Quảng Nam: Tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững

Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn tỉnh Quảng Nam sau 9 năm triển khai đã đi vào chiều sâu, làm thay đổi diện mạo nông thôn, thúc đẩy phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội.

Diện mạo nông thôn Quảng Nam có nhiều khởi sắc

Hợp tác xã tích cực tham gia

Sau 9 năm triển khai chương trình, đến cuối năm 2019, tỉnh Quảng Nam đã có 98 xã được công nhận đạt chuẩn NTM (48,04%); bình quân chung số tiêu chí NTM đạt chuẩn là 15,26 tiêu chí/xã, không còn xã dưới 5 tiêu chí; có 102 thôn đạt chuẩn khu dân cư NTM kiểu mẫu. Thị xã Điện Bàn và huyện Phú Ninh sau khi đạt chuẩn NTM (năm 2015), tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí. TP. Tam Kỳ đã trình hồ sơ về trung ương đề nghị công nhận thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Huyện Duy Xuyên và TP. Hội An đang gấp rút hoàn chỉnh hồ sơ để trình Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn NTM và thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.

Đáng chú ý, những năm qua, mô hình kinh tế hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT) đã có những bước phát triển mạnh mẽ cả về chất và lượng, góp phần không nhỏ trong phát triển kinh tế, đặc biệt là xây dựng NTM tại địa phương. Tính đến ngày 31/12/2019, toàn tỉnh có 355 HTX đang hoạt động. Trong quá trình xây dựng NTM, các HTX có vai trò rất quan trọng, không chỉ nâng cao thu nhập cho nông dân mà còn góp phần làm thay đổi căn bản diện mạo nông thôn. Theo đó, các HTX đã tạo điều kiện hỗ trợ, thúc đẩy phát triển kinh tế thành viên và hộ gia đình, từng bước khắc phục một số mặt hạn chế của kinh tế hộ về vốn, công cụ, kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất; hỗ trợ nông dân hợp tác, liên kết sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy sản xuất phát triển, tăng thu nhập cho thành viên và hộ gia đình…

Một số ít HTX nhanh chóng thích nghi với cơ chế thị trường, tạo sự liên kết, hợp tác với nhau và với các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, mang lại hiệu quả kinh tế cho thành viên, góp phần nâng cao đời sống người dân nông thôn. Cùng với đó, HTX, THT cũng đã nhanh chóng nắm bắt, nhập cuộc tham gia phát triển sản phẩm OCOP theo định hướng của tỉnh. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 40 HTX và 7 THT tham gia Chương trình OCOP. Trong các xã đạt chuẩn NTM, đều có HTX đạt tiêu chí thứ 13, HTX hoạt động hiệu quả.

Đẩy nhanh thực hiện nhiệm vụ trọng tâm

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc xây dựng NTM trên địa bàn đến thời điểm này vẫn còn không ít hạn chế, khó khăn. Theo đó, sự chỉ đạo, điều hành của một số địa phương chưa đáp ứng yêu cầu, chưa sâu sát; chất lượng xây dựng NTM ở một số nơi chưa cao, thiếu bền vững; thu nhập khu vực nông thôn vẫn còn thấp so với bình quân chung của tỉnh, nhất là ở miền núi; việc huy động nguồn lực trong cộng đồng còn thấp; nhiều tiêu chí NTM đã đạt chuẩn, nhưng mới ở mức chạm ngưỡng. Đặc biệt, ở một số địa phương sau khi đạt chuẩn NTM có biểu hiện chững lại, thiếu tập trung chỉ đạo, nên đến cuối năm 2019, có đến 23 xã bị "rớt" tiêu chí; số xã đạt từ 5 - 9 tiêu chí vẫn còn nhiều (33 xã)...

Theo chỉ đạo của Tỉnh ủy và UBND tỉnh Quảng Nam, các địa phương phải hoàn thành những mục tiêu của Chương trình NTM năm 2020 và giai đoạn 2016 - 2020 trước tháng 6/2020 để làm cơ sở đưa kết quả thực hiện vào nghị quyết đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025. Tuy nhiên, qua kiểm tra kết quả triển khai chương trình tại các địa phương cho thấy, nhiều nơi tiến độ thực hiện còn chậm. Cụ thể, công tác rà soát, điều chỉnh quy hoạch xã NTM khá chậm. Hệ thống điện sau công tơ ở nhiều xã chưa bảo đảm an toàn theo quy định. Tại nhiều xã, các tiêu chí về hạ tầng còn dở dang hoặc chưa lập hồ sơ, thủ tục thi công. Nhiều huyện chậm phân bổ nguồn vốn kế hoạch năm 2020 cho cấp xã để thực hiện đạt chuẩn theo quy định hoặc tỷ lệ giải ngân rất thấp. Nợ đọng xây dựng cơ bản vẫn còn, chậm được xử lý…

Đặc biệt, khó khăn lớn nhất về xây dựng NTM hiện nay đó là, những xã còn lại chưa đạt chuẩn đều là những xã gặp rất nhiều khó khăn, trong khi nhu cầu đầu tư xây dựng NTM của các xã này rất lớn. Tìm những giải pháp tích cực, có hiệu quả nhất để nâng cao thu nhập và giảm nghèo bền vững cho người dân nơi đây là điểm mấu chốt về xây dựng NTM.

Trước tình trạng trên, UBND tỉnh đã có Công văn số 1563/UBND-KTN yêu cầu các sở, ban, ngành liên quan, chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, UBND các xã tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách trong xây dựng NTM năm 2020. Theo đó, đối với 20 xã và 2 địa phương phấn đấu đạt chuẩn NTM, UBND tỉnh đề nghị thủ trưởng các sở, ngành được UBND tỉnh giao nhiệm vụ phụ trách chỉ tiêu, tiêu chí NTM, khẩn trương có văn bản hướng dẫn các địa phương nội dung đánh giá, xác lập hồ sơ, thủ tục đề nghị xét, công nhận xã đạt chuẩn NTM năm 2020. Đồng thời, đề nghị UBND huyện, thị xã, thành phố khẩn trương phân bổ vốn kế hoạch năm 2020 cho các xã để tổ chức thực hiện chương trình (gồm vốn đầu tư phát triển và kinh phí sự nghiệp). Chỉ đạo các phòng, ban liên quan phối hợp với sở, ban, ngành hỗ trợ, hướng dẫn xã, huyện phấn đấu đạt chuẩn NTM năm 2020 thực hiện theo thời gian đã đề ra. Bên cạnh đó, bố trí nguồn lực hỗ trợ các xã phấn đấu đạt chuẩn NTM năm 2020 để xử lý nợ đọng; không trình công nhận xã, huyện đạt chuẩn NTM nếu còn nợ đọng trái quy định hoặc chưa có dự nguồn để trả nợ...

Mới đây, UBND tỉnh Quảng Nam đã ký ban hành Quyết định số 1224/QĐ-UBND phân bổ 84,6 tỷ đồng kế hoạch vốn ngân sách trung ương hỗ trợ thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM năm 2020 từ nguồn vốn dự phòng trung hạn (còn lại) cho các đơn vị, địa phương.

Bài, ảnh: Nguyễn Hạnh/Báo Công thương Điện Tử

Tin cùng chuyên mục