Ngành ngân hàng đồng hành cùng xây dựng nông thôn mới nâng cao tại xã Kim Phú, thành phố Tuyên Quang

Theo kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng mới của tỉnh, xã Kim Phú (thành phố Tuyên Quang) là xã mục tiêu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023. Qua rà soát, đến nay xã Kim Phú đã đạt 14/19 tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao; và một trong những tiêu chí khó thực hiện nhất đó là tiêu chí Tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn. Để tập trung nguồn lực thực hiện hoàn thành các tiêu chí, bên cạnh sự hỗ trợ từ các nguồn hỗ trợ của nhà nước và nguồn lực tự có của người dân thì nguồn lực chủ yếu nhất là từ hệ thống các ngân hàng.

Hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đã xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng phải ưu tiên hàng đầu. Hiện nay, trên địa bàn xã Kim Phú có 09 ngân hàng tham gia đầu tư tín dụng và cung cấp dịch vụ ngân hàng, gồm: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng TMCP Công Thương, Ngân hàng TMCP Ngoại Thương, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển, Ngân hàng TMCP Bưu điện - Liên Việt, Ngân hàng TMCP Quân đội, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội, Ngân hàng TMCP Phát triển thành phố Hồ Chí Minh, Ngân hàng Chính sách xã hội. Các ngân hàng đã chủ động, tích cực phối hợp với cấp ủy, chính quyền xã, các tổ chức chính trị - xã hội, các thôn xóm để thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền và triển khai các chính sách tín dụng đến các tổ chức, cá nhân trên địa bàn xã; đồng thời, nắm bắt kịp thời nhiệm vụ, tình hình phát triển kinh tế-xã hội và xây dựng nông thôn mới để luôn đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu vốn tín dụng cho các tổ chức, cá nhân trong quá trình thực hiện. Tuyên truyền đầy đủ, kịp thời các cơ chế, chính sách của nhà nước về tiền tệ và hoạt động ngân hàng nhất là những ưu đãi, hỗ trợ của nhà nước đối với khách hàng. Niêm yết công khai các quy định đến quyền lợi, nghĩa vụ của khách hàng và các quy định về thủ tục vay vốn, thành toán. Bên cạnh đó, tiếp tục cải tiến, đổi mới quy trình cho vay, đơn giản hóa hồ sơ, thủ tục vay vốn, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quy trình xử lý khoản vay nhằm rút ngắn thời gian giải quyết cho vay và tiết kiệm thời gian, chi phí cho khách hàng. Các ngân hàng trên địa bàn đã luôn chấp hành nghiêm túc các quy định về lãi suất huy động và lãi suất cho vay, đặc biệt là lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ. Ngân hàng Chính sách xã hội đã luôn kịp thời và ưu tiên phân bổ nguồn vốn tín dụng cho xã Kim Phú đồng thời củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ tiết kiệm và vay vốn, tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận nguồn vốn theo quy định. Thường xuyên tổ chức các hội nghị tập huấn nghiệp vụ, quy trình vay vốn cho các tổ, Ban chỉ đạo xã, các tổ chức chính trị-xã hội và kịp thời giải đáp những khó khăn, vướng mắc phát sinh.

Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Hội Nông dân tỉnh tổ chức tuyên truyền về tín dụng nông nghiệp cho hội viện hội nông dân tại xã Kim Phú

Kết quả, đến hết tháng 10/2023 dư nợ của xã Kim Phú đạt trên 348 tỷ đồng, trong đó tín dụng thương mại đạt 317,7 tỷ đồng và tín dụng chính sách đạt 30,3 tỷ đồng. Các ngân hàng đã lắp đặt 02 máy chấp nhận thanh toán thẻ và 964 điểm chấp nhận thanh toán QR-code, cung cấp dịch vụ tài khoản thanh toán cho gần 9.000 khách hàng. Trên địa bàn xã hiện có có 33 tổ tiết kiệm và vay vốn, 18 tổ liên kết vay vốn hoạt động tích cực, hiệu quả, ổn định được người dân tin tưởng và chính quyền địa phương, ngân hàng đánh giá cao. Thông qua việc dành phần lớn nguồn vốn đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới trong những năm qua đã góp phần quan trọng vào thực hiện hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao của xã Kim Phú, trong đó có việc hoàn thành tiêu chí Thu nhập – một trong những tiêu chí rất khó khăn trong thực hiện với điều kiện xuất phát điểm của địa phương; qua đó không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.

Thực tế cho thấy, đầu tư vốn tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đối với xã Kim Phú nói riêng và vùng nông thôn nói chung luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro do thiên tai, dịch bệnh; công tác quy hoạch, kế hoạch và dự báo cung cầu đối với sản phẩm nông nghiệp trên thị trường còn nhiều hạn chế; việc thẩm định giá trị tài sản đảm bảo, khả năng tiếp cận vốn tín dụng thương mại còn nhiều khó khăn; …

Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn đầu tư tín dụng cho phát triển nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới góp phần xây dựng xã Kim Phú hoàn thành nông thôn mới nâng cao trong thời gian tới; ngành Ngân hàng của tỉnh xác định tập trung các giải pháp: Chú trọng công tác huy động vốn, đảm bảo đáp ứng kịp thời, đầy đủ nhu cầu tín dụng của người dân; phát triển đa dạng các sản phẩm tín dụng nhằm phù hợp với từng loại hình sản xuất kinh doanh, từng đối tượng khách hàng; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về hoạt động tiền tệ, tín dụng ngân hàng đến mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là người nghèo, đối tượng chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số; tăng cường công tác phối hợp giữa ngân hàng với chính quyền địa phương…

La Thị Duyên/Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh

Tin cùng chuyên mục