Nhịp sống mới bên cầu Soi Sính

Cầu Soi Sính xã Tân Long (Yên Sơn) được Tổng Cục đường bộ Việt Nam xây dựng và đưa vào sử dụng năm 2019 đã mở ra một chương mới cho người dân nơi đây. Một vùng quê nghèo nhiều tiềm năng đã bật dậy sau một giấc “ngủ đông” dài. Nhịp sống mới bên cầu Soi Sính minh chứng cho chủ trương “giao thông đi tới đâu, xã hội phát triển tới đó”.

Cây cầu mang tên địa danh lịch sử

Trong khu vực này, mọi nguồn nước từ trên những đỉnh núi cao đều đổ ra suối Sính chảy qua địa bàn xã Tân Long rồi hòa ra sông Lô. Vào mùa mưa con suối trở nên hung dữ lạ thường. Khi nước dâng cao, xã Tân Long có nhiều thôn bị chia cắt bởi suối sâu, nước lớn. Nhưng học sinh không thể không đi học được. Năm 1968, xã Tân Long đã huy động tổng lực sức dân để xây dựng cây cầu treo bằng gỗ. Cầu được đặt tên cầu Soi Sính gắn với địa danh thôn Sính và Soi Sính lịch sử. 


Cầu Soi Sính hoàn thành đưa vào sử dụng giúp người dân đi lại thuận lợi và giao thương hàng hóa.

Ông Trịnh Văn Biển, Chủ tịch UBND xã Tân Long chỉ tay về phía sông Lô, nơi có một dải đất nhô lên khỏi mặt nước cho biết, đây chính là Soi Sính. Soi Sính có diện tích hơn 40 ha, trong đó diện tích canh tác được 18 ha. Trước năm 2002 khi chưa có công trình thủy điện Tuyên Quang, nước lũ hay tràn về, càn quét qua Soi Sính. Ngày nay, mực nước sông Lô đã được trị thủy. Người dân canh tác trên Soi Sính mới ổn định.

Theo các cụ cao niên trong thôn kể lại, Soi Sính trước kia hoang vu, rậm rạp lắm. Nó như một hòn đảo hoang. Thời kỳ chống thực dân Pháp xâm lược, nhiều cán bộ cách mạng của Tuyên Quang chọn Soi Sính là nơi hoạt động cách mạng trong sự đùm bọc che chở của nhân dân. Năm 2006, Soi Sính được công nhận là di tích cấp tỉnh, cần được bảo vệ. Người  dân ở đây chủ yếu là người Kinh dưới xuôi lên đi xây dựng vùng kinh tế mới. Đất soi bãi vùng ven sông tốt, nhưng bà con vẫn còn nghèo vì địa hình chia cắt, giao thông đi lại khó khăn.

Cầu Soi Sính chắn thủ con đường độc đạo vào khu dân cư liên xã, huyện có ý nghĩa quan trọng hơn bao giờ hết. Trải qua thăng trầm của lịch sử, cầu Soi Sính đã nhiều lần được tu sửa, nhưng chỉ dành cho người đi bộ, xe đạp, xe máy. Năm 2013 một ô tô bán tải chở gỗ thớt lậu, ban đêm chạy tắt qua cầu Soi Sính để tránh lực lượng kiểm lâm đã làm đứt cầu. Giao thông bị gián đoạn một thời gian, song do sự bức thiết của người dân xã lại tiến hành tu sửa, nối nhịp cho học sinh tới trường. Ngay sau đó một năm, vụ việc đứt cầu treo Chu Va 6 ở tỉnh Lai Châu làm hàng chục người chết, bị thương đã rung lên hồi chuông cảnh báo. Bộ Giao thông vận tải hỏa tốc cho các tỉnh thống kê tình hình cầu treo trên địa bàn. Cầu Soi Sính cũng được “liệt” vào tình trạng nguy hiểm, Sở Giao thông vận tải đã đình chỉ khai thác cây cầu này. Bởi vậy mong mỏi về một cây cầu bê tông cốt thép của người dân cứ lớn lên từng ngày.

Trưởng thôn 9 Phạm Văn Hảo nuôi 60 đàn ong mật và trồng 200 gốc bưởi đường, Diễn, mỗi năm thu hàng trăm triệu đồng.

Năm 2019, niềm vui lớn ùa về với người dân nơi đây, Tổng Cục đường bộ Việt Nam đã cử kỹ sư lên khảo sát, quyết định việc xây dựng cây cầu kiên cố. Bảy hộ dân đã vui vẻ nhường đất, nhanh giải phóng mặt bằng cho đơn vị thi công. Chưa đầy một năm với sự quyết tâm cao của chủ đầu tư, đơn thi công, cầu Soi Sính đã hoàn thành đưa vào sử dụng. Cây cầu có chiều rộng 3 m, dài 53 m, xe ô tô dưới 16 tấn có thể đi qua. Từ ngày nối những bờ vui, cuộc sống của người dân thôn 9, 10 xã Tân Long đã có những chuyển biến rõ rệt. Khí thế xây dựng nông thôn mới đang ùa về trong nếp nghĩ, cách làm của từng hộ gia đình.

Chuyển biến một vùng quê

Giờ từ thôn 9 sang thôn 10 xã Tân Long đã có cây cầu bê tông cốt thép vững chãi, bắc nhịp giao thương. Đường dẫn của cầu là con đường bê tông nối liền các khu dân cư phong quang, sạch sẽ. Hai thôn đều đã xây dựng nhà văn hóa khang trang, không có nhà dột nát. Những ngôi nhà xây bề thế đang xuất hiện ngày càng nhiều. Hiện nay, ngoài vùng đất trên đất liền, người dân hai thôn cùng chung nhau canh tác trên Soi Sính. Nếu như thôn 10 có thế mạnh về trồng dâu nuôi tằm, chăn nuôi bò, thì thôn 9 mạnh về trồng cây bưởi và nuôi ong lấy mật. 


Ông Nguyễn Văn Đông, thôn 10 trồng dâu nuôi tằm, cho thu nhập khá.

Chúng tôi tới thăm thôn 10 có cả thảy 117 hộ, thấy đa phần các hộ đều trồng dâu nuôi tằm. Thôn như một làng nghề, lúc nào cũng bận rộn. Ông Nguyễn Văn Đông đang rắc lá dâu cho tằm ăn bảo, ngôi nhà tôi mới xây hơn 800 triệu đồng, phần lớn từ tiền bán kén tằm đó. Nhà ông trồng 10 sào dâu trên Soi Sính. Hợp đất cây dâu phát triển tốt, cho lá nhiều. Ông Đông cho biết bình quân một sào dâu nuôi tằm cho thu nhập 5 triệu đồng/năm. Như vậy, khoảng 10 sào dâu của ông cũng cho nguồn thu ổn định 50 triệu đồng/năm, cao hơn trồng các loại cây trồng khác. Diện tích cây dâu của thôn không ngừng được mở rộng lên đến 7 ha, nhiều gia đình có đến hơn 1 ha dâu như hộ ông Nguyễn Tiến Đạt, Hoàng Văn Kính, Nguyễn Văn Thắng.

Với đồng đất soi bãi màu mỡ, nhiều nguồn thức ăn thô xanh, người dân thôn 10 nuôi cả thảy 147 con bò. Riêng nhà ông Trưởng thôn Ngô Đức Thiệu cũng nuôi 5 con. Ông Thiệu ngày nào cũng dùng xe kéo đi cắt cỏ voi trồng ngoài Soi Sính cho bò ăn. Phong trào nuôi bò thịt, bò sinh sản ở đây phát triển khá mạnh. Như nhà ông Hoàng Thanh Tùng nuôi 7 con, từ tiền bán bò ông xây được nhà, cho con ăn học, trở thành hộ có kinh tế khá của thôn.

Bên kia đầu cầu Soi Sính là thôn 9 với 103 hộ dân. Phóng tầm mắt ra vùng soi bãi ven sông Lô là những vườn bưởi đang ra hoa, hương thơm bay tỏa cả một vùng. Ông Phạm Văn Hảo, Trưởng thôn 9 cũng là “đầu tầu” trong phát triển kinh tế của thôn. Gia đình ông Hảo có 200 gốc bưởi đường, Diễn đang cho thu hoạch. Để tận dụng nguồn hoa khi trồng cây ăn quả, ông nuôi thêm 60 đàn ong mật. Bên cạnh nhà ông Hảo là nhà ông Nguyễn Văn Hùng trồng 300 cây bưởi đặc sản, kết hợp nuôi 200 đàn ong, trở thành những người giàu có vùng Soi Sính.

Nhờ có cây cầu Soi Sính kiên cố mà người dân thôn 9 và 10 không lo khâu vận chuyển như trước. Công cuộc xây dựng nông thôn mới ở Soi Sính đang thay đổi từng ngày. Bằng nguồn lực của Nhà nước hỗ trợ xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, nhân dân vùng Soi Sính đã chăm chỉ, sáng tạo, nội lực vươn lên. Đến thời điểm này, các thôn góp phần cùng toàn xã đạt 14/19 tiêu chí, phấn đấu về đích nông thôn mới trong một thời gian không xa.

Bài, ảnh: Quang Hòa/Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục