp nơi, ăn cơm thiên hạ, hễ có ai thuê mướn thì ông đến, ở và làm cho đến khi xong việc thì lại chuyển nơi khác. Rồi một ngày người theo việc, ông “lạc” vào Bản Bung. Ông bảo cũng chỉ vì yêu thương cô gái Tày trong bản, cũng tự thấy rằng đi mãi rồi cũng “mỏi” phải dừng chân. Bản Bung tuy có xa xôi, hẻo lánh nhưng ruộng đất rộng, phì nhiêu, khí hậu mát mẻ, con người thân thiện, vậy là ông quyết định ở lại Bản Bung cùng người con gái mình yêu. Ngày ấy Bản Bung đâu có đường như bây giờ, muốn ra ngoài bản thì phải đi bộ mất cả nửa ngày mới ra khỏi bản. Người Bản Bung mấy đời trước cứ “âm thầm” sống tự cấp tự túc, mãi cũng thành quen. 

Ông Phi bảo, trong khó khăn người Bản Bung đã nuôi cho mình ý chí, khát vọng về cuộc sống đổi thay trở thành sức mạnh. Đó là khi Bản Bung tiếp nhận chủ trương Nhà nước hỗ trợ xi măng để làm đường bê tông. Mọi thứ như có phép màu biến những khát vọng tưởng chừng như khó có thể làm được đã thành hiện thực. Con đường bê tông dài gần 8 km với bao công sức trong suốt 3 năm của người Bản Bung bỏ ra đã hoàn thành. Nếu đem tính toán mỗi người dân Bản Bung phải cõng hàng chục khối cát từ suối cách xa ít nhất là 2 km về để làm đường. Thành quả đó chính là sự hun đúc từ khát vọng của người Bản Bung. Từ khi có đường, giao thương đã phát triển, ông Phi đã mở một quán nhỏ bán nhu yếu phẩm cho bà con trong bản. Tuy nhiên, con đường bê tông đó chỉ có thể đi xe máy.

Khi chúng tôi có mặt ở Bản Bung, thôn rất đông khách toàn những người từ xã, từ huyện vào. Họ là những cán bộ của huyện, của xã về thôn để kiểm tra tình hình sâu bệnh cây mạ sau khi có phản ánh của bà con trong thôn về hiện tượng bị táp lá. Sau khi thăm đồng và kiểm tra thực tế, những cán bộ Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện đã có kết luận. Đồng thời kê “đơn thuốc” chữa trị cho diện tích mạ bị nhiễm bệnh cho Trưởng thôn. Chị Nguyễn Thị Huế chia sẻ, làm ruộng bây giờ sướng lắm rồi. Đã có máy cày thay con trâu, bà con đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc cây trồng, biết gieo cấy, bón phân đúng thời điểm, mùa vụ đúng kỳ hạn. Khi có sâu bệnh đã có cán bộ xã, huyện kiểm tra, hướng dẫn cách chữa trị, không phải lo mất mùa. Bà con trong bản không thiếu lương thực đâu. Giờ đây bà con đã tính toán trồng các loại cây có giá trị hàng hóa để bán.


Đoạn đường bê tông mới vào Bản Bung vừa được thi công xong.

Anh Ma Văn Phương, Trưởng thôn Bản Bung cho biết, đời sống của bà con trong thôn mấy năm nay khá lên nhiều, giờ thì nhà nào cũng có xe máy. Thời điểm chưa có đường bê tông trong thôn có trên 80% hộ nghèo, đến nay thôn còn 14 hộ, chiếm 28%. Năm nay thôn phấn đấu giúp 5 hộ thoát nghèo để đảm bảo tiêu chí nông thôn mới dưới 10% hộ nghèo. Nhiều hộ trong thôn đã tính chuyện làm giàu, đã mạnh dạn chuyển đổi một số diện tích đất màu sang trồng cam, bưởi, rau với tổng diện tích gần 4 ha. Trong thôn đã có trên 10 hộ đầu tư chăn nuôi trâu số lượng đàn từ 5 con trở lên, tổng đàn trâu trong thôn có trên 100 con; có 15 hộ nuôi lợn đen, trung bình tổng đàn trên 30 con. Từ đó thu nhập của bà con được cải thiện đáng kể. 

Tuyến đường bê tông mới dài gần 8 km từ thôn Yên Thượng vào tới tận trung tâm bản từ nguồn vốn phát triển hạ tầng du lịch của huyện Na Hang đã thi công gần xong. Dự án đầu tư hệ thống điện lưới cho Bản Bung đã hoàn thành kế hoạch đầu tư. Ngay sau khi đường hoàn thành điện sẽ được kéo về Bản Bung. Đồng chí Triệu Thế Hải, Bí thư Chi bộ thôn Bản Bung cho biết, mặt bằng để làm nhà văn hóa đã được bà con san, vẫn phải chờ làm xong đường, chở vật liệu về là thôn tiến hành làm ngay. Bà con trong thôn vui mừng vì được Nhà nước quan tâm hỗ trợ. Trong số 14 hộ nghèo của thôn, trừ 3 hộ thuộc diện già cả, neo đơn, bệnh tật không thể thoát nghèo còn lại các hộ đều sẵn sàng xin thoát nghèo khi có đường, có điện. Để thi công thuận lợi, bà con trong thôn đã tự nguyện hiến trên 2.200 m2 đất để làm đường. Sau khi có đường, có điện, thôn sẽ thực hiện quy hoạch trồng rau sạch với diện tích trên 5 ha cung cấp cho thị trường thị trấn Na Hang. Thôn rà soát, vận động một số hộ dân chỉnh trang lại nhà cửa vườn tược thực hiện dự án pháp triển du lịch cộng đồng (Homestay). Người dân Bản Bung đang tràn ngập niềm vui, với quyết tâm phấn đấu hoàn thành thôn nông thôn mới trong năm 2020.

Bài, ảnh: Thanh Phúc/Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục