Lưỡng Vượng bứt phá trong xây dựng nông thôn mới

TQĐT - Xã Lưỡng Vượng (thành phố Tuyên Quang) có vị trí khá thuận lợi để phát triển kinh tế. Xã nằm gần trung tâm thành phố, dọc theo tuyến Quốc lộ 2 và có nhiều doanh nghiệp đóng trên địa bàn. Nhờ ưu thế này mà xã đã phá kỷ lục trong các xã đạt chuẩn nông thôn mới về tiêu chí số 10 với mức thu nhập bình quân 27,3 triệu đồng/người/năm.

Người dân xây dựng tuyến mương tại khu đồng thôn Phúc An, xã Lưỡng Vượng
(TP Tuyên Quang).    Ảnh: Duy Hùng

Đồng chí Trần Đăng Quang, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Lưỡng Vượng cho biết, giai đoạn 2011 - 2016, xã đã hoàn thành 19/19 tiêu chí. Quá trình tổ chức thực hiện, xã tập trung vào 3 việc trọng tâm, đó là chỉ đạo chặt chẽ công tác điều hành; làm tốt công tác tuyên truyền và phát huy nguồn nội lực. Chỉ tính riêng về công tác chỉ đạo, từ năm 2015 đến nay xã đã ban hành 13 văn bản về thực hiện các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới. Vào sáng thứ 2 hàng tuần Ban chỉ đạo đều có các cuộc giao ban, kiểm tra tiến độ thực hiện nhiệm vụ tại các thôn, xóm theo sự phân công phụ trách. Xác định người dân là chủ thể trong xây dựng nông thôn mới, xã đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ trương của các cấp, các ngành. Đến nay xã đã có 19 kỳ họp bàn về xây dựng nông thôn mới, 32 cuộc làm việc giữa Ban Thường vụ Đảng ủy xã với 16 thôn trong xã về thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Nhờ đó không chỉ các cán bộ đảng viên mà các hội viên, nhân dân đều nắm vững từng chỉ tiêu trong các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. 

Vào những ngày cuối tháng 11, về các thôn của xã Lưỡng Vượng, chúng tôi cảm nhận thấy rõ bà con nông dân ai nấy đều phấn khởi khi cả xã đã thực hiện thành công chương trình xây dựng nông thôn mới. Điều dễ nhận thấy, chương trình này đã góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. 


Câu lạc bộ hát Sình ca của đồng bào dân tộc Cao lan, xã Lưỡng Vượng.

Theo UBND xã Lưỡng Vượng, năm 2016 ước tổng thu nhập của hộ dân trên địa bàn xã đạt hơn 183 tỷ đồng (bình quân thu nhập đạt 27,3 triệu đồng/người/năm). Trong đó sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản ước thu hơn 23,1 tỷ đồng; thu từ phi nông nghiệp (kinh doanh dịch vụ) đạt xấp xỉ 15 tỷ đồng; thu nhập tiền lương, công lao động và khoản thu khác đạt hơn 130,452 tỷ đồng.

Thu nhập của người dân tăng lên do tác động của 3 yếu tố. Thứ nhất là chuyển dịch lao động từ thủ công sang khâu dịch vụ bán hàng, hiện toàn xã có 276 hộ kinh doanh, doanh thu đạt 62 tỷ 621 triệu đồng/năm. Thứ hai là chuyển dịch sản xuất theo hướng hàng hóa bằng việc hình thành các trang trại chăn nuôi trâu, bò, gà, lợn và nuôi ong. Thứ ba là các hộ kinh doanh phát triển đã thành lập doanh nghiệp dịch vụ phục vụ. Hiện toàn xã có 6 doanh nghiệp và HTX hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh vận tải, xây dựng, dược phẩm, nuôi ong lấy mật và dịch vụ môi trường. 


Người dân chơi thể thao trong khuôn viên Nhà văn hóa thôn Bình Điền, xã Lưỡng Vượng.
                                    Ảnh:  Duy Hùng

Về hệ thống giao thông, các tuyến đường trục xã, đường trục thôn, xóm và giao thông nội đồng trên địa bàn đều được cứng hóa 100%. Toàn xã có 16 nhà văn hóa đều đạt chuẩn theo quy định, trong đó có 15 nhà làm mới, 1 nhà nâng cấp sửa chữa, các nhà văn văn hóa đáp ứng 120 chỗ ngồi trở lên, có khuôn viên và sân thể thao liền kề. Nội thất trong các nhà văn hóa đều có trang âm loa đài, bàn, ghế, tủ sách thư viện, các loại nhạc cụ truyền thống, bản tin, loa truyền thanh và nội quy hoạt động. 

Đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện, nét văn hóa truyền thống cũng được bà con nơi đây khôi phục khá rõ nét. Chị Hoàng Thị Giang, Bí thư chi bộ thôn Song Lĩnh cho biết: Khi cái khó khăn trong đời sống của người Cao Lan đã vơi dần, các cụ trong thôn đã dạy con cháu hát Sình ca. Năm 2015, câu lạc bộ hát Sình ca của xã có 40 hội viên nhưng đến nay số thành viên tham gia đã lên trên 60 người. 

Toàn xã có 7 thôn là đồng bào Cao Lan có chung 1 quy ước ngoài giờ làm việc khi về nhà mọi thành viên trong gia đình đều nói tiếng Cao Lan. Đây là cách bảo tồn ngôn ngữ và dạy các cháu nhỏ học và biết nói tiếng dân tộc. Để giữ gìn trang phục truyền thống, xã có câu lạc bộ của phụ nữ chuyên may quần áo của đồng bào Cao Lan. Tiếng lành đồn xa, nhiều người làm đám cưới đã đến đây đặt chị em trong câu lạc bộ may khâu theo đúng khuôn mẫu. Với các chị em phụ nữ xã, ai cũng có từ 1 đến 3 bộ quần áo theo đúng nghi lễ của dân tộc mình. 

Kết quả Chương trình xây dựng nông thôn mới tại xã Lưỡng Vượng đã khẳng định hướng đi đúng, cách làm phù hợp. Việc hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, đã cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, vệ sinh môi trường được đảm bảo và khơi dậy nét đẹp, bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc trên địa bàn xã. Việc tiếp theo của xã Lưỡng Vượng là tiếp tục nâng cao chất lượng của từng tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới.

Lê Duy

Tin cùng chuyên mục