Xây dựng nông thôn mới năm 2016: Đời sống vật chất, tinh thần người dân được nâng lên

TQĐT - Tại 6 xã điểm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2016, đến nay hầu hết các xã đã cơ bản hoàn thành 19 tiêu chí. Hạ tầng được đầu tư đã làm bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới, đời sống vật chất tinh thần của người dân được nâng lên.

Thương lái thu mua chuối của người dân xã Vinh Quang (Chiêm Hóa).

Nhiều mô hình sản xuất dựa vào tiềm năng thế mạnh của vùng sinh thái tạo ra mặt hàng nông sản có giá trị kinh tế cao, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân. Thông qua việc học hỏi, rút kinh nghiệm của các xã đã hoàn thành 19 tiêu chí nông thôn mới của 2015, ở 6 xã thực hiện năm 2016 đã có bước tiến bộ vượt bậc. 

Sự bứt phá ở các xã xây dựng nông thôn mới 2016 đã tập trung thực hiện tiêu chí 10 (nâng cao thu nhập). Xã Vinh Quang (Chiêm Hóa) là nơi ruộng ít, đông người, nếu tự cân đối lương thực chỉ đủ cho 2/3 dân số trong xã. Nhưng thu nhập năm 2016 của xã ước đạt 195 tỷ 070 triệu đồng, thu nhập bình quân đầu người đạt 25,1 triệu đồng/người/năm.

Nguồn thu nhập của người dân nơi đây không chỉ cao mà sản xuất theo chuỗi đảm bảo tính bền vững bởi sự đa dạng ngành nghề. Từ việc khai thác nguyên liệu tại địa phương, thực hiện các bước sản xuất (làm long nhãn, đan cót, chăn nuôi đại gia súc, vận tải hàng hóa bằng xe tải, dịch vụ chuối, xây dựng, chế biến lâm sản...). Các mặt hàng xuất ra khỏi địa bàn của xã đều là những sản phẩm nông sản nên đã mang lại giá trị kinh tế cao. 

Xã Lưỡng Vượng (thành phố Tuyên Quang) năm 2016 ước tổng thu nhập của hộ dân trên địa bàn xã đạt hơn 183 tỷ đồng (bình quân thu nhập đạt 27,3 triệu đồng/người/năm). Trong đó sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản ước thu hơn 23,1 tỷ đồng; thu từ phi nông nghiệp (kinh doanh dịch vụ) đạt xấp xỉ 15 tỷ đồng; thu nhập tiền lương, công lao động và khoản thu khác đạt hơn 130,452 tỷ đồng.

Thu nhập của người dân tăng lên do tác động của 3 yếu tố đó là chuyển dịch lao động từ thủ công sang khâu dịch vụ bán hàng; chuyển dịch sản xuất nông, lâm nghiệp theo hướng hàng hóa và các hộ kinh doanh làm ăn phát triển đã thành lập doanh nghiệp dịch vụ phục vụ. 


Nông dân xã Lưỡng Vượng, thành phố Tuyên Quang sử dụng máy làm đất
chuẩn bị gieo cấy lúa xuân 2017. 

Năm 2014, bình quân thu nhập của người dân Nhữ Hán (Yên Sơn) đạt 18,7 triệu đồng, năm 2016 nâng lên 22,5 triệu đồng/người/năm. Hai yếu tố tạo ra kết quả trên chính là sự chuyển dịch lao động, người dân có việc làm và mở rộng mô hình sản xuất hàng hóa trên địa bàn.

Thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, người dân đã phát huy thế mạnh 4 con (bò, cá, lợn, gà), 2 cây (chè, lúa). Từ các mô hình sản xuất, chăn nuôi hàng hóa đã thu hút nhiều lao động địa phương và hình thành đội dịch vụ cung cấp nông sản ra thị trường Tuyên Quang, Phú Thọ và Yên Bái. 

Với xã Đức Ninh (Hàm Yên) đã có nhiều mô hình phát triển kinh tế mang lại hiệu quả cao. Trong đó có 57 hộ thực hiện mô hình nuôi lợn đen, lợn thịt hướng nạc; 85 hộ thực hiện mô hình nuôi gà thịt thả vườn, 36 hộ thực hiện dự án nuôi trâu cái sinh sản, 90 hộ thực hiện mô hình trồng cây đậu tương, rau vụ đông (quy mô 40 ha). Đến tháng 11 năm 2016, xã Đức Ninh có mức thu nhập gần 23 triệu đồng/người/năm, đạt mức thu nhập tối thiểu đối với vùng Trung du miền núi phía Bắc trong Bộ tiêu chí nông thôn mới.

Tăng thu nhập cho người dân là mục tiêu quan trọng trong xây dựng nông thôn mới. Từ kết quả thực hiện tiêu chí 10 ở các xã xây dựng nông thôn mới 2016 đã khẳng định, nhờ biết khai thác tiềm năng thế mạnh ngay tại cơ sở đã tạo ra những mặt hàng nông sản có giá trị kinh tế cao đảm bảo tính bền vững. Đó còn là sự năng động sáng tạo của cấp ủy, chính quyền và người dân trên địa bàn các xã trong cách thức tạo việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo và gây dựng thương hiệu trong tiến trình hội nhập thị trường. 

Nhờ vậy, các xã đã đạt mục tiêu của Chương trình là “Xây dựng nông thôn mới để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phù hợp; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn phát triển nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị; xã hội nông thôn dân chủ, bình đẳng, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; quốc phòng và an ninh, trật tự được giữ vững”.  

Bài, ảnh: Duy Hùng

Tin cùng chuyên mục