Nhiều năm liền được Agribank huyện Yên Sơn đầu tư cho vay vốn, gia đình ông Âu Quang Hợp (bên phải ảnh), thôn Gò Chè, xã Nhữ Hán (Yên Sơn) đã phát triển chăn nuôi lợn thịt, lợn giống mỗi năm thu lãi hơn 300 triệu đồng. |
Theo Chi nhánh NHNN tỉnh, chưa bao giờ nguồn lực đầu tư cho khách hàng ở khu vực nông nghiệp, nông thôn lại được ưu tiên như những năm gần đây. Tính đến hết 31-10-2016, tổng dư nợ cho vay 16 xã điểm xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh đạt hơn 1.070 tỷ đồng, tăng so với 31-12-2015 là 335 tỷ đồng.
Trong đó dư nợ cho vay theo hai Nghị quyết số 10 và 12 của HĐND tỉnh hơn 165 tỷ đồng với hơn 1.920 hộ gia đình được vay vốn; dư nợ cho vay theo Quyết định 30/QĐ-UBND là 41 tỷ đồng, với 2.700 hộ còn dư nợ; cho vay theo Quyết định số 303/QĐ-UBND dư nợ là 14 tỷ đồng, với 1.520 hộ còn dư nợ.
Để nguồn vốn đến với người nông dân kịp thời Chi nhánh NHNN tỉnh ký kết thỏa thuận hợp tác với các tổ chức hội về triển khai cho vay theo Nghị định 55 của Chính phủ và các chương trình, chính sách của tỉnh. Các ngân hàng trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, chú trọng mở rộng mạng lưới tại các vùng sâu, vùng xa, vùng nông nghiệp, nông thôn trên khắp địa bàn tỉnh, đáp ứng nhu cầu vốn cho phát triển sản xuất, kinh doanh.
Tính hết ngày 31-10, tổng nguồn vốn huy động của Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh đạt hơn 2.042 tỷ đồng, tăng hơn 191 tỷ đồng so với 31-12-2015. Tổng dư nợ cho vay đạt hơn 2.037 tỷ đồng, so với đầu năm tăng trên 188 tỷ đồng; trong đó cho vay chăn nuôi kết hợp xây dựng hầm bể Biogas theo Quyết định số 30 của UBND tỉnh hơn 20 tỷ đồng, với hơn 1.000 hộ dư nợ; cho vay xây dựng công trình nhà tiêu và hệ thống chuồng trại tại các xã điểm xây dựng nông thôn mới hơn 10 tỷ đồng với 1.188 hộ còn dư nợ; cho vay theo Nghị quyết 10 và 12 của HĐND tỉnh là hơn 57 tỷ đồng với 1.174 hộ còn dư nợ; cho vay hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở là trên 73 tỷ đồng, với trên 9.200 hộ còn dư nợ…
Cùng với nguồn vốn chính sách của Chi nhánh NHCS xã hội tỉnh, nguồn vốn cho vay phát triển trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn của Ngân hàng Agribank - Chi nhánh Tuyên Quang với tổng dư nợ đạt hơn 5.700 tỷ đồng đã đóng góp tích cực trong việc giúp người nghèo và các đối tượng chính sách khác có vốn đầu tư phát triển sản xuất.
Theo Chi nhánh NHNH tỉnh, hết tháng 10-2016, dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn của các ngân hàng trên địa bàn tỉnh đạt hơn 7.500 tỷ đồng, chiếm 61% tổng dư nợ trên địa bàn, tăng so với 31-12-2015 là 1.023 tỷ đồng.
Thông qua nguồn vốn tín dụng, các doanh nghiệp tập trung đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi cho nông thôn, sản xuất kinh doanh; các hộ gia đình, cá nhân đầu tư phát triển chăn nuôi, tăng quy mô, diện tích nuôi trồng, phát triển các ngành nghề, dịch vụ giúp các địa phương hoàn thành các tiêu chí: Hộ nghèo, thu nhập và nhà ở dân cư trong xây dựng nông thôn mới.
Thời gian tới, Chi nhánh NHNN tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện tốt các chủ trương chính sách liên quan đến nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới của tỉnh và của ngành; tăng cường thực hiện Nghị quyết 16-NQ/TU ngày 22-5-2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XVI) về phát triển nông nghiệp hàng hóa; thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TU ngày 22-5-2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về kiên cố hóa kênh mương, bê tông hóa đường giao thông nội đồng và vùng sản xuất hàng hóa, xây dựng nhà văn hóa thôn, bản, tổ nhân dân gắn với sân thể thao và khuôn viên trên địa bàn tỉnh.