Hà Nội: Tăng tốc thực hiện nông thôn mới

Trong 4 tháng đầu năm 2020, cả hệ thống chính trị Thành phố dồn sức chống dịch Covid- 19. Chính vì thế, từ nay đến cuối năm Hà Nội phải tăng tốc thực hiện Chương trình 02 của Thành ủy, bám sát để thực hiện các mục tiêu mà Thành phố đã đề ra là tăng trưởng ngành nông nghiệp trong năm nay đạt trên 4%; có 700 sản phẩm OCOP mới được đăng ký; có thêm 5 huyện được công nhận huyện nông thôn mới và hoàn thành toàn bộ 27 xã còn lại đạt nông thôn mới trong năm 2021.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, tính đến nay, toàn Thành phố có 353/382 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 92,4%) và 11 xã được UBND Thành phố công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 164 mô hình nông nghiệp công nghệ cao, tăng 26 mô hình so với cuối năm 2019; giá trị sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đã chiếm 25% tổng giá trị toàn ngành nông nghiệp Thành phố.

Trong 4 tháng đầu năm 2020, đoàn thẩm định của Thành phố tiến hành thẩm định đối với các xã để trình Thành phố công nhận đạt nông thôn mới trong năm 2020. Đối với 27 xã còn lại, có 20 xã đạt và cơ bản đạt từ 15 - 18 tiêu chí, 7 xã đạt và cơ bản đạt từ 11 - 14 tiêu chí.

 
Hà Nội: Tăng tốc thực hiện nông thôn mới

Đối với kết quả thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), Thành phố đã triển khai công tác tuyên truyền, khảo sát, phân loại các sản phẩm. Đến hết năm 2019, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP Thành phố đã tổ chức đánh giá, xếp hạng đối với 301 sản phẩm OCOP, trong đó, có 6 sản phẩm tiềm năng đạt 5 sao để đề nghị Trung ương đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP quốc gia. Trong 4 tháng đầu năm 2020, các quận, huyện, thị xã đã đăng ký 875 sản phẩm OCOP để Thành phố đánh giá.

Tại cuộc giao ban đánh giá kết quả lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện Chương trình số 02 và chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trong 4 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ những tháng cuối năm 2020 của Ban Chỉ đạo Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016 - 2020” diễn ra mới đây, bà Ngô Thị Thanh Hằng- Phó Bí thư Thường trực Thành ủy – Trưởng BCĐ Chương trình 02-CTr/TU, nhấn mạnh, Thành phố rất coi trọng, ưu tiên đầu tư cho xây dựng nông thôn mới, mặc dù phải tập trung chống dịch Covid-19 nhưng Thành phố vẫn không tiết giảm kinh phí cho nhiệm vụ này.

Chỉ ra những vấn đề còn hạn chế, bà Ngô Thị Thanh Hằng cho rằng, trong quý I/2020, ngành nông nghiệp suy giảm 1,17% so với cùng kỳ. Tái cơ cấu nông nghiệp còn chậm, việc phát triển còn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Công tác quy hoạch, đầu tư hạ tầng một số nơi còn chưa đồng bộ; thu nhập bình quân của người nông dân, tỷ lệ sử dụng nước sạch ở một số huyện còn thấp và tỷ lệ hộ nghèo ở một số huyện vẫn còn cao...

Bà Ngô Thị Thanh Hằng nêu rõ, trong 4 tháng đầu năm 2020, cả hệ thống chính trị Thành phố dồn sức chống dịch Covid- 19. Chính vì thế, từ nay đến cuối năm là thời gian phải tăng tốc thực hiện Chương trình 02 của Thành ủy, bám sát để thực hiện các mục tiêu mà Thành phố đã đề ra là tăng trưởng ngành nông nghiệp trong năm nay đạt trên 4%; có 700 sản phẩm OCOP mới được đăng ký; có thêm 5 huyện được công nhận huyện nông thôn mới và hoàn thành toàn bộ 27 xã còn lại đạt nông thôn mới trong năm 2021.

Nhấn mạnh phương châm "nhiệm vụ 1, quyết tâm 10 và giải pháp phải 20", bà Ngô Thị Thanh Hằng yêu cầu các huyện, thị xã phải lập kế hoạch hàng ngang, chỉ rõ từng việc gắn với phân công nhiệm vụ, có mốc thời gian hoàn thành cụ thể. Riêng với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong tháng 5/2020, phải trình UBND Thành phố để triển khai giải ngân gói hỗ trợ 700 tỷ đồng nhằm phát triển sản xuất, nâng cao đời sống nông dân.

Về những nhiệm vụ cụ thể trong phát triển sản xuất nông nghiệp, bà Ngô Thị Thanh Hằng yêu cầu tập trung các giải pháp tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi, trọng tâm là những cây, con giống có giá trị kinh tế cao gắn với đa dạng hóa thị trường tiêu thụ sản phẩm; đẩy mạnh phát triển chuỗi cung ứng rau, thịt an toàn trong năm 2020. Đồng thời, phải đẩy mạnh cải cách hành chính để thu hút mạnh hơn nữa đầu tư vào nông nghiệp, nhất là nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao và có quy mô lớn. Rà soát, kiểm tra lại quỹ đất để khai thác hiệu quả, không có diện tích bỏ hoang, gây lãng phí. Cùng với đó, các quận, huyện phải quản lý chặt chẽ đất đai, trật tự xây dựng, không để xảy ra vi phạm dẫn đến phải xử lý kỷ luật, mất cán bộ.

Về nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, bà Ngô Thị Thanh Hằng yêu cầu 8 huyện đăng ký trong năm nay phải rà soát lại toàn bộ tiêu chí để tập trung cao độ cho những tiêu chí chưa hoàn thành, nhất là về môi trường. Chậm nhất trong tháng 5 các đơn vị hoàn thành hồ sơ để Thành phố trình Trung ương trong tháng 6, phấn đấu có ít nhất 5 huyện, thị xã (Thanh Oai, Phúc Thọ, Thường Tín, Sơn Tây, Thạch Thất) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới trong năm nay, coi đó là thành tích chào mừng đại hội đảng các cấp. Về thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm, đề nghị các quận, huyện, thị xã rà soát những sản phẩm có tiềm năng của địa phương mình, có kế hoạch để quan tâm, thúc đẩy các sản phẩm OCOP, thông qua đó tạo thêm việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân.

Bài, ảnh: Nguyễn Hạnh/Báo Công thương Điện tử

Tin cùng chuyên mục