Chiêm Hoá đổi thay từ xây dựng nông thôn mới

Trong những năm qua, với những chủ trương, định hướng đúng đắn cộng với tinh thần đoàn kết, quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Chiêm Hoá trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, chính vì vậy mà diện mạo nông thôn trên địa bàn đã có nhiều đổi mới, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện đáng kể.

Một tuyến đường hoa xã Phú Bình.

Phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có của vùng đất nông nghiệp, thời gian qua, huyện Chiêm Hoá chú trọng nhiều hơn đến phát triển sản xuất nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Trên cơ sở quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội, huyện Chiêm Hoá đã quy hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn, từng bước hình thành những vùng sản xuất tập trung có hiệu quả. Đồng thời xây dựng mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao: Mô hình trồng dưa chuột bi trong nhà lưới tại xã Kim Bình diện tích 0,27 ha.; mô hình liên kết chăn nuôi trâu, bò vỗ béo và sinh sản quy mô 566 con  tại các HTX, tổ hợp tác; mô hình liên kết chăn nuôi gà ri của Hợp tác xã NLN và Dịch vụ Thành Đạt Kim Bình nuôi 80.000 con, xuất bán trên 60.000 con, sản lượng trên 160 tấn, doanh thu đạt trên 12,8 tỷ đồng. Ngoài ra còn liên kết trồng và tiêu thụ ớt, ngô sinh khối, lạc, chanh leo. Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chiêm Hóa, hiện nay, trên địa bàn huyện đang triển khai 11 dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị đều hình thành dựa trên cơ sở cánh đồng mẫu lớn, tích tụ, tập trung đất đai, ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ như mô hình liên kết trồng dưa chuột Nhật, liên kết với HTX Nông nghiệp xanh Kim Bôi (Hòa Bình) trồng với diện tích 16,5 ha, tập trung ở các xã Tân Thịnh, Tân An, Hòa An, Nhân Lý, Linh Phú, Kim Bình. Hay như mô hình liên kết sản xuất ngô sinh khối của HTX Nông nghiệp và dịch vụ Minh Hoàng, xã Phúc Thịnh (Chiêm Hóa) thực hiện trên diện tích 257,4 ha,  sản lượng đạt trên 2.600 tấn, giá trị sản xuất đạt trên 2,1 tỷ đồng… Thông qua các chuỗi liên kết không chỉ nâng cao giá trị sản xuất cho người dân mà còn từng bước hình thành tư duy sản xuất hiện đại, gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm, cho người dân.

Mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng công nghệ cao của Hợp tác xã nông lâm nghiệp Kim Bình, huyện Chiêm Hóa. (ảnh nguồn Internet)

Đặc biệt, những năm qua, cùng với việc tập trung phát triển sản xuất, giảm nghèo thì việc đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu cũng được Đảng bộ, chính quyền huyện Chiêm Hoá tập trung thực hiện bằng nhiều giải pháp. Trong đó, huyện đã chú trọng đầu tư cho phát triển hạ tầng giao thông nông thôn, nhằm thúc đẩy kinh tế, xã hội ở địa phương ngày càng đi lên. Cụ thể như trong việc huy động nguồn lực đầu tư để thực hiện các công trình thì ngoài nguồn lực đầu tư của Nhà nước, huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cán bộ, đảng viên nêu gương sáng, từ đó tạo được sự đồng thuận trong nhân dân và tự nguyện tham gia xây dựng nông thôn mới. Theo đó, huyện đã chủ trương và xúc tiến thực hiện từ nhiều phía, nhiều nơi để góp phần mở rộng nguồn lực xây dựng nông thôn mới, trong đó tập trung vận động các tập thể, cá nhân là doanh nghiệp, nhà hảo tâm, bạn bè, con em của quê hương…, bên cạnh đó, nhân dân còn tự nguyện đóng góp ngày công lao động và tham gia giám sát công trình để các công trình sớm hoàn thành và đảm bảo chất lượng... Qua đó giúp các địa phương từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng, tạo động lực thúc đẩy kinh tế phát triển, phục vụ đời sống sinh hoạt của người dân. Năm 2023 Chiêm Hoá .....

Ông Sằm Văn Giang - người dân thôn Nhân Thọ 2, xã Yên Nguyên phấn khởi trước sự đổi thay của quê hương: "Tôi thấy đường sá giờ thông thoáng, đi lại thuận tiện hơn trước rất nhiều. Có được điều đó là nhờ vào chương trình xây dựng nông thôn mới với nhiều công trình được thực hiện với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm" rất hiệu quả.

Không chỉ đầu tư cho hạ tầng Huyện Chiêm Hóa còn huy động mọi nguồn lực, chung tay giúp đỡ, xây dựng, sửa chữa nhà ở cho các hộ nghèo, tạo điều kiện các hộ này an cư lạc nghiệp, vươn lên ổn định cuộc sống.
Qua rà soát, thẩm định, năm 2023, toàn huyện Chiêm Hóa có 130 hộ được phê duyệt và hỗ trợ gần 6,5 tỷ đồng để làm nhà.
Bà Hoàng Thị Chí xã Bình Nhân, huyện Chiêm Hoá, một trong những hộ nghèo được hỗ trợ làm nhà. Bà Chí cho biết, cuộc sống gia đình bà  rất khó khăn, sống trong căn nhà dột nát, xiêu vẹo, quanh năm lo nhà sập, nhất là mỗi mùa mưa bão. Giờ khác rồi, được nhà nước hỗ trợ 50 triệu đồng cùng sự giúp đỡ của bà con dân bản đã giúp gia đình bà dựng được ngôi nhà vững chãi và yên tâm tăng gia sản xuất.

Nhờ những nỗ lực như vậy đến cuối năm 2022, huyện Chiêm Hoá đã có 12 xã hoàn thành đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 52,17%; có 26 sản phẩm được gắn sao OCOP, trong đó có 7 sản phẩm đạt 4 sao; có 38/74 trường học đạt chuẩn Quốc gia, đạt tỷ lệ 51,3%. Năm 2023 đang phấn đấu có thêm 01 xã về đích nông thôn mới là xã Ngọc Hội và 01 xã về đích nông thôn mới nâng cao là  xã Yên Nguyên. 

Trên quê hương Chiêm Hoá hôm nay, sự đổi thay đang ngày càng hiện hữu và khởi sắc; bức tranh kinh tế - xã hội sáng lên với nhiều gam màu. Với quan điểm: “Xây dựng nông thôn mới là quá trình liên tục, lâu dài, có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc”, từ sức mạnh của tinh thần đoàn kết, của ý chí, sự nỗ lực của cấp uỷ, chính quyền và nhân dân địa phương, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, nâng cao thu nhập cho người dân; xây dựng môi trường cảnh quan nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn, nông thôn văn minh giàu bản sắc văn hóa truyền thống để người dân thực sự được hưởng thành quả từ xây dựng nông thôn mới./.

Trần Hồng Khuyên/Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh

Tin cùng chuyên mục