Phú Thọ huy động nguồn lực xây dựng nông thôn mới

Tỉnh Phú Thọ phấn đấu đến hết năm 2020 có thêm ít nhất 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới lên 120 xã, bảo đảm bình quân toàn tỉnh đạt 15,5 tiêu chí/xã và không có xã đạt dưới 8 tiêu chí; phấn đấu xây dựng huyện Thanh Thủy đạt chuẩn nông thôn mới, TP Việt Trì, thị xã Phú Thọ hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và có khoảng 300 khu dân cư nông thôn mới.

Nông dân huyện Thanh Sơn (Phú Thọ) cơ giới hóa khâu thu hoạch chè.

Ðối với các xã chưa đạt chuẩn, tỉnh tiếp tục nâng dần các tiêu chí đạt chuẩn trong năm, phấn đấu mỗi xã tăng bình quân một tiêu chí với tổng vốn cần huy động thực hiện khoảng 2.000 tỷ đồng.

Ðể đạt được mục tiêu nêu trên, tỉnh Phú Thọ tăng cường vận động xã hội chung tay xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch kinh tế nông thôn và nâng cao đời sống người dân. Bên cạnh đó, tỉnh đẩy mạnh cơ cấu lại, phát triển nền nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại gắn với phát triển các ngành công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ, tạo việc làm tăng thu nhập, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn; đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ và an toàn sinh học; chú trọng ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất; xây dựng các chuỗi hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; đẩy mạnh phát triển các sản phẩm chủ lực, đặc trưng, tiềm năng và đặc sản, thế mạnh của tỉnh theo Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP); phát triển và nhân rộng các mô hình du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới...

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Thọ, hiện nay, tỉnh có 109 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; 49 xã đạt từ 15 đến 18 tiêu chí; 80 xã đạt từ 10 đến 14 tiêu chí; 9 xã đạt từ 8 đến 9 tiêu chí. Trong phong trào xây dựng nông thôn mới ở khu dân cư, Phú Thọ có 246 khu dân cư được công nhận nông thôn mới, trong đó có nhiều khu ở các huyện miền núi như Tân Sơn, Yên Lập.

* Tỉnh Lào Cai vừa có văn bản chỉ đạo các địa phương, các ngành liên quan tiếp tục thực hiện các giải pháp cấp bách để bảo vệ rừng tự nhiên, nhất là trong tình huống nắng nóng kéo dài, nguy cơ cháy rừng cao. Tỉnh yêu cầu thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Trung ương về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; phát triển bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ phục vụ xuất khẩu trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 - 2030.

Theo đó, các ngành, địa phương quản lý chặt việc đóng cửa khai thác gỗ rừng tự nhiên, không để tình trạng khai thác trái pháp luật xảy ra trên địa bàn. Ðồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền về hạn chế sử dụng gỗ rừng tự nhiên, nhất là sử dụng gỗ rừng không rõ nguồn gốc; khuyến khích lựa chọn sử dụng các sản phẩm gỗ rừng trồng, gỗ công nghiệp hoặc các loại vật liệu khác thay thế.

Coi trọng công tác quản lý động, thực vật rừng thuộc loài nguy cấp, quý, hiếm cần được bảo vệ trên địa bàn tỉnh; xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm hoặc đình chỉ hoạt động, thu hồi giấy phép đối với các cơ sở không bảo đảm nguồn nguyên liệu hợp pháp, không phù hợp với quy hoạch, điều kiện nuôi, nhốt động vật hoang dã không đúng quy định. Ngành nông nghiệp phối hợp với các địa phương tăng cường công tác chỉ đạo thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về lâm nghiệp; tuyên truyền, vận động người dân chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng tự nhiên.

Tỉnh yêu cầu ngành hải quan, Bộ đội Biên phòng phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, xuất khẩu, nhập khẩu trái phép động vật, thực vật hoang dã và các sản phẩm nguồn gốc từ các loài động, thực vật hoang dã tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh, nhất là các sản phẩm thuộc danh mục các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm.

Bài, ảnh: Báo Nhân dân điện tử

Tin cùng chuyên mục