Ngành nông nghiệp tỉnh góp phần quan trọng trong xây dựng nông thôn mới

Bên cạnh vai trò là cơ quan được giao thường trực Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới của tỉnh, trong thời gian qua ngành nông nghiệp đã luôn chủ động, tích cực trong tham gia triển khai thực hiện Chương trình song hành cùng với việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn của ngành. Để có cơ sở triển khai thực hiện, ngay từ đầu giai đoạn Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành hướng dẫn thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu thuộc Bộ tiêu chí về xã nông thôn mới, xã nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu, thôn nông thôn mới, thôn nông thôn mới kiểu mẫu, vườn mẫu nông thôn mới, huyện nông thôn mới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025 thuộc phạm vi quản lý của Sở.

Năm 2023, sau khi tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, kế hoạch thực hiện các xã mục tiêu của năm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo các phòng, đơn vị chuyên môn trực thuộc chủ động triển khai chương trình đối với những lĩnh vực thuộc ngành; đồng thời luôn đồng hành với các địa phương trong quá trình triển khai để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.

Xác định hiệu quả về chuyên môn của ngành có ảnh hưởng mang tính quyết định trong việc ổn định lương thực, tăng thu nhập, giải quyết việc làm góp phần hoàn thành các tiêu chí, chỉ tiêu nông thôn mới như: Thu nhập, Nghèo đa chiều, Tổ chức sản xuất, ... Ngay từ đầu năm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp để đẩy mạnh sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản nhằm đảm bảo an ninh lương thực trong tỉnh, xây dựng hệ thống các kênh thông tin để nắm chắc, kịp thời tình hình sản xuất và tiêu thụ nông sản; thực hiện các biện pháp kiểm soát dịch bệnh cây trồng, vật nuôi; đẩy mạnh sản xuất và đầu tư thâm canh gỗ rừng trồng, chè, mía... để chủ động nguyên liệu cho công nghiệp chế biến của tỉnh. Tập trung đẩy mạnh sản xuất các mặt hàng nông sản có hợp đồng liên kết, sản phẩm có thị trường tiêu thụ thuận lợi. Dự ước kết quả thực hiện năm 2023 giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản (theo giá so sánh năm 2010) của tỉnh ước đạt 10.819,2 tỷ đồng, đạt 100,2% KH, tăng 4,8% so năm 2022.

Các đơn vị chuyên môn của sở tích cực phối hợp với cơ sở tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, chuyển đổi cơ cấu giống, tổ chức sản xuất theo khung thời vụ tốt nhất. Hướng dẫn chuyển đổi mạnh cơ cấu giống, đưa các giống lúa tiến bộ kỹ thuật vào gieo cấy, tiếp tục lựa chọn các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương để tổ chức sản xuất hàng hoá (bưởi, chuối, nhãn, hồng, na...) và rau đậu các loại. Duy trì và mở rộng diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn (tổng diện tích sản xuất theo các tiêu chuẩn trên 3.400 ha); cấp 11 mã số vùng trồng, 02 mã số cơ sở đóng gói cho các sản phẩm nông sản phục vụ nội tiêu và xuất khẩu. Tiếp tục đẩy mạnh phát triển chăn nuôi trang trại, gia trại theo hướng liên kết, vận động và hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, thực hành chăn nuôi tốt (VietGAHP), duy trì, phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, chăn nuôi tập trung. Duy trì, phát triển nuôi cá đặc sản bằng lồng trên sông, hồ thủy điện. Tăng cường công tác chỉ đạo, phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, thuỷ sản. Tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật thâm canh cho người trồng rừng; chú trọng sản xuất lấy ngắn nuôi dài để tăng thu nhập cho người dân.

Hệ thống khuyến nông từ tỉnh đến cơ sở và các cán bộ chuyên môn của ngành nông nghiệp đã có nhiều cố gắng và tích cực tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật, thực hiện các mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất.

Tích cực triển khai hiệu quả các mô hình về chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nhiều mô hình đã mang lại hiệu quả cao, giải quyết lượng lớn lao động cho các vùng nông thôn của tỉnh, như: Chuỗi dưa chuột, chuỗi ngô sinh khối,chuỗi ngô ngọt, chuỗi ớt, ... Phát huy các sản phẩm đặc trưng, riêng có của địa phương thông qua Chương trình OCOP. Đến nay, toàn tỉnh có 191 sản phẩm OCOP được đánh giá phân hạng từ 3 sao trở lên. Dự kiến hết năm 2023, đưa vào đánh giá, phân loại thêm 95 sản phẩm OCOP lần đầu; 50 sản phẩm đánh giá lại và 11 sản phẩm nâng hạng. Các sản phẩm được công nhận, xếp hạng OCOP sẽ được tỉnh ưu tiên lựa chọn, giới thiệu trong các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, hỗ trợ đưa lên các sàn giao dịch điện tử.

Tập trung củng cố, phát triển HTX nông nghiệp, trang trại trong việc cơ cấu lại sản xuất, liên kết sản xuất, bao tiêu nông sản, giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho nông dân trong thực hiện xây dựng nông thôn mới. Hiện nay toàn tỉnh có 426 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản;  335 trang trại nông nghiệp.

Để góp phần hoàn thành tiêu chí Thuỷ lợi và phòng chống thiên tai, chỉ tiêu về nước sạch trong xây dựng nông thôn mới, ngành đã thực hiện quản lý, khai thác hiệu quả các công trình thủy lợi đảm bảo tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp; kiểm tra, tham mưu các biện pháp khắc phục các công trình thủy lợi, hồ đập, hệ thống đê, cống dưới để đảm bảo an toàn; tổ chức quản lý, khai thác hiệu quả các công trình cấp nước sinh hoạt được giao quản lý. Dự ước tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh năm 2023 là 96,5%.

Chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm dưa chuột (tại huyện Sơn Dương, Hàm Yên, Chiêm Hoá, Yên Sơn) với quy mô khoảng 394 ha

Bên cạnh đó, thời gian qua sản xuất nông nghiệp của tỉnh còn nhiều khó khăn, hạn chế: Việc ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất; triển khai thực hiện các mô hình, dự án liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế; một só chính sách của tỉnh đã ban hành nhưng chậm đi vào cuộc sống; tiến độ thực hiện Chương trình nông thôn mới còn chậm, việc duy trì một số tiêu chí ở các xã đã đạt chuẩn còn khó khăn, ...

Mặc dù phải đối mặt với những khó khăn về thời tiết, giá cả vật tư nông nghiệp vẫn ở mức cao; sản xuất nông nghiệp của tỉnh trong năm qua tiếp tục được duy trì theo đúng khung thời vụ, đảm bảo lương thực và thực phẩm trong tỉnh; công tác phòng chống, giám sát dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm được triển khai quyết liệt, đồng bộ, kịp thời. Từ những kết quả thực hiện, ngành nông nghiệp đã và đang ngày càng khẳng định được vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế, góp phần nâng cao đời sống nhân dân, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, từng bước thực hiện hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh./.

La Thị Duyên/Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh

Tin cùng chuyên mục