Thái Nguyên: Dành nguồn vốn thích đáng cho mục tiêu xây dựng nông thôn mới

Bằng quyết tâm chính trị cao và sự điều hành quyết liệt, năng động của Đảng bộ, chính quyền các cấp, sự nỗ lực phấn đấu của các lực lượng xã hội, nhất là phát huy sức sáng tạo, tinh thần cộng đồng của nhân dân, diện mạo nông thôn tỉnh Thái Nguyên hiện đã có chuyển biến căn bản. Bước qua giai đoạn 10 năm đầu tiên với nhiều thành tựu, Thái Nguyên đang dồn sức cho giai đoạn mới với những mục tiêu cao hơn. Có tới 77 hộ dân với 363 nhân khẩu, 100% là ng

Có tới 77 hộ dân với 363 nhân khẩu, 100% là người dân tộc thiểu số, thôn Khuôn Lặng là một trong những xóm khó khăn của xã Yên Trạch, huyện Phú Lương. Trước đây, do địa hình hiểm trở và đường giao thông trục xóm còn lầy lội nên việc lắp đặt đường điện rất khó khăn. Không có điện nên người dân phải sử dụng nến, đèn pin, đuốc để thắp sáng vào buổi tối; nhiều hộ không thể đầu tư thiết bị điện để sản xuất, sinh hoạt.


Điện về làm cho bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc

Để khắc phục tạm thời, năm 2001, hơn 60 hộ dân ở xóm đã góp tiền để kéo điện từ Trạm biến áp Na Pháng về xóm với chiều dài 3km. Do khoảng cách xa nên điện về đến nhà dân rất yếu, chỉ đủ thắp sáng vài bóng điện; một số hộ có điều kiện mua tivi, tủ lạnh cũng không thể sử dụng. Thời điểm đó, ai trong xóm cũng mong mỏi một ngày không xa sẽ có điện lưới về xóm.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), điện là hạng mục đầu tiên Khuôn Lặng quyết tâm thực hiện để mang ánh sáng văn minh, mang kỳ vọng về một cuộc sống tốt đẹp đến với người dân trong thôn. Cuối năm 2019, Khuôn Lặng (xã Yên Trạch) là xóm cuối cùng của huyện Phú Lương được lắp đặt hệ thống điện lưới quốc gia. Đến nay, bà con đã có thể sử dụng các thiết bị điện để phục vụ đời sống, sinh hoạt trong gia đình và đầu tư máy móc phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống. Điện về, mang theo ánh sáng, mang theo cả hy vọng về một cuộc sống tốt hơn cho thế hệ tương lai của thôn.

Khuôn Lặng là một trong những địa phương trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên được hưởng lợi ích thiết thực từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Sau 10 năm thực hiện chương trình, hiện tỉnh Thái Nguyên đã có 101 xã, chiếm tỷ lệ 70% số xã nông thôn đạt chuẩn xã NTM, 3 đơn vị cấp huyện gồm thành phố Thái Nguyên, thành phố Sông Công và thị xã Phổ Yên hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, tại các xã nông thôn đạt bình quân 17 tiêu chí NTM/xã. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 38,63 triệu đồng/người/năm (vượt 2,63 triệu đồng, về đích trước 1 năm). Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm còn 8,47%; thấp hơn 8,6% so với tỷ lệ hộ nghèo khu vực 14 tỉnh miền núi phía Bắc (17,07%).

Chương trình đã làm thay đổi nhận thức của đa số người dân, lôi cuốn họ tham gia vào xây dựng NTM, chuyển từ phải làm sang khát vọng xây dựng NTM. Từ chỗ số đông còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào đầu tư của nhà nước đã chuyển sang chủ động, tự tin tham gia tích cực vào xây dựng NTM. Hạ tầng kinh tế - xã hội được ưu tiên nguồn lực đầu tư, phát triển mạnh mẽ góp phần thay đổi diện mạo nông thôn khang trang, sạch, đẹp hơn, đã và đang hỗ trợ tốt cho việc tổ chức sản xuất và sinh hoạt cho người dân ở nông thôn. Niềm tin của người dân vào các chủ trương, chính sách, sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng và chính quyền được nâng cao. Người dân tự thấy được và được thực hiện những hành động cụ thể đóng góp xây dựng quê hương mình.

Phát huy những kết quả đạt được, để hoàn thành các mục tiêu kế hoạch của chương trình xây dựng NTM đề ra trong cả giai đoạn, năm 2020, tỉnh Thái Nguyên đã bố trí, phân bổ trên 1.160 tỷ đồng; trong đó, hơn 460 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương và hơn 700 tỷ đồng từ nguồn ngân sách địa phương.

Đến thời điểm hiện tại, tổng vốn đầu tư trực tiếp từ ngân sách Trung ương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020 ở Thái Nguyên đã đạt hơn 1.200 tỷ đồng; tỷ lệ vốn đối ứng từ ngân sách địa phương của tỉnh Thái Nguyên đạt hơn 3.000 tỷ đồng...

Trên cơ sở tổng nguồn vốn được giao, UBND các huyện, thành, thị trên địa bàn đã phân bổ vốn chi tiết cho các công trình, dự án theo nguyên tắc, tiêu chí, định mức của tỉnh, tổ chức cân đối, bố trí vốn đối ứng ngân sách địa phương, huy động các nguồn vốn hợp pháp theo quy định, quản lý sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả, không để xảy ra nợ đọng xây dựng cơ bản...

Với các cơ chế, chính sách hỗ trợ, quy định về quản lý đầu tư và phân cấp quản lý chương trình, dự án, tỉnh Thái Nguyên đã tạo điều kiện cho UBND cấp huyện có quyền chủ động và chịu trách nhiệm về quản lý các nguồn vốn, phê duyệt dự án đầu tư, lồng ghép các nguồn lực để bố trí thực hiện đầu tư các dự án theo Đề án đã được ủy ban nhân dân tỉnh phê quyệt. Bên cạnh đó, các ngành, các địa phương đã chủ động, tập trung lồng ghép nguồn vốn các chương trình, dự án để xây dựng các công trình trên địa bàn các xã nông thôn, xã đặc biệt khó khăn đảm bảo hiệu quả đầu tư.

Qua kiểm tra bước đầu, việc huy động người dân và cộng đồng dân cư đóng góp xây dựng NTM được thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch, không có tình trạng huy động quá sức dân...

Tỉnh Thái Nguyên phấn đấu đến hết năm 2020 có thêm xã Yên Ninh (huyện Phú Lương) và xã Bình Long (huyện Võ Nhai) đạt chuẩn NTM, hoàn thành xây dựng 8 xã “nông thôn mới nâng cao” và “NTM kiểu mẫu,” không còn xã nông thôn đạt dưới 10 tiêu chí NTM, huyện Phú Bình đạt chuẩn huyện NTM, nhân rộng các mô hình “ hộ gia đình NTM ” “xóm, bản NTM kiểu mẫu," gắn một số nội dung chương trình xây dựng NTM việc triển khai có hiệu quả đề án “Mỗi xã một sản phẩm tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030”. Từ đó, tiếp tục thay đổi căn bản bộ mặt nông thôn Thái Nguyên theo hướng tích cực, hiện đại.

 

Bài, ảnh: Lan Phương/Báo Công thương Điện Tử

Tin cùng chuyên mục