Đoàn kiểm tra Ban Chỉ đạo Trung ương kiểm tra, đánh giá việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới

Chiều ngày 16/12, tại trụ sở UBND tỉnh Tuyên Quang, Đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia làm việc với Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang để kiểm tra đánh giá việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2022 của tỉnh Tuyên Quang.

Các đại biểu dự buổi làm việc

Buổi làm việc có sự tham dự của Đồng chí Mai Văn Trinh, Vụ trưởng Vụ Cơ sở vật chất, Phó trưởng ban chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trưởng đoàn kiểm tra, giám sát Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới tại tỉnh Tuyên Quang; lãnh đạo, chuyên viên thuộc Vụ cơ sở vật chất, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Vụ Nông nghiệp Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương; Đồng chí Nguyễn Thế Giang, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh; đại diện lãnh đạo các Sở: Nông nghiệp và PTNT; Giáo dục và Đào tạo; Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Tài nguyên và Môi trường; Công Thương; Y tế; Xây dựng; Giao thông vận tải; Khoa học và Công nghệ; Thông tin và Truyền thông; Lãnh đạo Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Lãnh đạo Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; Chuyên viên Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh; lãnh đạo một số phòng của Sở Giáo dục và Đào tạo.

Báo cáo kết quả thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới năm 2022, Đồng chí Nguyễn Thế Giang, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh cho biết: Công tác xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh được quan tâm chỉ đạo quyết liệt. Đến nay các mục tiêu, nhiệm vụ thực hiện Chương trình được cả hệ thống chính trị và nhân dân tập trung triển khai thực hiện hoàn thành và vượt kế hoạch đề ra, đến hết năm 2021 toàn tỉnh có 54 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, 08 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 01 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, tiêu chí bình quân trên xã đạt 15,51 tiêu chí/xã, không còn xã đạt dưới 9 tiêu chí; Phấn đấu hết năm 2022 có thêm 08 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn lên 62/122 xã (chiếm 50,82%), tiêu chí bình quân trên xã đạt 15,87 tiêu chí/xã, không còn xã dưới 9 tiêu chí. Mục tiêu cụ thể đến năm 2025 toàn tỉnh phấn đấu có trên 85/122 xã bằng 70% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; có thêm ít nhất 31 xã đạt chuẩn nông thôn mới; trên 30% xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao và 10% số xã đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu trong tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới; nâng số tiêu chí bình quân chung toàn tỉnh trên 17 tiêu chí/xã. Đến năm 2025 có thêm huyện Hàm Yên được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới nâng tổng số đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới lên 2/7 đơn vị.

Năm 2022, tỉnh được phân bổ trên 273 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới, trong đó nhân dân đóng góp trên 32 tỷ đồng. Tỉnh có thêm 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn lên 62/122 xã (8 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, bình quân đạt 15,87 tiêu chí/xã). Diện mạo nông thôn thay đổi tích cực, kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện, văn hóa, y tế, giáo dục… được quan tâm đầu tư xây dựng; đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện rõ rệt.

Tuy nhiên, chương trình xây dựng nông thôn mới tại một số địa phương chưa thực sự bền vững, việc duy trì, giữ vững và nâng cao chất lượng tiêu chí đã đạt chuẩn còn hạn chế; ngân sách đầu tư phát triển hạ tầng ở các xã khó khăn, vùng sâu, vùng xa chưa nhiều, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều còn cao…

Tại buổi làm việc, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Văn phòng Điều phối Trung ương, một số Sở, Ngành của tỉnh; đã tập trung phân tích, đánh giá thực trạng các tiêu chí chưa đạt của các xã phấn đấu về đích NTM như: Trường học; Môi trường, đặc biệt là về nguồn vốn Đầu tư phát triển và vốn Sự nghiệp năm 2022. Qua đó, đề xuất những giải pháp cụ thể để tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các tiêu chí chưa đạt.

Kết luận buổi kiểm tra, đồng chí trưởng đoàn công tác Mai Văn Trinh, Vụ trưởng Vụ Cơ sở vật chất, Phó trưởng ban chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia của Bộ Giáo dục và Đào tạo ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực của tỉnh Tuyên Quang trong thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trên địa bàn; gợi mở nhiều nội dung liên quan để các đại biểu trao đổi, thảo luận như: không nên bằng lòng với kết quả đã đạt được, mà cần phải nỗ lực hơn nữa để giải quyết nhiều vấn đề đặt ra trong giai đoạn tiếp theo, ngoài ra cần phải nâng cao hơn nữa chất lượng các tiêu chí về đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Đồng thời, đề nghị trong thời gian tới, UBND tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phân công rõ trách nhiệm, xây dựng lộ trình, thời gian cụ thể hoàn thiện các tiêu chí chưa đạt của các xã xây dựng NTM năm 2022; tập trung tuyên truyền, huy động các nguồn lực cùng chung sức xây dựng NTM; đẩy nhanh tiến độ các công trình xây dựng cơ bản, đảm bảo đúng tiến độ và chất lượng công trình...

Trước đó, đoàn công tác đã kiểm tra thực tế một số công trình hạ tầng trên địa bàn xã: Kim Phú, xã Lưỡng Vượng, thành phố Tuyên Quang; xã Thượng Ấm, xã Hợp Thành, huyện Sơn Dương.

Tiếp thu ý kiến tham gia của các đồng chí trong Đoàn kiểm tra, Đồng chí Nguyễn Thế Giang, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đã làm rõ thêm những khó khăn, vướng mắc khi thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là những tiêu chí khó ở một số địa phương, đề nghị, các bộ, ngành Trung ương cần sớm ban hành mẫu hồ sơ trình tự, thủ tục thực hiện các mô hình thuộc chương trình chuyên đề thực hiện xây dựng nông thôn mới để các địa phương có căn cứ thực hiện chương trình đúng tiến độ, đồng thời chỉ đạo các ngành, UBND huyện thành phố trong thời gian tới cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:

Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động; Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa, tập trung vào các sản phẩm chủ lực, đặc sản theo chuỗi liên kết bảo đảm chất lượng, giá trị gia tăng cao gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; Tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ, phát triển nhanh việc ứng dụng quy trình sản xuất VietGAP, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ nông nghiệp; thực hiện có hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Mục đích cao nhất là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân; Chỉ đạo, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốn của Trung ương hỗ trợ cho Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới năm 2022 và giai đoạn 2022-2025; Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá việc tổ chức, triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Gắn trách nhiệm quản lý, phụ trách theo lĩnh vực và địa bàn đối với từng sở, ngành và địa phương trong quá trình tổ chức thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra; Tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “Tuyên Quang chung sức xây dựng nông thôn mới” gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; Phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội, đặc biệt về việc thực hiện các chủ trương, cơ chế, chính sách, sử dụng và huy động các nguồn lực phục vụ phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Tổ chức thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới ở từng địa phương phải lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo đánh giá kết quả./.

Lê Thiệu Tân/Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh

Tin cùng chuyên mục