Liên kết sản xuất “chìa khóa” xây dựng nông thôn mới

Xác định liên kết sản xuất là “chìa khóa” để phát triển nông nghiệp, thời gian qua, tỉnh Tuyên Quang đã chủ động thúc đẩy, hỗ trợ người dân hình thành các chuỗi liên kết nhằm nâng cao giá trị sản xuất, tạo đà cho xây dựng nông thôn mới bứt lên.

Chè Mỹ Bằng, một trong những sản phẩm chủ lực huyện Yên Sơn

Đến hết 2021, Chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh đạt được nhiều kết quả nổi bật trên tất cả các lĩnh vực. Toàn tỉnh có 54/122 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 44,3%), bình quân mỗi xã đạt 15,51 tiêu chí, không còn xã đạt dưới 9 tiêu chí. Năm 2022 phấn đấu có thêm 08 xã đạt chuẩn NTM nâng tổng số xã đạt chuẩn lên 62/122 xã, chiếm 50,8%.

Theo Quyết định số 358/QĐ-UBND ngày 08/6/2021 của UBND tỉnh Tuyên Quang Về việc phê duyệt Đề án Cơ cấu lại ngành nông nghiệp, giai đoạn 2021-2025, tỉnh Tuyên Quang có ít nhất 116 liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực, trong đó có ít nhất 76 chuỗi sản phẩm thực hiện liên kết các khâu từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm theo hướng phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa bảo đảm chất lượng, giá trị gia tăng cao gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; nhiệm vụ phát triển hợp tác, liên kết sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm sẽ góp phần nâng cao giá trị nông sản, hình thành các vùng sản xuất liên kết bền vững; xác định, thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ phát triển các hợp tác xã, tổ hợp tác thực hiện sản xuất hàng hóa theo chuỗi bền vững; phát triển ngành nghề nông thôn; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị; Hỗ trợ tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, cải tạo đất, thuê quyền sử dụng đất để tích tụ đất đai, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, sản phẩm OCOP để củng cố, xây dựng các liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Dầu lạc Trường Thịnh, xã Trường Sinh, huyện Sơn Dương - sản phẩm OCOP 4 sao

Xây dựng chuỗi liên kết gắn với những sản phẩm chủ lực mà Tuyên Quang có thế mạnh như: cây chè, mía, Tuyên Quang xác định sẽ xây dựng 22 liên kết (4 liên kết cấp tỉnh và 18 liên kết cấp huyện), tương ứng với diện tích 2.921 ha (chiếm khoảng 34 % diện tích canh tác), số hộ tham gia liên kết 3.000 hộ, sản lượng tiêu thụ qua liên kết đạt 35% sản lượng chè. Tập trung phát triển chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ chè Shan tuyết tại huyện Na Hang và huyện Lâm Bình; chè đặc sản, chè chất lượng cao tại các huyện Sơn Dương, Yên Sơn, Hàm Yên và Chiêm Hoá.

Củng cố, xây dựng 17 liên kết sản xuất, tiêu thụ cây ăn quả (02 liên kết cấp tỉnh và 15 liên kết cấp huyện), với diện tích trên 3.400 ha (chiếm 23% diện tích sản xuất), khoảng 3.000 hộ tham gia, nâng tỷ lệ tiêu thụ theo liên kết 20% sản lượng cây ăn quả. Tập trung phát triển chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ cam tại huyện Hàm Yên và Chiêm Hoá; chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ bưởi tại các huyện Yên Sơn và Hàm Yên.

Xây dựng 13 liên kết sản xuất, tiêu thụ rau (03 liên kết cấp tỉnh và 10 liên kết cấp huyện), tương ứng với diện tích 232 ha (chiếm 3% diện tích canh tác), 1.000 hộ tham gia liên kết, sản lượng tiêu thụ qua liên kết đạt 4% sản lượng rau. Trong đó tập trung phát triển chuỗi liên kết sản xuất rau trái vụ ở các huyện Na Hang, Lâm Bình và một số vùng sinh thái đặc thù của huyện Hàm Yên.

Sẽ xây dựng 12 liên kết liên sản xuất, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi trâu, bò với khoảng trên 500 hộ tham gia, sản lượng khoảng 3.300 tấn thịt và 24.000 tấn sữa; nâng tỷ lệ tiêu thụ thịt theo liên kết lên 42% và sản lượng sữa tiêu thụ theo liên kết lên 99,8% toàn tỉnh. Đặc biệt, Tuyên Quang sẽ quan tâm xây dựng 03 liên kết sản xuất và tiêu thụ sản lượng gỗ rừng trồng, bình quân mỗi năm trên 200 nghìn m3 gỗ; giá trị lâm sản qua hợp đồng khoảng trên 200 tỷ đồng/năm, chiếm khoảng trên 30% giá trị gỗ khai thác toàn tỉnh. Trong đó chú trọng phát triển chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ của Công ty Woodsland Tuyên Quang. Tập trung hỗ trợ các chủ thể liên kết về xây dựng các dự án liên kết kinh doanh; xây dựng nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý; quảng bá, phát triển thương hiệu chuỗi giá trị; ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh sản phẩm; hoàn thiện sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn của nước nhập khẩu.

Để đạt mục tiêu trên, bên cạnh tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ, hoàn thiện các mô hình liên kết, nâng cao giá trị sản xuất, cả hệ thống chính trị, xã hội, các địa phương, các cấp cơ sở của tỉnh vào cuộc, thực hiện hiệu quả cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.

Một trong những kết quả mà Tuyên Quang đã làm được đó là xây dựng các mô hình liên kết thông qua các doanh nghiệp, tổ hợp tác, HTX để xây dựng các sản phẩm đặc trưng của địa phương: Chè là một trong những cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế của tỉnh. Với diện tích gần 8.500 ha, Tuyên Quang được đánh giá là một trong những tỉnh có diện tích và sản lượng chè lớn trong khu vực miền núi phía Bắc. Phát huy lợi thế, một số doanh nghiệp, hợp tác xã và địa phương đã xây dựng các mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ, chế biến chè. Tiêu biểu như sản phẩm chè xanh Ngọc Thúy, tiêu chuẩn OCOP 4 sao của Hợp tác xã Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Sử Anh, đã chính thức lên sàn thương mại điện tử Postmart quốc gia. Đây là sản phẩm nông nghiệp đầu tiên của tỉnh đạt các tiêu chuẩn để giao dịch trên sàn thương mại điện tử. Sản phẩm chè xanh Ngọc Thúy được canh tác, sử dụng hoàn toàn bằng công nghệ sinh học ANISAF SH-01, được Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và ITC hỗ trợ giải pháp công nghệ sạch trong sản xuất; Sản phẩm chè Bát Tiên của Hợp tác xã nông lâm nghiệp xã Mỹ Bằng không chỉ được người tiêu dùng đánh giá cao mà còn được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) công nhận nhãn hiệu “Chè Bát Tiên Mỹ Bằng”; Chè Shan Tuyết Na Hang ngày càng khẳng định được thương hiệu trên thị trường, đem lại hiệu quả kinh tế, nâng cao đời sống cho người dân, trở thành sản phẩm du lịch nổi trội và sản phẩm mũi nhọn của tỉnh. Huyện Na Hang hiện có trên 1.300 ha chè Shan tuyết, được trồng chủ yếu ở các xã Sinh Long, Hồng Thái và Sơn Phú. Niềm vui lớn đến với người trồng chè nơi đây khi Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã ký quyết định chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm chè Shan tuyết Na Hang, mở ra hướng phát triển mới cho người trồng chè nơi đây.

Ngoài ra mô hình liên kết trồng, tiêu thụ sản phẩm dưa chuột cũng dặt hái thành công ngoài mong đợi: Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện mô hình trồng dưa chuột liên kết bao tiêu sản phẩm, từ 3 ha được trồng thử nghiệm tại huyện Sơn Dương, đến nay diện tích dưa đã phát triển trên hầu khắp các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Phong trào trồng dưa chuột phát triển trong toàn huyện Sơn Dương với diện tích khoảng 60 ha, nhiều hộ đã chuyển đổi diện tích ruộng 2 vụ lúa sang chuyên canh trồng dưa chuột mang lại hiệu quả kinh tế cao. Năm 2019, gia đình anh Đoàn Văn Nghĩa (thôn Gò Hu, xã Vĩnh Lợi, huyện Sơn Dương) là một trong những hộ đầu tiên tham gia trồng dưa chuột liên kết bao tiêu sản phẩm. Sau khi được Hợp tác xã Chăn nuôi và Sản xuất giống gia cầm Minh Tâm huyện Sơn Dương vận động trồng dưa chuột, hợp tác xã hỗ trợ giống, kỹ thuật và bao tiêu toàn bộ sản phẩm dưa chuột theo giá thị trường, gia đình đã yên tâm canh tác, chuyển đổi mô hình. Được biết, vụ đầu tiên, năng suất dưa chuột đạt hơn 1,1 tấn/sào với giá thu mua 6.000 đồng/kg, thu lãi 5 triệu đồng/sào. Theo ông Trần Văn Phúc - Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi và Sản xuất giống gia cầm Minh Tâm, để đảm bảo đầu ra ổn định cho người nông dân, hợp tác xã đã xây dựng theo chuỗi liên kết từ nhà nông, hợp tác xã, doanh nghiệp thu mua bao tiêu sản phẩm và cam kết sản phẩm dưa được thu hoạch đến đâu, bao tiêu hết cho bà con đến đó. Đồng thời, hợp tác xã yêu cầu bà con cam kết sản xuất theo hướng an toàn thực phẩm, do các lô dưa khi đưa vào siêu thị đều được phía đối tác kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đảm bảo ngưỡng an toàn. Để có đầu ra ổn định, hợp tác xã đã ký hợp đồng lâu dài với Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp kinh doanh hàng nông sản An Hòa, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc, tiêu thụ 15.000 tấn/năm. Do đó, diện tích vùng dưa phải lên tới 200 ha mới đảm bảo cung ứng đủ nhu cầu.

Còn tại huyện Chiêm Hóa, từ vụ Đông Xuân 2021 - 2022 Trung tâm Khuyến nông, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Chiêm Hóa và Hợp tác xã nông nghiệp xanh Kim Bôi, Hòa Bình đã phối hợp triển khai thực hiện mô hình liên kết trồng và tiêu thụ sản phẩm dưa chuột Nhật tại 6 xã trên địa bàn với diện tích 32 ha... Giống cây mới này đưa vào sản xuất, bước đầu đã mang lại hiệu quả, tạo việc làm tăng thu nhập cho người dân nơi đây. Theo ông Hà Doãn Hộ - Giám đốc Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Yên Nguyên, huyện Chiêm Hóa, trải qua nhiều mô hình giống cây trồng mới nhưng đều thất bại, từ khi tìm hiểu và thấy được chiến lược kinh doanh hợp lý và lâu dài theo hướng có lợi cho người nông dân nên hợp tác xã ký hợp đồng liên kết trong sản xuất và bao tiêu sản phẩm dưa chuột với Hợp tác xã Chăn nuôi và Sản xuất giống gia cầm Minh Tâm đã được 3 năm, bảo đảm đầu ra cho sản phẩm.

Mô hình liên kết tại huyện Hàm Yên cũng đã đạt được những thành công nhất định, tiêu biểu là chuỗi liên kết trồng và tiêu thụ cam sành của Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Phong Lưu, gồm 16 hộ dân tham gia, với hơn 50 ha trên địa bàn xã Phù Lưu, huyện Hàm Yên. Để tham gia trồng và tiêu thụ cam bền vững, người dân phải tuân thủ các nguyên tắc canh tác an toàn: Không sử dụng thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu hóa học, không được đốt thực bì…; doanh nghiệp cung ứng giống chất lượng cao, phân bón hữu cơ, tập huấn quy trình trồng, chăm sóc, thu hoạch đạt kết quả cao, bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho người dân. Đến nay người dân ở HTX Phong Lưu, được sự hướng dẫn, hỗ trợ của huyện, tỉnh, các hộ dân đã chuyển sang trồng theo quy trình VietGAP. Cùng với đó, HTX còn đứng ra ký hợp đồng với các đối tác cung cấp đầu vào (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật...) và bao tiêu đầu ra cho các thành viên. ông Nông Văn Nghiệp, Giám đốc HXT Dịch vụ tổng hợp Phong Lưu phấn khởi chia sẻ: “Nhờ có chuỗi liên kết mà giá bán luôn ổn định, thu nhập của các thành viên đạt trung bình 200 - 300 triệu đồng/năm, có hộ lãi tới 700 triệu đồng/năm”. Vừa qua Hội Cam sành Hàm Yên đã liên kết được với tập đoàn Masan để cung cấp, tiêu thụ sản phẩm cam sành theo tiêu chuẩn VietGap. Ngoài ra, một số chuỗi liên kết đạt hiệu quả cao và đang được khuyến khích nhân rộng, như liên kết trồng chè nguyên liệu, liên kết trồng rừng nguyên liệu, …

Có thể thấy, việc hình thành các chuỗi liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, đã tạo ra chuỗi giá trị sản phẩm bền vững, giải quyết đầu ra. Đây là giải pháp hữu hiệu thúc đẩy lĩnh vực nông nghiệp phát triển. Sản xuất theo chuỗi còn giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã mở rộng quy mô, giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng.

Đặc biệt, sự hoạt động của các HTX theo chuỗi giá trị đã thúc đẩy sản xuất hàng hóa, tiến tới hoàn thành các tiêu chí về Tổ chức sản xuất, Lao động, Thu nhập và Nghèo đa chiều. Đây là những tiêu chí quan trọng trong quá trình xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu./.

Lê Thiệu Tân/Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh

Tin cùng chuyên mục