Hiện nay tỉnh Ninh Bình có 516 HTX, trong đó 409 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, 68 HTX hoạt động lĩnh vực phi nông nghiệp. Tổng số thành viên, lao động trong các HTX là trên 85.000 người.
Nhằm phát huy vai trò của HTX trong xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao và NTM kiểu mẫu, những năm qua, tỉnh đã có nhiều chính sách khuyến khích dồn điền, đổi thửa, tích tụ ruộng đất, quy hoạch các vùng sản xuất tập trung, tạo điều kiện để các HTX đẩy mạnh sản xuất kinh doanh. Tổ chức lại hoạt động của các HTX theo Luật HTX năm 2012, phát triển các mô hình HTX kiểu mới hoạt động hiệu quả. Liên minh HTX tỉnh đã hỗ trợ các HTX nhiều hoạt động xúc tiến thương mại; xây dựng các mô hình sản xuất gắn với chuỗi giá trị.
Mô hình trồng dưa trong nhà lưới của anh Nguyễn Văn Phong ở thôn Minh Hồng, xã Xích Thổ, huyện Nho Quan. Ảnh: Báo Ninh Bình)
Ông Nguyễn Văn Thuật, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX Na trái vụ và tiêu thụ trái cây an toàn Phú Long (xã Phú Long, huyện Nho Quan) cho biết: Được tỉnh, huyện, các cơ quan chuyên môn và Liên minh HTX tỉnh vào cuộc hỗ trợ, HTX Na trái vụ và tiêu thụ trái cây an toàn Phú Long đã phát triển từ sản xuất manh mún lên mô hình lớn, từ 47 ha trồng na lên gần 200 ha theo tiêu chuẩn VietGAP.
HTX đã thực hiện đúng quy trình nghiêm ngặt từ bón phân, chăm sóc, cắt tỉa, thụ phấn, định hình ra hoa trên cây. Quả na xuất ra thị trường có nguồn gốc xuất xứ, địa chỉ rõ ràng, người tiêu dùng có thể kiểm định qua tem và mẫu mã bao bì sản phẩm, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm với sản phẩm của HTX. Na của HTX đã đạt OCOP 4 sao. Với năng suất đạt từ 300-350 triệu đồng/1 ha, sản phẩm na của HTX góp phần thực hiện tiêu chí về kinh tế, thu nhập trong xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu ở xã vùng cao Phú Long.
Anh Bùi Văn Thịnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX nông nghiệp Ngô Đồng (xã Gia Phú, huyện Gia Viễn) cho biết: Thực hiện sự chỉ đạo của Đảng ủy, HĐND, UBND xã về việc thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu, HTX nông nghiệp Ngô Đồng đã quy hoạch vùng sản xuất tập trung.
Hiện HTX có tổng diện tích 127 ha, trong đó diện tích vụ mùa chiếm 80 ha, sản xuất theo cánh đồng mẫu lớn. HTX đã thay đổi giống lúa, kỹ thuật sản xuất, nâng năng suất, chất lượng sản phẩm, cung ứng giống, phân bón, kiểm tra bảo vệ thực vật, đưa năng suất đạt 2,6-2,7 tạ/sào. Đồng thời, HTX hợp đồng với doanh nghiệp để tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm.
Chăm sóc na theo tiêu chuẩn VietGap tại HTX Na trái vụ và tiêu thụ trái cây an toàn Phú Long (huyện Nho Quan). Ảnh: Báo Ninh Bình
Trong việc tham gia xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu, các HTX còn chú trọng bảo vệ môi trường nhằm phát triển nông nghiệp theo hướng hiệu quả, bền vững. Trong đó thường xuyên tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho thành viên về chuyển đổi phương thức sản xuất truyền thống sang các hình thức nông nghiệp sạch, an toàn bền vững như VietGAP, GlobalGAP, nông nghiệp hữu cơ; tổ chức cho thành viên tham quan các mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao trong và ngoài tỉnh.
Để giúp các HTX thích ứng với việc chuyển đổi số, thời gian qua, Liên minh HTX tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của chuyển đổi số trong phát triển HTX cho đội ngũ cán bộ chủ chốt, thành viên của HTX. Tổ chức các chuyên đề, hội thảo về chuyển đổi số.
Tổ chức tham quan học tập, trao đổi kinh nghiệm, giới thiệu các mô hình HTX trong và ngoài tỉnh thực hiện chuyển đổi số thành công. Tiến hành khảo sát và tổng hợp đăng ký nhu cầu về xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, xuất xứ hàng hóa và xây dựng trang thông tin điện tử cho các HTX gửi các cơ quan quản lý thực hiện.
Những nỗ lực trong sản xuất, kinh doanh của các hợp tác xã đã góp phần vào kết quả xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh. Năm 2023, toàn tỉnh có 8/8 huyện, thành phố đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ NTM; 119/119 xã đạt chuẩn NTM, 50/119 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 18/119 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Trong 6 tháng đầu năm 2024, huyện Yên Khánh đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn NTM nâng cao.