Huy động nguồn vốn tín dụng thực hiện Chương trình “mỗi xã một sản phẩm”: Vấn đề cần quan tâm

Chương trình “mỗi xã một sản phẩm” viết tắt là “OCOP” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để tổ chức thực hiện nhằm đạt được mục tiêu: “Phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh để sản xuất các sản phẩm truyền thống, dịch vụ có lợi thế đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và thực hiện hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao chất lượng Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới”.

Xã Đội Cấn, thành phố Tuyên Quang phát triển gà đặc sản Tân Tạo theo định hướng xây dựng, đăng ký nhãn hiệu sản phẩm

Một trong những nhiệm vụ và giải pháp quan trọng để tổ chức thực hiện thành công Chương trình “mỗi xã một sản phẩm” là giải pháp về huy động nguồn lực, trong đó huy động nguồn lực tín dụng từ các tổ chức tín dụng hỗ trợ cho các tổ chức kinh tế, hộ sản xuất tham gia Chương trình OCOP được xác định là nguồn lực không thể thiếu nhằm đảm bảo đạt được mục tiêu đã đề ra của Chương trình.

Để tăng cường huy động nguồn lực tín dụng thực hiện Chương trình “mỗi xã một sản phẩm”, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã cụ thể hóa nhiệm vụ thực hiện Chương trình về “chỉ đạo, hướng dẫn các ngân hàng thương mại, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất tiếp cận nguồn vốn vay để tổ chức sản xuất” tại Văn bản số 4488/NHNN-TD ngày 15/6/2018, với việc yêu cầu các tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện một số nội dung, nhiệm vụ:

1. Đối với các tổ chức tín dụng:

Tập trung nguồn vốn cho vay đối với lĩnh vực sản xuất, các ngành, lĩnh vực ưu tiên khuyến khích phát triển; đẩy mạnh cho vay doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất phục vụ phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở từng địa phương theo chuỗi giá trị, góp phần hoàn thành các mục tiêu của Chương trình.

Nghiên cứu, phát triển và đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng phù hợp với từng đối tượng khách hàng, đặc biệt là hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa, các đối tượng của Chương trình; đổi mới quy trình cho vay, đơn giản hóa thủ tục vay vốn, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận vốn phục vụ sản xuất kinh doanh những vẫn đảm bảo an toàn vốn vay.

Tích cực triển khai các chương trình dụng đối với ngành, lĩnh vực theo chủ trương của Chính phủ như: Chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; Chương trình cho vay hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với với nông sản, thủy sản; Chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch,… Đồng thời, phối hợp tổ chức thực hiện tốt các chương trình, chính sách hỗ trợ lãi suất tín dụng và các chương trình hỗ trợ khác tại địa phương.

Chủ động tham gia Chương trình Kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp trên địa bàn và làm việc trực tiếp với khách hàng vay vốn để tháo gỡ khó khăn trong quan hệ tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hỗ sản xuất tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng theo đúng quy định của pháp luật.

2. Đối với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố:

Thường xuyên theo dõi, chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn thực hiện có hiệu quả Chương trình Kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp, các chương trình tín dụng đối với ngành, lĩnh vực theo chủ trương của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến các nội dung của Chương trình OCOP, cũng như các cơ chế, chính sách tín dụng ngân hàng đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất; phối hợp với các đơn vị tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trong việc ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ thực hiện Chương trình tại địa phương.

Kịp thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc trong việc tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng trên địa bàn, trong đó có các đối tượng tham gia Chương trình OCOP để có các giải pháp tháo gỡ thiết thực, hiệu quả. Đối với những vấn đề vượt thẩm quyền, báo cáo cấp ủy, chính quyền địa phương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để được xem xét, xử lý theo quy định.


Ảnh minh họa (nguồn: Hoinongdantuyenquang)

Với việc cụ thể hóa nội dung, nhiệm vụ đã được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xác định. Có thể khẳng định “nút thắt” về tiếp cận nguồn vốn tín dụng sẽ được tháo gỡ, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất tiếp cận nguồn vốn vay, góp phần thực hiện thành công Chương trình “mỗi xã một sản phẩm’./.

Trần Gia Lam

Tin cùng chuyên mục