Triển khai thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới thuộc ngành Lao động - TB và XH phụ trách

Năm 2022 là năm thứ hai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021-2025). Cũng như cả nước, tỉnh Tuyên Quang gặp rất nhiều khó khăn trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt sau hai năm bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 và tác động từ cuộc xung đột giữa Nga và U-crai-na; diễn biến phức tạp của thị trường, giá cả là trở ngại, thách thức trong thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu về lao động, việc làm, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh. Mặt khác do tình hình chung của cả nước, năm 2022 các Chương trình mục tiêu quốc gia liên quan đến lĩnh vực lao động, và xã hội giai đoạn 2021 - 2025 chậm được triển khai, do đó nguồn lực, cơ chế, chính sách để thực hiện các lĩnh vực giảm nghèo, đào tạo nghề, hỗ trợ giải quyết việc làm gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, ngành Lao động đã tích cực triển khai các tiêu chí xã nông thôn mới với nhiều giải pháp hiệu quả, thiết thực, góp phần tạo sự thành công Chương trình xây dựng nông thôn trên địa bàn tỉnh.

Tổng kết chương trình xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, gia đình chính sách

Chung sức vì mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo; tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo và lao động trong độ tuổi có việc làm, đảm bảo bình đẳng giới và phòng chống bạo lực gia đình là bước đi rất quan trọng và là tiền đề trong việc nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, tăng thu nhập, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, phát triển kinh tế giữa các vùng miền, thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia Xây dựng NTM, tăng cường và góp phần đảm bảo an ninh trật tự - ổn định chính trị xã hội trên địa bàn tỉnh.

Tư vấn định hướng nghề nghiệp, kỹ năng tìm kiếm việc làm cho học viên cai nghiện ma túy.

Tiêu chí lao động: Sở Lao động - TB và XH đã tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2022-2025; phối hợp cung cấp thông tin, tham gia ý kiến nội dung hợp tác về lao động phục vụ Đoàn công tác của tỉnh làm việc tại Nhật Bản, Hàn Quốc. Xây dựng kế hoạch, hướng dẫn, triển khai thực hiện nội dung hỗ trợ giải quyết việc làm cho người lao động thuộc các dự án, tiểu dự án và nội dung thành phần thuộc 03 chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021- 2025. Phối hợp với Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh triển khai kịp thời, có hiệu quả công tác cho vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm và các nguồn tín dụng ưu đãi tạo việc làm trên địa bàn tỉnh. Kết quả 11 tháng năm 2022, toàn tỉnh đã tạo việc làm cho 21.625 người, đạt 100,6% kế hoạch năm; dự kiến cả năm 2022 toàn tỉnh tạo việc làm cho 21.680  người, đạt 100,8% kế hoạch năm và bằng 95,5% cùng kỳ năm 2021. Từ đầu năm 2022 đến nay, Trung tâm Dịch vụ việc làm đã phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức 08 phiên giao dịch việc làm với quy mô cấp huyện, thực hiện 26 cuộc tư vấn việc làm, đào tạo nghề tại các thôn bản, các cơ sở giáo dục nghề nghề nghiệp và các trường THPT, THCS trên địa bàn tỉnh; tổ chức 11 phiên giao dịch việc làm trực tuyến (online) kết nối với các tỉnh, thành phố; đăng tải 392 lượt thông tin tuyển lao động, tuyển sinh trên website, cổng thông tin điện tử Trung tâm Dịch vụ việc làm; triển khai tư vấn việc làm học nghề cho người lao động liên hệ trực tiếp tại Trung tâm. Tổng số lao động được tư vấn, giới thiệu việc làm và học nghề là 22.285 lao động. Trong đó: tạo việc làm trong các ngành kinh tế tại tỉnh 14.593 người; lao động đi làm việc tại các tỉnh, thành phố trong nước 6.437 người, lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 650 người.

Chỉ tiêu Tỷ lệ lao động qua đào tạo: Trình Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch thực hiện Chương trình “Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2027”; Kế hoạch thực hiện Chương trình “Đào tạo, đào tạo lại, nâng cao kỹ năng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 - 2025; Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Triển khai thực hiện điều tra, khảo sát, xác định nhu cầu học nghề của lao động nông thôn và nhu cầu đào tạo, sử dụng lao động trong doanh nghiệp/Hợp tác xã, trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2025. Xây dựng kế hoạch, hướng dẫn, triển khai thực hiện nội dung, hoạt động về giáo dục nghề nghiệp thuộc các dự án, tiểu dự án và nội dung thành phần thuộc 03 chương trình mục tiêu quốc gia, giai đoạn 2021- 2025. Tiếp nhận, thẩm định hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận bổ sung hoạt động giáo dục nghề nghiệp và liên kết đào tạo của các cơ sở, đơn vị giáo dục nghề nghiệp. Tiếp tục triển khai, thực hiện các giải pháp năng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, gắn kết công tác đào tạo với thị trường lao động. Kết quả từ đầu năm đến nay toàn tỉnh đã tuyển sinh và đào tạo cho 7.801 người, đạt 97,51%; trong đó trình độ cao đẳng 110 người, trung cấp 1.140 người, sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng 6.601 người; dự kiến cả năm 2022 toàn tỉnh tuyển sinh, đào tạo nghề cho 8.500 người, đạt 105,9% kế hoạch%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo: 65%. Trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ: 24%, đạt 100% kế hoạch.

Tiêu chí Nghèo đa chiều: Tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 377/QĐ-UBND ngày 20/6/2022 phê duyệt Đề án giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021- 2025 và Kế hoạch số 161/KH-UBND ngày 27/8/2022, thực hiện Đề án giảm nghèo bền vững tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2025. Đồng thời phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, các cơ quan có liên quan tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân ban hành 02 Nghị quyết quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 và phân bổ kế hoạch vốn ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021 - 2025 và năm 2022; tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành 03 Quyết định, 05 kế hoạch và nhiều văn bản khác để triển khai thực hiện Đề án giảm nghèo, phân bổ và hướng dẫn thực hiện vốn ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021 - 2025 và năm 2022; chủ động, tích cực hướng dẫn, đôn đốc Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố, các cơ quan có liên quan trong việc triển khai thực hiện Đề án giảm nghèo, gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, các cơ chế, chính sách giảm nghèo trên địa bàn tỉnh. Kết quả toàn tỉnh đã hỗ trợ 12.438 hộ, 40.127 khẩu bị thiếu lương thực trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần và dịp giáp hạt năm 2022, với tổng số 601.905 kg gạo từ nguồn dự trữ quốc gia. Dịp Tết nguyên đán Tân sửu 2021 cơ quan, đơn vị đã tiếp nhận, phân phối và cấp phát trên 16.000 suất quà, trị giá trên 7 tỷ đồng của các tổ chức, cá nhân thăm, tặng quà các đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, trẻ em, người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh, 11 tháng đầu năm 2022 đã hỗ trợ 2.242 hộ nghèo làm mới và 222 hộ nghèo sửa chữa về nhà ở với tổng kinh phí hỗ trợ trên 130 tỷ đồng. Giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều (áp dụng cho giai đoạn 2022-2025): 3,48%, đạt 100% kế hoạch.

Triển khai tháng hành động vì trẻ em năm 2022

Chỉ tiêu đảm bảo bình đẳng giới và phòng chống bạo lực gia đình; phòng chống bạo lực trên cơ sở giới; phòng chống xâm hại trẻ em; bảo vệ và hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trên địa bàn; bảo vệ và hỗ trợ những người dễ bị tổn thương trong gia đình và đời sống xã hội: Để hoàn thành chỉ tiêu này Sở Lao động ‑ Thương binh và Xã hội đã triển khai “Tháng hành động vì trẻ em năm 2022”; “Chung tay bảo vệ trẻ em, hãy lên tiếng phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em.” nhằm tăng cường nhận thức, kỹ năng của trẻ em, gia đình, cộng đồng về chung tay bảo vệ trẻ em, thông báo, tố giác các hành vi xâm hại, bạo lực, bóc lột sức lao động trẻ em. Tháng hành động cũng kêu gọi cộng đồng quan tâm, tạo điều kiện, vận động nguồn lực để mọi trẻ em có một mùa hè an toàn, lành mạnh; tăng cường các biện pháp phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em; khám sàng lọc và phẫu thuật miễn phí cho các đối tượng khuyết tật năm 2022; Tham mưu xây dựng dự thảo Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình Truyền thông về bình đẳng giới đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Tiếp tục thực hiện tốt các chính sách, chương trình thúc đẩy bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ; xây dựng kế hoạch thực hiện các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, Kế hoạch tổ chức khám sàng lọc cho trẻ em bị khuyết tật về mắt, môi - hàm ếch, vận động, tim bẩm sinh và phục hồi chức năng tại các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang năm 2022.

Với mục tiêu và giải pháp cụ thể, tin tưởng các tiêu chí, chỉ tiêu thuộc ngành Lao động - TB và XH phụ trách được thực hiện bài bản, hiệu quả tại các xã trên địa bàn tỉnh. Từ đó, góp phần vào kết quả chung của Chương trình xây dựng NTM tỉnh Tuyên Quang năm 2022 và các năm tiếp theo./.

Lê Thiệu Tân/Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh

Tin cùng chuyên mục