Đường bê tông ở thôn Tiền Phong, xã Phú Lâm (Yên Sơn) rộng 5m, tạo thuận lợi cho bà con phát triển kinh tế. |
Đảm bảo dân chủ trong xây dựng NTM, các địa phương trên địa bàn huyện đã tích cực tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về xây dựng NTM; thành lập ban chỉ đạo, ban quản lý xây dựng NTM; xây dựng kế hoạch, lập đề án xây dựng NTM và rà soát các tiêu chí; quy hoạch tổng thể, chi tiết đầu tư xây dựng các hạng mục công trình; dự toán nguồn kinh phí đầu tư xây dựng NTM… Đồng thời, tổ chức các cuộc họp xã, thôn để nhân dân trực tiếp nghe, bàn bạc và tham gia đóng góp ý kiến, thống nhất các phương án thực hiện. Các cơ chế, chính sách hỗ trợ, định mức huy động nhân dân đóng góp, các nguồn lực do nhân dân hiến tặng… đều được thông báo công khai tạo được sự tin tưởng, phấn khởi trong nhân dân.
Năm 2011, xã Mỹ Bằng được chọn làm xã điểm xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Thời điểm đó, toàn xã mới chỉ đạt 4 tiêu chí nông thôn mới. Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, qua gần 4 năm thực hiện đã có 25/25 thôn của xã đều có nhà văn hóa khang trang, sạch đẹp, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cộng đồng. Xã hoàn thành xây dựng 127 km đường bê tông nông thôn, kiên cố hóa được 28 km kênh mương, đảm bảo nguồn nước tưới cho 80% diện tích ruộng gieo cấy 2 vụ, nâng hệ số sử dụng đất lên 2,6 lần... Với sự nỗ lực, quyết tâm của cấp ủy, chính quyền, sự đồng lòng của nhân dân các dân tộc địa phương, xã Mỹ Bằng đã hoàn thành 19/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới trong năm 2014, vượt kế hoạch trước 1 năm.
Ở xã Hoàng Khai, việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở cũng chính là “đòn bẩy” tạo nên thành công trong xây dựng NTM. Theo đồng chí Lưu Văn Khang, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã, xã đã chú trọng thực hiện nguyên tắc công khai và phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Tất cả các phần việc liên quan đến xây dựng NTM đều do người dân tham gia bàn bạc, đóng góp ý kiến, thống nhất. Kinh phí đầu tư xây dựng, các khoản thu, chi đều được quản lý chặt chẽ, thông báo công khai qua hệ thống truyền thanh... Đối với tiêu chí giao thông, sau khi xã phổ biến chủ trương, mức hỗ trợ của cấp trên, hướng dẫn về kỹ thuật, các khu dân cư tự tổ chức họp bàn, căn cứ tình hình thực tế thống nhất phương án giải phóng mặt bằng, đưa ra mức đóng góp phù hợp, trực tiếp xây dựng và giám sát chất lượng công trình. Nhờ phát huy dân chủ, nhân dân đã đồng tình và tích cực tham gia thực hiện các tiêu chí, đưa xã nhà về đích NTM cuối năm 2015 với tổng nguồn vốn huy động trên 60 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp trên 30 tỷ đồng.
Đồng chí Đỗ Xuân Trường, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Sơn cho biết, cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn thực hiện nghiêm túc Quy chế dân chủ, tạo điều kiện để người dân trực tiếp bàn bạc, tham gia quyết định những vấn đề quan trọng liên quan đến đời sống sinh hoạt của nhân dân. Qua đó đã phát huy được tính sáng tạo, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, đặc biệt là sự đồng thuận của người dân trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị ở địa phương; động viên nhân dân tích cực góp công, góp của chung tay xây dựng NTM.
Giai đoạn 2011 - 2015, toàn huyện huy động và thực hiện các nội dung xây dựng NTM với tổng số kinh phí trên gần 740 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Nhà nước hỗ trợ trực tiếp trên 47 tỷ đồng; vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án trên 488 tỷ đồng; vốn vay tín dụng ưu đãi trên 30 tỷ đồng; vốn nhân dân đóng góp gần 77 tỷ đồng... Từ nguồn vốn trên toàn huyện đã bê tông hóa được 775 km đường giao thông nông thôn trải dài từ vùng thấp đến vùng cao, đem lại diện mạo mới cho các thôn bản; xây mới, cải tạo nâng cấp 45 km kênh mương nội đồng, nâng tổng số kênh mương được kiên cố hóa lên 400 km; xây mới 63 phòng, lớp học; 9 trạm biến áp điện; 6 chợ nông thôn cùng hàng trăm công trình nhà văn hóa…
Những công trình, những con đường mới được huy động từ sức dân sẽ là tiền đề quan trọng để Yên Sơn tiếp tục đẩy mạnh chương trình xây dựng NTM trong những năm tới.