Giảm nghèo bền vững trong xây dựng nông thôn mới

Thông qua việc triển khai các chính sách và thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), tỉnh Tuyên Quang đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp tích cực, quyết liệt giảm tỷ lệ hộ nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân và đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, những năm qua, cùng với nguồn lực hỗ trợ của Trung ương, các doanh nghiệp..., cấp ủy, chính quyền tại các huyện trong tỉnh Tuyên Quang đã xác định thực hiện công tác xóa đói, giảm nghèo là một nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt. Đồng thời, nhất quán trong điều hành và thực hiện có hiệu quả các chính sách, Tuyên Quang đã xây dựng, triển khai các nhiệm vụ xóa đói, giảm nghèo theo hướng bền vững, luôn quan tâm hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, nâng cao nguồn thu nhập, phát triển kinh tế gia đình.

Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội hằng năm, tỉnh đã triển khai đồng bộ các chính sách, dự án giảm nghèo như: Chính sách hỗ trợ sản xuất, dạy nghề tạo việc làm; chính sách hỗ trợ về giáo dục, đào tạo; chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo vùng khó khăn theo Quyết định số 102/2009/QĐ-TTg ngày 07/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ, Chương trình 30a, Chương trình 135... Từ đó giúp người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số nâng cao

Với mục tiêu xóa bỏ tình trạng nghèo, Đề án giảm nghèo, gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025 đã đã được các cơ quan, sở ban ngành có liên quan triển khai thực hiện. Tập trung triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm nghèo, ưu tiên hỗ trợ giảm nghèo đối với các hộ nghèo chính sách người có công, các huyện nghèo, các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, gắn với thực hiện Chương trình nông thôn mới, trong đó chú trọng đẩy mạnh triển khai cung cấp tín dụng ưu đãi cho các hộ nghèo, cận nghèo, thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cho người dân; huy động các nguồn lực trong cộng đồng xã hội để hỗ trợ giảm nghèo, hỗ trợ hộ nghèo có khó khăn về nhà ở; các chế độ, chính sách đối với người nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, người dân tộc thiểu số được thực hiện kịp thời, đầy đủ, đúng quy định tạo điều kiện cho người nghèo tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ xã hội cơ bản. Với các giải pháp đồng bộ, dự kiến tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2022-2025 trên địa bàn toàn tỉnh giảm trên 3,8% năm 2023, vượt kế hoạch đề ra; kịp thời các chính sách trợ giúp xã hội. Duy trì trợ cấp hàng tháng cho trên 38.000 đối tượng bảo trợ xã hội. Thực hiện tốt việc quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng bảo trợ xã hội tại Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh. Năm 2023 đã hỗ trợ 10.864 hộ với 33.809 nhân khẩu, tổng số gạo hỗ trợ là 507.135 kg; tiếp nhận 6.884 hồ sơ đề nghị hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp, trình cấp có thẩm quyền quyết định giải quyết chính sách trợ cấp thất nghiệp cho 6.698 người, kinh phí hỗ trợ trên 95 tỷ đồng; hỗ trợ học nghề cho 02 người, kinh phí 9 triệu đồng.

Xóa nhà tạm, nhà dột nát

Nhằm mục tiêu giảm nghèo, xóa nhà tạm, nhà dột nát, trong những năm qua huyện Yên Sơn đã phát động ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” các cấp, vận động xã hội hóa các nguồn lực để hỗ trợ hộ nghèo sửa chữa và làm mới nhà ở. Đẩy mạnh các hoạt động “3 cùng” với nhân dân, tuyên truyền tới cán bộ, đảng viên và cộng đồng dân cư tham gia hỗ trợ nguyên vật liệu, ủng hộ ngày công lao động để giúp đỡ hộ nghèo dỡ nhà, đào móng nhà xây dựng nhà ở. Nhờ đó, Sau 2 năm triển khai thực hiện đề án, đến nay huyện Yên Sơn đã hỗ trợ cho 577/764 hộ nghèo có nhà ở tạm, dột nát; đặc biệt là hộ có thành viên là người có công với cách mạng; hộ nghèo tại các xã thực hiện xây dựng nông thôn mới; hộ di dân tái định cư; hộ nghèo là dân tộc Mông xã Hùng Lợi, Trung Minh, sửa chữa và làm mới nhà ở. Tổng kinh phí hỗ trợ trên 70 tỷ đồng. Tính riêng từ đầu năm đến nay, tổng số nhà đã làm là 219 nhà/223 nhà. Trong đó, làm mới 192/200 nhà, đạt 96% chỉ tiêu, sửa chữa 27/23 nhà đạt 117%.  Bao gồm 76 hộ nghèo tại xã về đích nông thôn mới; 181 hộ là dân tộc thiểu số; 04 hộ người Mông từ bỏ tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình; 28 hộ di dân tái định cư.

Thực hiện các giải pháp đồng bộ

Tỉnh Tuyên Quang đang tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp đồng bộ. Trong đó tiếp tục ưu tiên nguồn vốn vay ưu đãi đối với hộ nghèo, cận nghèo; tăng cường tập huấn, hướng dẫn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, nâng cao kỹ năng tay nghề cho người lao động; chú trọng tuyên truyền, nâng cao ý chí tự lực vươn lên thoát nghèo; nâng cao chất lượng tư vấn, giới thiệu việc làm, tổ chức các phiên giao dịch việc làm, tạo điều kiện cho lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. … Từ đó góp phần tạo việc làm ổn định, nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn.

Hợp tác xã sản xuất kinh doanh cá xã Thái Hòa, huyện Hàm Yên đầu tư phát triển nuôi cá đặc sản theo hướng hàng hóa (Ảnh nguồn internet)

Từ các chính sách của Nhà nước, nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo trong công tác giảm nghèo tại cơ sở đã được thực hiện và đem lại hiệu quả cao. Điển hình như tại huyện Lâm Bình, Hội Nông dân xã Phúc Sơn với hơn 1.200 hội viên, tham gia sinh hoạt tại 16 chi hội thôn bản. Để tạo đà cho hội viên nông dân phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, Hội đã tín chấp với Ngân hàng chính sách xã hội cho 279 hộ vay trên 13 tỷ đồng; 138 thành viên vay 10,3 tỷ đồng từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; có 25 hộ thực hiện dự án chăn nuôi trâu vay tổng số tiền 600 triệu đồng từ quỹ Hỗ trợ nông dân cấp tỉnh. Ngoài ra, Hội còn quan tâm ứng dụng các nền tảng số để thúc đẩy nông dân kinh doanh sản xuất, chăn nuôi và phối hợp hướng dẫn, hỗ trợ nông dân xây dựng, phát triển các mô hình kinh tế có hiệu quả.

Xác định giảm nghèo bền vững vừa là mục tiêu, vừa là giải pháp để xây dựng NTM, tỉnh Tuyên Quang tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân chủ động và tích cực lao động sản xuất, phát triển kinh tế, nỗ lực giảm nghèo. Đồng thời, lồng ghép các nguồn vốn từ các đề án, chính sách về phát triển kinh tế - xã hội, đào tạo nghề... để nâng cao các tiêu chí NTM làm cơ sở cho việc giảm nghèo. Cùng với đó, tăng cường huy động các nguồn lực để hỗ trợ các hộ nghèo, đặc biệt là hộ nghèo thuộc diện bảo trợ xã hội, hộ nghèo là phụ nữ đơn thân để giúp họ vươn lên trong cuộc sống.

Lê Thành Trung/Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh

Tin cùng chuyên mục