Phát triển tam nông - Kế sách “sâu rễ bền gốc” - Bài 2: Nông dân - Trung tâm phát triển nông thôn

- Trong công cuộc xây dựng, phát triển nông nghiệp nông thôn, vai trò, trách nhiệm chủ thể của người nông dân được phát huy trên mọi “mặt trận”. Người nông dân đã đổi mới từ tư duy bị động sang chủ động, làm chủ khoa học công nghệ, làm chủ ruộng vườn, thể hiện vai trò trung tâm của sự chuyển động trong nông nghiệp, nông thôn.

Làm chủ kinh tế nông nghiệp

Thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/HNDTW của BCH Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (khóa VI) về hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế, giảm nghèo, từ năm 2018 đến nay, Hội Nông dân tỉnh đã thực hiện ủy thác Ngân hàng CSXH với tổng số dư nợ 865,3 tỷ đồng cho 18.662 hộ nông dân vay vốn phát triển sản xuất; tổ chức 77 lớp dạy nghề cho 2.468 hội viên nông dân; phối hợp với Trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật và Thủy sản, thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức 1 lớp đào tạo cao đẳng ngành Nuôi trồng thủy sản; cung ứng được 15 máy nông nghiệp với tổng giá trị 420 triệu đồng; hỗ trợ 6.200 tấn phân bón trả chậm; phối hợp với các Sở, ban, ngành trong tỉnh tổ chức 4.929 buổi tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi, bảo vệ thực vật cho 317.148 lượt hội viên tham gia…

 Vườn thanh long ruột đỏ của gia đình anh Đỗ Văn Hưng, thôn 1 Minh Phú, xã Yên Phú (Hàm Yên) thu tiền tỷ mỗi năm. 

Từ những hỗ trợ trên, 117.000 hội viên nông dân trong tỉnh không chỉ nỗ lực phát triển kinh tế, giảm nghèo mà còn xây dựng được 35.000 mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả. Điển hình như mô hình nuôi lợn thảo dược liên kết theo chuỗi của ông Nguyễn Ngọc Sáng, xã Đông Thọ (Sơn Dương) cho thu nhập trên 23 tỷ đồng/năm; mô hình chè VietGAP của tổ hợp tác chè thôn Trung Long, xã Trung Yên (Sơn Dương); mô hình miến dong Hợp Thành của ông Phạm Đình Thắng, xã Lực Hành (Yên Sơn); mô hình nuôi trâu bò nhốt chuồng của ông Phạm Văn Oanh, xã Hoàng Khai (Yên Sơn)…

Anh Nguyễn Ngọc Sáng, Giám đốc HTX sản xuất chế biến thực phẩm an toàn Sáng Nhung, xã Đông Thọ (Sơn Dương) thành công với trang trại chuyên nuôi lợn hàng hóa chất lượng cao và bước đầu thành công mô hình nuôi lợn thảo dược. Trang trại thường xuyên duy trì từ 2.500 đến 3.500 đầu lợn, trong đó 1/3 số lợn được nuôi bằng cám phối trộn thảo dược. Để chuyên nghiệp, anh Sáng đã đầu tư Trung tâm nông sản Sáng Nhung tại phường Phan Thiết (TP Tuyên Quang) cung cấp thịt lợn thảo dược ra thị trường. Đây cũng là HTX đầu tiên của tỉnh làm được mô hình khép kín từ “nông trại đến bàn ăn”. Anh Sáng chia sẻ, hình thành mô hình trang trại này, năm 2016 lúc bắt đầu xây dựng trang trại nuôi lợn tập trung, anh được tỉnh hỗ trợ vay vốn theo nghị quyết hỗ trợ phát triển kinh tế trang trại. Từ ấy, gia đình nuôi lớn dần đến ngày nay. Hiện trang trại áp dụng công nghệ chăn nuôi lợn hiện đại nhất, có quạt thông gió, hệ thống cung cấp nước uống tự động, hệ thống camera theo dõi từng chuồng… Thức ăn từ sản phẩm nông nghiệp giang chín phối trộn thảo dược.

Nông dân Phạm Văn Yên, thôn Đô Thượng 6, xã Xuân Vân (Yên Sơn) tự làm men vi sinh ủ phân bón cho cây bưởi.

Năm 2021 doanh thu từ chăn nuôi lợn hàng hóa của anh Sáng đạt thu nhập 23 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên 20 lao động. Anh Sáng vừa được nhận Danh hiệu “Nông dân việt Nam xuất sắc năm 2022”. Hiện nay anh Sáng đang xin chủ trương đầu tư nhà máy chế biến thực phẩm tại TP Tuyên Quang, vừa để chế biến sản phẩm thịt lợn thảo dược của HTX, vừa thu mua và chế biến các sản phẩm đặc sản, sản phẩm OCOP của địa phương. 

Toàn bộ 7.000 trụ thanh long ruột đỏ VietGap của anh Đỗ Văn Hưng, thôn 1 Minh Phú, xã Yên Phú (Hàm Yên) hiện không chỉ cho thu nhập từ trái thanh long mà còn có nguồn thu từ du khách. Anh Hưng bảo, gia đình hướng tới du lịch sinh thái nhà vườn nên tập trung trồng và chăm sóc thanh long theo hướng hữu cơ, áp dụng khoa học, bảo vệ môi trường, thắp điện để kích ánh sáng cho mẫu mã quả đẹp, đảm bảo vườn sạch, đẹp thu hút khách du lịch. Năm 2022, dự kiến anh thu trên 1,2 tỷ đồng từ vườn thanh long. Từ mô hình của anh Hưng, nông dân xã Yên Phú đã liên kết thành lập tổ hợp tác trồng thanh long ruột đỏ.

Từ những người nông dân dám nghĩ, dám làm đã đưa nông sản của tỉnh khẳng định “thương hiệu” trên thị trường như: Cam sành Hàm Yên là một trong 50 trái cây ngon nhất Việt Nam; chè hữu cơ Shan Tuyết Hồng Thái, chè đặc sản Vĩnh Tân được bình chọn “Thương hiệu Vàng nông nghiệp Việt Nam”; Chè Bát Tiên Mỹ Bằng, mật ong Tuyên Quang được “Tôn vinh sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu”; bưởi Xuân Vân đứng Top 10 Thương hiệu - Nhãn hiệu nổi tiếng.

Kết quả này đã phản ánh sự chủ động, làm chủ được ruộng, vườn, khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp.

Phát huy vai trò trung tâm xây dựng nông thôn mới

Nghị quyết 19 Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 đã nhấn mạnh “Nông dân là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Gắn xây dựng giai cấp nông dân với phát triển nông nghiệp và quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa nông thôn”…

Ông Nguyễn Ngọc Sáng, Giám đốc HTX sản xuất chế biến thực phẩm an toàn Sáng Nhung, xã Đông Thọ (Sơn Dương) giới thiệu quy mô chăn nuôi lợn thảo dược.

Ở tỉnh, những năm qua vai trò của người nông dân trong sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới đã được phát huy. Giai đoạn 2017 - 2022 nông dân trong tỉnh đã đóng góp số tiền 18,977 tỷ đồng, trên 78.600 ngày công lao động, hiến trên 47.100 m2 đất, góp phần làm mới, sửa chữa được 2.032,4 km đường giao thông nông thôn. Từ sự “chung sức” của nông dân, diện mạo nhiều làng quê đã hoàn toàn đổi mới.    

Câu chuyện về nông dân Nguyễn Văn Tuyên hiến 1.600 m2 đất vườn của gia đình xây dựng điểm trường mầm non Lục Mùn, xã Phúc Ninh (Yên Sơn) năm 2019 để lại ấn tượng trong lòng người dân. Ông Tuyên cho biết, ngày ấy, Nhà nước có chủ trương xây điểm trường cho trẻ mầm non người Dao ở Lục Mùn nhưng không có đất, lại không có kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng. Gia đình có đất vườn canh tác tại thôn, địa điểm thuận lợi xây điểm trường. Khi được cấp ủy, chính quyền xã vận động, gia đình ông đã hiến đất để xây điểm trường, tạo điều kiện cho con cháu người Dao học tập và cũng góp chút sức nhỏ vào công cuộc xây dựng nông thôn mới của địa phương.

Từ việc làm của nông dân Nguyễn Văn Tuyên đã lan tỏa phong trào nông dân hiến đất  xây dựng hạ tầng nông thôn mới ở Phúc Ninh. Đồng chí Vũ Thành Trung, Chủ tịch UBND xã Phúc Ninh chia sẻ, nông dân chính là trung tâm của xây dựng nông thôn mới. Họ không chỉ chủ động làm kinh tế, xây dựng nhà cửa, góp sức làm hạ tầng mà còn hiến đất, hiến kế để chính quyền xã thực hiện hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới 2018, xã đã về đích nông thôn mới trước 2 năm.  

Năm 2020, mong ước của người dân Trường Sinh (Sơn Dương) đã trở thành hiện thực khi tuyến đường ĐH04 được Nhà nước đầu tư xây dựng tổng kinh phí 20 tỷ đồng. Đây là con đường huyết mạch của xã đi qua 9/11 thôn, có tổng chiều dài hơn 5,8 km. Năm 2021, xã có 332 hộ dân, 90% trong số này là nông dân, sản xuất nông nghiệp đã hiến 6.634 m2 đất để làm đường. Con đường được xây dựng là tuyến đường chính đi qua xã và 2 nhánh phụ với tổng chiều dài hơn 4 km.

Đồng chí Đỗ Xuân Trường, Chủ tịch UBND xã Trường Sinh khẳng định, các cơ chế, chính sách của tỉnh đầu tư vào địa bàn xã đạt kết quả tích cực là nhờ người dân ủng hộ, mà nòng cốt là người nông dân bởi họ vừa trực tiếp thực hiện, trực tiếp thụ hưởng. Chính vì thế vai trò là trung tâm của người nông dân được phát huy thì nông nghiệp, nông thôn mới thực sự thay đổi. Trường Sinh về đích nông thôn mới năm 2020, hạ tầng cơ bản đầu tư cứng hóa từ đường giao thông, nhà văn hóa thôn, kênh mương nội đồng, sản xuất nông nghiệp đã hình thành vùng chuyên canh lạc 32 ha cung cấp nguyên liệu cho ép dầu mang nhãn hiệu dầu lạc Trường Thịnh đạt OCOP 4 sao... Đời sống của người nông dân đã từng bước được nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người đạt 39 triệu đồng/người/năm.  

Thực tiễn cho thấy, người dân, nông dân ở đâu phát huy được vai trò, làm chủ được khoa học công nghệ, làm chủ được sản xuất thì nơi ấy nông nghiệp, nông thôn phát triển.

Nâng cao hơn nữa vai trò, vị thế, năng lực làm chủ của người nông dân theo hướng “tri thức hóa nông dân” để nông dân làm chủ công nghệ trong sản xuất, kinh doanh và có thể làm giàu từ nông nghiệp; phát triển nông nghiệp hiện đại, hiệu quả, theo hướng ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, xây dựng thương hiệu, gắn với chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng, tỉnh tiếp tục có nhiều chính sách hỗ trợ nông nghiệp, nông thôn như: Nghị quyết 03 của HĐND tỉnh hỗ trợ sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa, sản phẩm OCOP, xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2021 - 2025; Nghị quyết số 55 của HĐND tỉnh về bê tông hóa đường bê tông nông thôn và cầu trên đường giao thông nông thôn giai đoạn 2021 - 2025... Các chính sách đã và đang thực hiện ở các địa phương sẽ góp phần quan trọng thay đổi nông nghiệp, nông thôn trong tỉnh.

Bài, ảnh: Trang Tâm/Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục