Kết quả sản xuất nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới năm 2022

Trong năm qua, sản xuất nông nghiệp phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, ảnh hưởng của thời tiết diễn biến bất thường (trong năm đã xảy ra 13 đợt thiên tai); kinh tế thế giới có nhiều biến động, áp lực lạm phát, rủi ro; giá cả, thị trường vật tư, nông sản trong nước biến động mạnh. Song, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, hiệu quả của các cấp ủy Đảng, chính quyền; cùng với sự đoàn kết, thống nhất, chủ động, sáng tạo, vượt qua khó khăn của doanh nghiệp, HTX, nông dân; nông nghiệp đã đạt được nhiều kết quả khả quan, sản xuất nông nghiệp của tỉnh duy trì tăng trưởng khá, các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất nông, lâm nghiệp-thủy sản năm 2022 cơ bản đạt kế hoạch đề ra.

Trồng trọt mở rộng phát triển theo hướng tiêu chuẩn chất lượng, nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm; chăn nuôi phát triển theo hướng trang trại, gia trại, bảo đảm an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường, sản lượng thịt hơi vượt kế hoạch, thủy sản tăng đột phá đạt 8,7%/năm; lâm nghiệp đứng đầu khu vực, tiếp tục là điểm sáng về phát triển kinh tế rừng sản xuất gắn với quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế với 43.878,9 ha (tăng 10.212,6 ha so với năm 2022), trồng rừng vượt chỉ tiêu kế hoạch 14%; dự kiến hết năm 2022, toàn tỉnh có 62 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó: Duy trì, giữ vững 54 xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2021 và có thêm 08 xã hoàn thành đạt chuẩn nông thôn mới năm 2022. Trong năm phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức thành công các hoạt động trong khuôn khổ sự kiện về nguồn nhân kỷ niệm 77 năm Ngày Truyền thống ngành nông nghiệp và PTNT và tổ chức Hội thảo Giải pháp phát triển sản phẩm OCOP và du lịch nông thôn trong thúc đẩy kinh tế nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới tại tỉnh.

Đồng thời công tác quản lý, phát triển các sản phẩm OCOP và đẩy nhanh thực hiện kế hoạch 2022. Hướng dẫn, hỗ trợ các chủ thể phát triển sản phẩm để Hội đồng OCOP đánh giá, phân hạng theo kế hoạch. Năm 2022, có 63 sản phẩm được công nhận đạt sao OCOP lần đầu, 03 sản phẩm được công nhận nâng hạng từ 3 sao lên 4 sao, sản phẩm chè Shan tuyết Hồng Thái loại 1 tôm, 1 lá đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị Hội đồng OCOP cấp Quốc gia nâng hạng từ 4 sao lên 5 sao.

Thường xuyên nắm bắt tình hình thu hoạch, tiêu thụ nông sản, rà soát sản lượng, dự báo thị trường tiêu thụ và phối hợp đề xuất các giải pháp tiêu thụ sản phẩm (na, nhãn, cam, chè, bưởi, thủy sản). Phối hợp với các ngành đẩy mạnh thông tin, tuyền truyền, vận động hỗ trợ, hưởng ứng tiêu thụ nông sản cho nông dân; các huyện đã chủ động xây dựng các kênh thông tin, hỗ trợ bao bì; kết nối các điểm hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm. Tích cực tổ chức kết nối, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp được chứng nhận OCOP cho các siêu thị, trung tâm thương mại trong và ngoài tỉnh; phối hợp đưa 124 sản phẩm lên sàn giao dịch thương mại điện tử; xây dựng được 28 chuỗi liên kết sản phẩm an toàn. Hiện nay toàn tỉnh có 107 sản phẩm đã được bảo hộ của Cục Sở hữu trí tuệ; có trên 200 sản phẩm được dán tem truy xuất nguồn gốc; 03 sản phẩm có chỉ dẫn địa lý (cam sành Hàm Yên, Bưởi Soi Hà, Chè Shan tuyết Na Hang).

[Description: Vùng chè nguyên liệu của Công ty cổ phần chè Mỹ Lâm - Ảnh: Báo Tuyên Quang] Thực hiện mục tiêu, khâu đột phá Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh khóa XVII đã đề ra; Sở Nông nghiệp và PTNT đã tham mưu cho tỉnh triển khai thực hiện các Nghị quyết, Chương trình, Đề án, Chính sách, Kế hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2021-2025 đảm bảo tiến độ đề ra; tích cực ứng dụng khoa học công nghệ, thực hiện hiệu quả các giải pháp hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung theo mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, nâng cao giá trị và thu nhập cho người dân; làm tốt công tác quản lý vật tư nông lâm nghiệp, vệ sinh an toàn thực phẩm; đẩy mạnh tuyên truyền và thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Đẩy mạnh công tác giới thiệu, quảng bá, kết nối tiêu thụ nông sản, tập trung vào các sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP của tỉnh.

Vùng chè nguyên liệu của Công ty cổ phần chè Mỹ Lâm

Với mục tiêu kế hoạch năm 2023: Giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản (theo giá so sánh năm 2010) đạt 10.793,7 tỷ đồng, tăng trên 4,6% so với ước thực hiện năm 2022. Sản lượng lương thực đạt trên 34 vạn tấn. Tốc độ tăng đàn trâu tăng 1,0%, đàn bò tăng 5%, đàn lợn tăng 4%, đàn gia cầm tăng 6% so với năm 2022; sản lượng thịt hơi các loại trên 93.100 tấn; sản lượng sữa tươi 26.900 tấn. Diện tích chuyên nuôi thả cá 3.097 ha; sản lượng 11.875 tấn, tăng 11,4% so với ước thực hiện năm 2022. Trồng rừng 10.000 ha, sản lượng khai thác gỗ rừng trồng 1.120.000 m3,  khai thác tre nứa nguyên liệu 30.000 tấn; làm tốt công tác bảo vệ rừng, duy trì độ che phủ của rừng trên 65%. Phấn đấu đến hết năm 2023 toàn tỉnh có 70 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó: Duy trì, giữ vững 62 xã đạt chuẩn nông thôn mới đến hết năm 2022 và phấn đấu có thêm 8 xã hoàn thành đạt chuẩn nông thôn mới, Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông chủ động tham mưu, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan, Ủy ban nhân dâm các huyện, thành phố tiếp tục thực hiện khâu đột phá “phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp hàng hóa, tập trung vào các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc sản đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, giá trị gia tăng cao gắn với xây dựng nông thôn mới”.

Đồng thời chú trọng đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất; thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp; nâng cao hiệu quả của hệ thống khuyến nông; tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả các hình thức tổ chức sản xuất. Bên cạnh đó, thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp và nông thôn. Làm tốt công tác quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm hàng nông sản; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu, nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm. Chủ động các phương án phòng chống thiên tai. Quản lý và thực hiện có hiệu quả các chương trình phát triển nông thôn, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới./.

 

Nguyễn Thị Thu Hương/Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh

Tin cùng chuyên mục