Kinh nghiệm phát triển kinh tế hộ gia đình ở Phúc Ninh

Đến xã Phúc Ninh những ngày này, chúng tôi mới thấy được giá trị của “Miền quê đáng sống”. Màu xanh bạt ngàn của những vườn cây ăn quả như bao phủ khắp miền quê, xen vào đó là những ngôi nhà khang trang như những nét chấm son cho bức họa của một cuộc sống ấm no, sung túc đang hiện hữu nơi đây.

Những ngôi nhà khang trang ở xã Phúc Ninh, huyện Yên Sơn

Dẫn chúng tôi đi thăm một số hộ gia đình có vườn cây ăn quả đang thời kỳ cho thu hoạch, anh Chẩu Thanh Bình - cán bộ Sở Ngoại vụ biệt phái về xã Phúc Ninh công tác theo Đề án của Tỉnh ủy Tuyên Quang cho biết: Phúc Ninh là xã thuần nông và thế mạnh của xã cũng là phát triển kinh tế nông nghiệp, cụ thể là trồng cây có múi. Và chính những cây có múi này đã góp phần quan trọng trong việc tạo thu nhập bền vững cho người dân của địa phương gắn với việc hoàn thành xây dựng nông thôn mới năm 2018. Để chúng tôi hiểu rõ hơn và được tận mắt ngắm những vườn bưởi, vườn cam, quýt đang thời kỳ cho thu hoạch, anh Bình đã dẫn đến thăm một số hộ gia đình ở các thôn trên địa bàn xã.

Đến thăm hộ gia đình anh Nguyễn Quang Hiếu ở thôn Yên Sở, khi anh Hiếu đang chăm sóc vườn cây ăn quả của gia đình cách nhà không xa. Anh Hiếu cho biết: Quê anh Hiếu ở huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, là cái nôi nhân giống các loại cây ăn quả. Khi lên mảnh đất này, là người có kinh nghiệm trong nghề cây giống và qua tìm hiểu thổ nhưỡng, anh Hiếu nhận định cây Cam Vinh và cây Quýt Đường là hai giống cây có thể trồng được ở đất này, nếu chăm sóc tốt sẽ cho hiệu quả kinh tế rất cao. Anh cũng được biết trước đây đã có một số hộ dân trong thôn đã trồng những loại cây này, nhưng không hiệu quả đã phải chặt bỏ.

Gia đình anh có 3 ha đất vườn đồi, trong đó có 1 ha ở gần nhà, để thực hiện mục tiêu của gia đình, anh Hiếu tìm hiểu kỹ về chất đất, thành phần đất để có kế hoạch trồng và chăm sóc cho phù hợp. Cuối năm 2013 anh quyết định đưa 300 cây Cam Vinh và 300 cây Quýt Đường về trồng trên phần đất 1 ha vườn nhà. Đất và cây không phụ công người, sau ba năm chăm sóc vun trồng, hai giống cây Cam Vinh và Quýt Đường đã cho thu hoạch. Đến năm 2017, từ 1 ha cây Cam Vinh và Quýt Đường anh Hiếu đã thu về trên 550 triệu đồng.


Anh Nguyễn Quang Hiếu đang chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc cây Quýt Đường

Anh Hiếu cho biết thêm, giá bán năm 2017 tại vườn đối với Cam Vinh là 16 nghìn đồng/kg, tính trung bình mỗi cây Cam cho thu hoạch trên 40 kg. Còn Quýt Đường giá bán là 20 nghìn đồng/kg, trung bình mỗi cây Quýt cho thu hoạch 60 kg, thường từ đầu tháng 11 bắt đầu thu hoạch. Năm nay nhiều quả hơn vì cây đã phát triển, nhiều cây Quýt Đường cho thu hoạch trên một tạ quả. Dự kiến năm nay sẽ cho thu nhập khoảng trên 850 triệu đồng.

Chia sẻ về quy trình trồng, chăm sóc cây Quýt Đường, anh Hiếu cho biết: Sau khi thu hoạch quả việc đầu tiên là làm sạch cây bằng phương pháp cắt tỉa những cành cỗi, cành phát triển không hợp lý để các cành, lá còn lại trên cây đều có thể đón nhận được ánh sáng tự nhiên hằng ngày và sâu bệnh hoặc trứng sâu còn sót lại ở các cành lá này cũng bị loại bỏ. Đồng thời bón phục hồi cây bằng phân chuồng và phân Kali. Đây là lần bón chính của năm nên số lượng tương đối nhiều, trung bình khoảng 50kg phân chuồng/cây. Bón thời điểm này nhằm phục hồi lại cây sau vụ quả, đồng thời tạo nguồn lực để cây phát triển cành lá, phát tán và tích lũy chất dinh dưỡng cho mùa quả năm sau. Cùng với đó lựa chọn thời điểm hợp lý để phun thuốc phòng trừ nấm và nhện đỏ, là hai thứ sâu bệnh thường xuất hiện ở cây ăn quả.


Thân cây Quýt Đường được khoanh vỏ đúng thời điểm 
nhằm thúc đẩy ra hoa và kìm chế phát triển của quả để không bị nứt vỏ

Đến thời kỳ chuẩn bị ra hoa, cần lưu ý quan sát, chăm sóc đến từng cây, vì thời kỳ này liên quan đến sản lượng quả của cây. Qua mầu sắc của lá và tốc độ phát triển của cây sẽ biết được cây có ra nhiều hoa không. Đối với cây có lá xanh thẫm, phát triển nhiều lộc là cây thừa chất dinh dưỡng và sẽ ra rất ít hoa. Để khắc phục tình trạng này phải tiến hành tiện nhẹ lớp vỏ quanh gốc cây nhằm hạn chế việc truyền chất dinh dưỡng từ gốc lên thân lá, khiến cây ức chế và sẽ ra nhiều hoa. Đới với cây có lá mầu vàng, phát triển chậm là cây thiếu chất dinh dưỡng, những cây này đến vụ sẽ vẫn ra nhiều hoa nhưng đến khi tạo quả sẽ không đậu và dụng vì thiếu chất. Để khắc phục phải bón thúc kịp thời với lượng phân hợp lý để cây vừa ra nhiều hoa, đậu quả và phát triển.

Đến thời kỳ quả đang phát triển, đối với cây thừa chất dinh dưỡng, quả sẽ phát triển mạnh và hay bị nứt vỏ. Để khắc phục lại phải tiến hành tiện nhẹ lớp vỏ quanh gốc cây nhằm hạn chế việc truyền chất dinh dưỡng từ gốc lên nuôi quả và hạn chế tưới nước cho cây. Nếu mưa nhiều phải đánh rãnh để thoát nước. Đối với cây thiếu chất dinh dưỡng, quả phát triển chậm, ăn nhạt và sốp, khô đầu tép, cần phải bón Kali và phân chuồng kịp thời, hợp lý.

Đến trước thời kỳ cho thu hoạch khoảng 01 tháng, để quả khi cho thu hoạch có mầu vàng tự nhiên, đẹp mắt và an toàn thực phẩm. Thay bằng việc phun các thuốc bảo quản, thuốc kích thích quả chín, dùng đỗ tương trộn lẫn với Kali, rồi nghiền nhỏ bón cho cây với tỷ lệ 200g đỗ tương + 500g Kali/cây.

Trao đổi về phát triển kinh tế hộ gia đình và trồng cây ăn quả trên địa bàn xã Phúc Ninh, đồng chí Hà Đức Hùng - Bí thư Đảng ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới xã cho biết: Tổng diện tích trồng cây ăn quả trên địa bàn xã Phúc Ninh đến thời điểm hiện tại là 535,34 ha, trong đó diện tích trồng cây có múi là 439 ha (cây bưởi 349 ha, cây cam 63,6 ha, cây quýt 18 ha) còn lại là các cây trồng khác. Thời gian qua nhiều hộ gia đình ở các thôn trên địa bàn xã đã mạnh dạn đầu tư, áp dụng tiến bộ khoa học vào các khâu trồng và chăm sóc cây ăn quả, nhờ đó đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều hộ dân. Có hộ cho thu nhập từ 400 - 500 triệu đồng/năm từ các vườn cây ăn quả.

Phạm Đình Tuyên/VPĐP NTM

Tin cùng chuyên mục