Rác thải sinh hoạt không được xử lý kịp thời, để tồn đọng là một trong những nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường. Vì vậy, việc phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt tại nguồn đóng vai trò rất quan trọng góp phần giảm thiểu tổng lượng rác thải trong cộng đồng thải ra môi trường, góp phần thực hiện tiêu chí về môi trường trong xây dựng nông thôn mới tại các địa phương. Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 đã nhấn mạnh đến mục tiêu tăng cường năng lực quản lý tổng hợp chất thải rắn, tiến hành đồng thời các giải pháp nhằm đẩy mạnh công tác lưu giữ, thu gom, vận chuyển, tái sử dụng, tái chế, xử lý chất thải rắn; mở rộng mạng lưới thu gom chất thải rắn; thúc đẩy phân loại chất thải rắn tại nguồn với phòng ngừa và giảm thiểu phát sinh chất thải rắn trong sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh và dịch vụ…
Đối với tỉnh Tuyên Quang, mục tiêu đến năm 2025: 96% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) tại các đô thị (trung tâm các huyện, thành phố) được thu gom và xử lý đáp ứng yêu cầu vệ sinh môi trường; phấn đấu giảm tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được xử lý trực tiếp bằng phương pháp chôn lấp xuống dưới 30%; tỷ lệ chôn lấp sau xử lý xuống dưới 20%; 80% lượng CTRSH phát sinh tại khu dân cư nông thôn tập trung được thu gom, lưu giữ, vận chuyển, tự xử lý, xử lý tập trung đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường; trên 70% các bãi chôn lấp CTRSH trên địa bàn tỉnh được đầu tư quy hoạch, xây dựng đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khu xử lý chất thải; phấn đấu 100% các điểm chôn lấp chất thải tự phát không thuộc quy hoạch phải dừng hoạt động. Hàng năm, giảm tối thiểu 10% rác thải và chất thải nhựa phát thải trên địa bàn tỉnh; 100% các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh không sử dụng túi ni lông khó phân hủy và các sản phẩm nhựa sử dụng một lần tại công sở và trong các hội nghị, cuộc họp và hoạt động của cơ quan; 100% các trung tâm thương mại, siêu thị sử dụng túi thân thiện với môi trường; 85% chất thải nhựa phát sinh được thu gom tái chế, tái sử dụng và xử lý.
Để hiện thực hóa các mục tiêu đề ra, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về tác hại do rác thải và chất thải nhựa trong sinh hoạt thường ngày và vai trò chủ thể của người dân là yếu tố quan trọng hàng đầu. Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền như: Qua các hình thức phối hợp của các cơ quan báo chí, Đài Phát thanh và Truyền hình; xây dựng các tài liệu tuyên truyền, hướng dẫn phân loại rác, hướng dẫn xử lý rác thải hữu cơ thành phân hữu cơ tại các hộ gia đình khu vực chưa được thu gom xử lý tập trung, tác hại của chất thải nhựa, biện pháp giảm thiểu chất thải nhựa và túi ni lông trong hoạt động sinh hoạt; tờ rơi, tờ gấp, ấn phẩm, sách hướng dẫn; thực hiện các chương trình truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng ở cộng đồng dân cư, cơ quan nhà nước, các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, tái chế, tái sử dụng và giảm thiểu chất thải; giới thiệu các mô hình tiêu biểu, cách làm hiệu quả, sáng tạo về phân loại, thu gom, tái chế và giảm thiểu chất thải, mô hình nền kinh tế tuần hoàn; tuyên truyền, vận động và tổ chức ký cam kết chống rác thải nhựa, không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần; các tổ chức phân phối sản phẩm, trung tâm thương mại, cửa hàng, nhà hàng, chợ, siêu thị không sử dụng túi ni lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội để triển khai tuyên truyền, vận động thực hiện các nhiệm vụ, chương trình nhằm giảm thiểu chất thải rắn sinh hoạt và hạn chế dùng sản phẩm nhựa sử dụng một lần và túi ni lông khó phân hủy. Cùng với đó, cần tăng cường hướng dẫn sử dụng các sản phẩm thay thế thân thiện với môi trường.
Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều hoạt động, nhiều mô hình thu gom, phân loại, xử lý rác thải có hiệu quả được triển khai, như: Mô hình “Vườn hoa thân thiện với môi trường", từ những bình, hộp nhựa bỏ đi, các chị em phụ nữ đã khéo léo cắt tỉa thành những bình xinh xắn để trồng hoa, cây cảnh; hoạt động chăm sóc, trồng mới tuyến đường hoa và thu gom phân loại rác thải nhựa bán phế liệu để gây thêm quỹ hội phụ nữ; hoạt động thu gom chai lọ nhựa, túi nilon để làm gạch sinh thái; … Mỗi xã nông thôn mới đều có các điểm thu gom, trung chuyển rác thải để đảm bảo vệ sinh môi trường.
Nhân dân khu dân cư Hùng Dũng, xã Hùng Mỹ, huyện Chiêm Hóa thu gom rác thải làm gạch sinh thái.
Để tạo chuyển biến tích cực trong việc thu gom, xử lý rác thải ở địa bàn nông thôn, cần thực hiện đồng bộ giải pháp giữ vững, nâng cao tiêu chí môi trường; tích cực nhân rộng, phát triển các mô hình bảo vệ môi trường, xây dựng các khu dân cư xanh-sạch-đẹp. Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp chính quyền, vai trò tham mưu, phối hợp thực hiện của các ngành chức năng và các tổ chức chính trị xã hội, công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động quản lý chất thải; giảm thiểu phát sinh chất thải rắn sinh hoạt; đầu tư hạ tầng, cơ sở thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt cho khu vực nông thôn.
Khu dân cư Cầu Bì, xã Tú Thịnh, huyện Sơn Dương thực hiện Phong trào "Tuyên Quang chung tay xử lý rác thải và chống rác thải nhựa"
Xây dựng nông thôn mới là hành trình có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc. Việc duy trì và nâng cao các tiêu chí nông thôn mới (trong đó có tiêu chí môi trường) là nhiệm vụ khó, đòi hỏi địa phương phải thường xuyên quan tâm, quyết liệt trong việc tuyên truyền, vận động, chỉ đạo tổ chức thực hiện. Khi đạt chuẩn rồi cần nâng cao các tiêu chí để xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân; hạ tầng cơ sở nông thôn khang trang, hiện đại, văn minh hơn.