Người dân xã Đức Ninh (Hàm Yên) đóng góp công sức hoàn thiện đường giao thông nông thôn trên địa bàn. |
Năm 2015, tổng nguồn lực huy động thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn đạt trên 1.227,1 tỷ đồng, trong đó vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án khác nhiều nhất đạt gần 550,4 tỷ đồng, chiếm gần 45% tổng nguồn lực; vốn ngân sách địa phương 27,5 tỷ đồng; vốn tín dụng 388 tỷ đồng; vốn doanh nghiệp 30,4 tỷ đồng; vốn huy động nhân dân đóng góp của nhân dân 140,4 tỷ đồng... Toàn bộ nguồn vốn được tập trung đầu tư xây dựng hoàn thiện các tiêu chí quy hoạch; giao thông; điện; cơ sở vật chất văn hóa; hỗ trợ sản xuất...
Sau 5 năm xây dựng NTM diện mạo xã An Khang, thành phố Tuyên Quang đã có những chuyển biến to lớn: đường, trường, trạm, chợ... được đầu tư xây dựng theo hướng hoàn thiện. Theo báo cáo của UBND xã, từ năm 2011 đến hết năm 2015, xã đã huy động được trên 80 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Nhà nước hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên 5,1 tỷ đồng; vốn dân đóng góp 60,6 tỷ đồng. Số còn lại thuộc các nguồn vốn vay tín dụng, vốn doanh nghiệp đầu tư... Trạm y tế xã An Khang được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng năm 2015 vừa qua, với đầy đủ các phòng chức năng, trang thiết bị hiện đại. Đây là một trong số trạm y tế tuyến xã được đầu tư xây dựng theo hướng đồng bộ, hoàn thiện đáp ứng đủ tiêu chí y tế trong xây dựng NTM và chuẩn quốc gia về y tế xã.
Phát huy kết quả đạt được, trong giai đoạn tiếp theo, tỉnh tiếp tục huy động các nguồn lực từ các chương trình, mục tiêu để thực hiện, hoàn thành các tiêu chí NTM. Trong đó, hỗ trợ 6 xã nằm trong kế hoạch hoàn thành trong năm 2016 này gồm: Côn Lôn (Nà Hang), Vinh Quang (Chiêm Hóa), Đức Ninh (Hàm Yên), Nhữ Hán (Yên Sơn), Ninh Lai (Sơn Dương) và Lưỡng Vượng (TP Tuyên Quang). Bên cạnh đó duy trì 10 xã đạt chuẩn, bảo đảm nâng số tiêu chí bình quân toàn tỉnh đạt từ 11 tiêu chí/xã, tăng 1 tiêu chí so với năm 2015.
Riêng đối với 6 xã nằm trong kế hoạch đạt chuẩn, tỉnh đã xây dựng kế hoạch về nhu cầu vốn là 141,5 tỷ đồng để đầu tư phát triển. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước là 111 tỷ đồng; vốn tín dụng là trên 10 tỷ đồng và vốn do nhân dân đóng góp là trên 20 tỷ đồng để xây dựng đường giao thông nông thôn, thủy lợi, trường học, nhà văn hóa, nhà ở dân cư, môi trường; hỗ trợ sản xuất cho các hộ dân để đầu tư phát triển sản xuất nâng cao thu nhập.
Đồng chí Phùng Trọng Thái, Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Lai (Sơn Dương) cho biết, việc huy động, lồng ghép sử dụng nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực về tài chính sẽ là yếu tố thúc đẩy tiến trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Hiện tại xã đã hoàn thành 16/19 tiêu chí xây dựng NTM, để hoàn thành xây dựng nông thôn mới vào cuối năm nay thì xã cần một nguồn lực tương đối lớn để xây dựng mới các phòng học ở 3 cấp học là mầm non, tiểu học và THCS; xây mới và hoàn thiện 29 nhà văn hóa, sân thể thao thôn cùng các trang thiết bị cho các nhà văn hóa.
Việc xây dựng NTM đã khó, duy trì các tiêu chí đã đạt lại càng khó hơn. Vấn đặt ra hiện nay đó là nguồn lực tài chính từ các dự án, chương trình mục tiêu dành cho 10 xã đã hoàn thành xây dựng sẽ không còn nhiều. Do vậy, các địa phương tiếp tục huy động, tận dụng tối đa nguồn các nguồn lực xã hội trong việc tham gia vào công cuộc phát triển kinh tế, xã hội, đóng góp sức người, sức của vào các chương trình, kế hoạch của địa phương. Có như vậy công cuộc xây dựng mới có tính bền vững và hiệu quả.