Hồng Thái trên đường về đích nông thôn mới nâng cao

Với nhiều cách làm hay, sáng tạo và đột phá trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, đến nay xã Hồng Thái, huyện Na Hang đã hoàn thành 13/19 tiêu chí, với 65/75 chỉ tiêu nâng cao, còn 6/19 tiêu chí với 10/75 chỉ tiêu cần phải hoàn thành (Quy Hoạch; Giao thông; Giáo dục; Thu Nhập; Y tế và Môi trường).

Du khách thăm quan chụp hình với hoa lê Hồng Thái

Hồng Thái là xã đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới (NTM) từ năm 2019, phát huy  những lợi thế của địa phương, với mục tiêu ngày càng nâng cao chất lượng cuộc sống người dân nông thôn, ngay sau khi có chủ trương xây dựng nông thôn trong giai đoạn mới, Hồng Thái đã đăng ký phấn đấu trở thành xã đạt chuẩn NTM nâng cao và trở thành một trong 09 xã đăng ký về đích NTM nâng cao năm 2023 của tỉnh Tuyên Quang.

Từ Thị trấn Na Hang chỉ mất hơn 1 giờ đồng hồ là tới Hồng Thái. Nằm ở độ cao trên 1.200m so với mực nước biển, ruộng bậc thang Hồng Thái thuộc thôn Khâu Tràng, xã Hồng Thái, cách trung tâm huyện Na Hang 50km, là một trong những xã cao nhất của tỉnh. Ruộng bậc thang Hồng Thái trải rộng hơn 80ha đẹp tựa như thảm lụa vắt ngang lưng đồi. Khi thu về, thảm lúa chín vàng óng trên những ruộng bậc thang lớp lớp sóng lúa tỏa hương làm say đắm lòng người. Nơi đây cũng sở hữu văn hóa đậm đà bản sắc của người Dao, Mông, Tày.

Chính bởi vậy, chính quyền xã đã và đang thực hiện nhiều giải pháp, khai thác có hiệu quả các tiềm năng, đặc biệt lấy du lịch sinh thái thiên nhiên là trung tâm để phát triển các chuỗi sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, trải nghiệm, du lịch sinh thái rừng, du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống văn hóa đậm bản sắc các dân tộc đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn góp phần giảm nghèo, tăng thu nhập đồng thời phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Lễ hội mùa vàng Hồng Thái năm 2023 (từ 13/10 đến hết 15/10), là một trong những sự kiện đặc biệt hằng năm góp phần tạo ra thương hiệu du lịch "Na Hang - Điểm đến du lịch an toàn, hấp dẫn, thân thiện". Tại Lễ hội, nhiều hoạt động đặc sắc sẽ diễn ra như: Trình diễn dù lượn bay trên biển mây xã Hồng Thái; thi thu hoạch lúa; thi các môn thể thao phối hợp với nội dung chạy bộ leo đồi núi, vượt chướng ngại vật, đi cà kheo về đích; giao hữu bóng chuyền hơi…Ngoài ra, Lễ hội mùa vàng Hồng Thái năm nay còn tổ chức trưng bày, giới thiệu, bán các sản phẩm OCOP của huyện Na Hang; không gian thưởng trà; trưng bày sản phẩm, hàng nông sản đặc trưng, quà lưu niệm du lịch của huyện Na Hang. Bên cạnh đó, khi tới Lễ hội, du khách còn có cơ hội trải nghiệm dịch vụ glamping đồi Đòn, săn mây, đi bộ, check-in, ẩm thực, ngắm hoàng hôn, trải nghiệm mùa vàng Hồng Thái; trải nghiệm ẩm thực tại các nhà hàng, homestay ở thôn Khâu Tràng…

Ngoài Lễ hội mùa vàng năm 2023, huyện Na Hang đã tổ chức khai mạc Lễ hội Hương sắc Na Hang và công bố Kỷ lục Việt Nam Tuyến đường hoa Lê dài nhất Việt Nam đối với tuyến đường hoa lê dài trên 6 km tại xã Hồng Thái. Đây chính là nét riêng, độc đáo, ấn tượng riêng có của Hồng Thái trong việc khai thác tiềm năng, khí hậu, thổ nhưỡng để phát triển du lịch địa phương.    

Ông Đặng Xuân Cường ở thôn Khâu Tràng, xã Hồng Thái, cho biết với hơn 25ha, ông tập trung trồng cây ăn trái, nhiều nhất là cây lê. Chỉ sau một thời gian chăm sóc, những vườn lê này đã mang đến thành quả ngọt ngào với thu nhập hơn 100 triệu đồng mỗi năm. Từ những kết quả của mô hình của ông Cường, đến nay bà con thôn Khâu Tràng đã tăng diện tích trồng lê mang lại lợi ích kép, vừa để thu hút khách du lịch đến check in, chụp ảnh lưu niệm khi mùa hoa lê trổ bông, qua đó tạo nên điểm check in du lịch với thương hiệu “mùa hoa lê Hồng Thái”.

Để du lịch phát triển, những năm qua Hồng Thái còn quan tâm, khuyến khích đồng bào Dao giữ gìn nét văn hóa độc đáo. Xã thành lập 01 CLB hát Páo dung để biểu diễn phục vụ khách du lịch…Để phát triển kinh tế nâng cao thu nhập cho người dân, Hồng Thái tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa vào trồng một số giống cây trồng mới, cây đặc sản, ưa khí hậu lạnh như cây lê, mận, dâu tây, bí đao… Nhờ vậy, đến nay, xã đã phát triển vùng nông sản sạch, với gần 100 ha chè đặc sản, hơn 90 ha lê, hàng chục ha rau sạch các loại... Cùng với đó, xã thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp Tân Hợp và Hợp tác xã Sơn Trà chuyên sản xuất rau an toàn, thu mua, chế biến chè và dịch vụ trồng trọt. Qua đó, đầu ra nông sản cho bà con đã được giải quyết, giúp người dân nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. Ngoài ra Hồng Thái còn định hướng cho người dân, đặc biệt là những hộ gia đình có khả năng làm du lịch cộng đồng tiếp cận với nguồn vốn của ngân hàng để xây dựng, chỉnh trang khuôn viên nhà ở và khôi phục những giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn. Hiện xã có 5 hộ làm homestay, đủ tiêu chuẩn đón khách với năng lực phục vụ 300 khách/ngày đêm. Trong 9 tháng đầu năm 2023, xã Hồng Thái thu hút được trên 9.000 lượt khách đến tham quan trải nghiệm, tổng doanh thu xã hội từ du lịch hơn 3,1 tỷ đồng.

Hiện Hồng Thái có 2 hợp tác xã đang hoạt động, trong đó Hợp tác xã Nông nghiệp Tân Hợp chuyên sản xuất rau an toàn hiện đang triển khai dự án “Hỗ trợ phát triển cây lê theo hướng sản xuất hàng hóa”. Hợp tác xã Sơn Trà chuyên trồng, thu mua, chế biến chè và dịch vụ trồng trọt. Hiện nay đơn vị này đang chủ trì thực hiện dự án “Hỗ trợ phát triển sản xuất theo hướng nông nghiệp sạch liên kết theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm đối với chè Shan Tuyết”…. Hồng Thái cũng là địa phương dẫn đầu huyện Na Hang về làm OCOP với 03 sản phẩm OCOP được xếp hạng đạt chuẩn 3 sao gồm: bí xanh Hồng Thái, lê Hồng Thái, 01 sản phẩm đạt 4 sao chè Shan Tuyết Hồng Thái. Đặc biệt sản phẩm chè Shan tuyết của Hợp tác xã Sơn Trà đang được tỉnh Tuyên Quang lựa chọn là sản phẩm phấn đấu đạt 5 sao trong năm 2023. Sản phẩm nông nghiệp đạt sao OCOP cũng đang góp phần trở thành sản phẩm du lịch quà tặng cho du khách khi ghé tham quan Hồng Thái.

Thời gian tới, Hồng Thái tiếp tục tuyên truyền, vận động để người dân hiểu rõ vai trò, lợi ích trong xây dựng nông thôn mới, đồng thời vận dụng, lồng ghép sử dụng hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ để hoàn thiện các tiêu chí nông thôn mới nâng cao. Phấn đấu hết năm 2023, thu nhập bình quân đạt trên 51 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ nghèo đa chiều giảm còn 7% và sẽ “về đích” nông thôn mới nâng cao vào cuối năm 2023 theo đúng kế hoạch đề ra./.

Lê Thiệu Tân/Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh

Tin cùng chuyên mục