Phát triển tam nông - Kế sách “sâu rễ bền gốc”

- L.T.S: Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 16-6-2022 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Mục tiêu là nông dân và cư dân nông thôn văn minh, phát triển toàn diện, có thu nhập cao, phát triển nông nghiệp sinh thái, sản xuất hàng hóa quy mô lớn, có giá trị kinh tế cao, gắn kết thị trường trong nước và ngoài nước, nông nghiệp hiện đại, có điều kiện sống tiệm cận với đô thị, môi trường sống xanh, sạch, đẹp, giàu bản sắc văn hóa dân tộc... Báo Tuyên Quang giới thiệu loạt bài viết về nội dung này.

Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 16-6-2022, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định:  Nông nghiệp là lợi thế quốc gia, là trụ đỡ của nền kinh tế. Tại tỉnh ta, sản xuất nông nghiệp cũng là một lợi thế và là gốc của các ngành kinh tế. Chính vì lẽ đó, trong suốt quá trình  phát triển, tỉnh đã dành sự quan tâm nhiều  hơn đầu tư phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, hiệu quả, bền vững, tích hợp đa giá trị đảm bảo nâng cao giá trị gia tăng, năng lực cạnh tranh, gắn với đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến.

Thành tựu vượt trội

Nông nghiệp tỉnh ta có những tiềm năng, thế mạnh lớn: Đất trồng trọt trên 98.000 ha, hơn 140 nghìn ha rừng trồng sản xuất và có khả năng sản xuất nhiều nhóm ngành hàng: Trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản. Thực tế hằng năm tỉnh sản xuất 34 vạn tấn lương thực; duy trì tổng đàn trâu trên 92,9 nghìn con, đàn bò trên 36,5 nghìn con, đàn lợn trên 528,9 nghìn con, gia cầm trên 6.718 nghìn con, trồng mới trên 10 nghìn ha rừng mỗi năm, sản lượng gỗ rừng trồng đạt khoảng 800 nghìn m2 , đứng Top đầu trong cả nước.

Người dân xã Mỹ Bằng (Yên Sơn) thu hái chè nguyên liệu cung ứng cho Công ty cổ phần Chè Mỹ Lâm. 

Tỉnh phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo hướng tập trung khai thác và phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, đi sâu phát triển mạnh các sản phẩm chủ lực, đặc sản của từng lĩnh vực. Các vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn đã được hình thành và có sự chuyển biến tích cực theo hướng sản xuất an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm gắn với nhu cầu thị trường. Hiện toàn tỉnh có 8.653 ha cam, trong đó 687 ha được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và 30 ha theo tiêu chuẩn hữu cơ, 8.468 ha chè, trong đó, sản xuất theo tiêu chuẩn nông nghiệp bền vững là 729 ha; tiêu chuẩn VietGAP 93 ha và tiêu chuẩn hữu cơ 24 ha; 4.568 ha lạc; 5.190 ha bưởi; 2.900 ha mía; 140.000 ha rừng, trong đó trên 35.000 ha đã được cấp chứng chỉ rừng bền vững FSC.

Sản xuất nông nghiệp phát triển đúng hướng. Khối lượng sản phẩm tạo ra hàng năm rất lớn. Chỉ tính riêng một số sản phẩm chủ lực như: chè búp tươi trên 65.800 tấn/năm, khai thác gỗ rừng trồng đạt 800.000 m3/năm, cây ăn quả gần 150.000 tấn... Sản lượng nông sản lớn đã thúc đẩy công nghiệp chế biến phát triển. Từ năm 2016 đến nay, tỉnh đã thu hút đầu tư hàng chục dự án phát triển sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy sản với tổng số vốn cam kết trên 10.000 tỷ đồng, trong đó có một số nhà đầu tư lớn như: Công ty cổ phần tập đoàn DABACO Việt Nam, Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang, Công ty cổ phần Hồ Toản... Hiện có 98 doanh nghiệp đang trực tiếp sản xuất, kinh doanh, chế biến nông, lâm nghiệp, thủy sản, tạo việc làm cho khoảng 30.000 lao động/năm.

Đồng chí Nguyễn Văn Việt, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định, nông nghiệp của tỉnh phát triển khá toàn diện, đảm bảo về an ninh lương thực, góp phần quan trọng trong ổn định chính trị - xã hội. Rõ ràng nhất, trong 2 năm (2020 - 2021) mặc dù chịu ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng của dịch bệnh, song sản xuất nông nghiệp của tỉnh vẫn trụ vững, vẫn là “trụ đỡ” của nền kinh tế, trước hết bảo đảm an ninh lương thực, tốc độ tăng trưởng của ngành đạt trên 4%/năm đóng góp quan trọng vào mức tăng trưởng chung kinh tế của tỉnh. Điều này cho thấy nông nghiệp là một ngành kinh tế bao trùm, một cấu trúc kinh tế - xã hội hoàn toàn không phải một ngành kinh tế đơn lẻ, bởi nó đem lại cuộc sống và lợi ích của hàng trăm nghìn con người.

Cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới

Theo đường lối của Đảng, để nông nghiệp tiếp tục là trụ đỡ của toàn bộ nền kinh tế, phải cơ cấu lại theo hướng phát triển bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh nông sản, bảo vệ môi trường sinh thái, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, bảo đảm an ninh lương thực. Đẩy mạnh phát triển nền nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ gắn với phát triển công nghiệp chế biến nông sản, thích ứng với biển đổi khí hậu và kết nối bền vững với chuỗi giá trị nông sản. Chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nông nghiệp, chuyển tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Muốn vậy, cần khắc phục những bất cập, yếu kém còn hiện hữu.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Việt khẳng định rằng, tỉnh đã và đang cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Đẩy mạnh liên kết giữa các khâu trong sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị một cách bền vững. Thực hiện tích tụ, tập trung đất đai; phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, chuyên canh hàng hóa tập trung, quy mô lớn, bảo đảm an toàn thực phẩm dựa trên nền tảng ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến, chuyển đổi số, cơ giới hóa, tự động hóa; gắn kết chặt chẽ nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ, sản xuất với bảo quản, chế biến và tiêu thụ nông sản. Khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn, chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Đến nay, toàn tỉnh đã có 128 sản phẩm nông nghiệp được chứng nhận OCOP, được người tiêu dùng tin tưởng, đón nhận.

Công ty cổ phần Hồ Toản (Yên Sơn) đầu tư chăn nuôi bò sữa chất lượng cao.

Trong lĩnh vực trồng trọt, tỉnh đặt ra mục tiêu bảo đảm an ninh lương thực, phát triển sản xuất hàng hóa, gắn sản xuất với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ để nâng cao giá trị sản xuất (Chuyển đổi cơ cấu cây trồng; đẩy mạnh mở rộng sản xuất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn; phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị,…); Khai thác hiệu quả các cây trồng đặc sản có lợi thế của địa phương; Mở rộng ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới, như: IPHM; công nghệ cao; ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất; cải tạo, nâng cao chất lượng, hiệu quả vườn cây ăn quả có múi; mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao (nhà lưới, nhà kính) đối với một số loại cây trồng có lợi thế như rau, củ, quả,…

Công ty TNHH MTV Sơn Dương Green farm xã Kháng Nhật (Sơn Dương) tiên phong trong ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, tạo ra sản phẩm nông nghiệp có chất lượng vượt trội. Anh Nguyễn Việt Lâm, Giám đốc Công ty phấn khởi cho biết, năm 2018 công ty bắt tay vào sản xuất rau, củ, quả bằng công nghệ thủy canh, công nghệ tưới ẩm. Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nên công ty đã giảm thiểu tối đa sức lao động của con người song vẫn tạo ra sản phẩm chất lượng tốt nhất. Anh Lâm khoe, hiện khu sản xuất với trên 2.000 m2 công ty chỉ cần 3 lao động, bởi các khâu sản xuất gần như đã được tự động hóa. Sản xuất theo quy chuẩn chất lượng sản phẩm rau, củ, quả của công ty đảm bảo các yêu cầu cao nhất về an toàn vệ sinh thực phẩm, được chuỗi siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch bao tiêu.

Trong chăn nuôi, tỉnh tập trung phát triển chăn nuôi hàng hóa tập trung gia trại, trang trại, theo chuỗi giá trị an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường; tạo điều kiện thu hút doanh nghiệp có tiềm lực đầu tư, liên kết chăn nuôi gắn với chế biến, tiêu thụ.

Khai thác tiềm năng thế mạnh về lâm nghiệp, tỉnh đã thực hiện quản lý bền vững về diện tích và chất lượng, bảo đảm hài hòa các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo tồn đa dạng sinh học, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng, giá trị dịch vụ môi trường rừng và ứng phó với biến đổi khí hậu. Tỉnh khai thác tối đa giá trị hưởng dụng từ rừng thông qua việc phát triển nông lâm kết hợp, lâm sản ngoài gỗ, trồng cây dược liệu, dịch vụ môi trường rừng; quản lý rừng bền vững và cấp Chứng chỉ rừng; khai thác hiệu quả rừng gắn với phát triển du lịch sinh thái. Đồng thời xây dựng và nhân rộng chuỗi liên kết giữa nhà máy với người trồng rừng. Theo báo cáo của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, hiện đã có Công ty cổ phần Bột giấy - Giấy An Hòa; Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang đã thiết lập chuỗi liên kết sản xuất, chế biến gỗ rừng trồng. Tỉnh cũng tập trung phát triển, từng bước chuyển hóa rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn nhằm nâng cao hơn nữa giá trị công nghiệp chế biến rừng trồng... đưa Tuyên Quang trở thành tỉnh điển hình về phát triển lâm nghiệp bền vững.

Với giải pháp và những bước đi phù hợp nông nghiệp tỉnh sẽ có nhiều bứt phá, khẳng định vai trò trụ đỡ, gốc của các ngành kinh tế.

Bài, ảnh: Đoàn Thư/Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục