Lời giải cho tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới

TQĐT - Theo Văn phòng điều phối Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh, so với các tiêu chí khác trong xây dựng nông thôn mới, tiêu chí về môi trường là một trong những tiêu chí khiến nhiều nơi “đau đầu”. Vấn đề này đã và đang được các cấp, ngành, chính quyền địa phương phối hợp giải quyết, bước đầu đã đạt được những kết quả nhất định.

Thực trạng ở nhiều địa phương 

Tính đến hết tháng 5-2016, toàn tỉnh có 10 xã đạt tiêu chí về môi trường, chiếm 7,7%/tổng số xã toàn tỉnh. Song vấn đề xử lý rác thải sau khi thu gom là vấn đề nan giải. Xã Ninh Lai (Sơn Dương) một trong những xã phấn đấu về đích nông thôn mới trong năm 2016, đã quy hoạch được khu tập kết rác thải sinh hoạt nhưng chưa có phương án xử lý rác thải sau khi thu gom. Ông Phùng Trọng Thái, Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Lai cho biết, sau khi quy hoạch được khu tập kết rác thải, xã đã giao cho HTX Nông lâm nghiệp xã thực hiện thu gom rác về thôn Hợp Hòa. Tuy nhiên, cũng mới chỉ dừng lại ở việc thu gom chứ xã cũng chưa có phương án xử lý. 


Người dân xã Thiện Kế (Sơn Dương) thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật. 

Theo Công ty TNHH Một thành viên Dịch vụ Môi trường và Quản lý đô thị Tuyên Quang. Trên địa bàn tỉnh hiện chỉ một số ít bãi rác đã được đầu tư công nghệ chôn lấp hoặc phun khử bằng hóa chất, còn lại đều là các bãi rác tự phát, chưa được đầu tư, xử lý đúng quy trình. Nguyên nhân một phần do nhận thức về việc bảo vệ môi trường của một bộ phận người dân còn hạn chế, một phần do các địa phương chưa quy hoạch được một bãi rác tập trung với đầy đủ công nghệ chôn lấp, xử lý. Khối lượng rác không ngừng tăng liên tục từ 8 - 10%/năm, công tác phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt còn gặp nhiều khó khăn. Rác thải sinh hoạt đã vậy, rác thải trong quá trình sản xuất nông nghiệp... cũng đang trở thành vấn đề lo ngại. 

Những năm gần đây, ở một số địa phương, quy mô gia trại, trang trại chăn nuôi và nghề truyền thống được xây dựng, phát triển thì các chất thải trong chăn nuôi, chế biến đã và đang gây ô nhiễm không khí, nguồn nước tại một số địa phương. Trong đó, đáng kể nhất là các xã có nghề chế biến dong riềng. Xưởng chế biến tinh bột sắn và dong riềng của ông Ma Văn Vi, thôn Làng Ngoài 2, xã Lực Hành (Yên Sơn) được xây dựng và đi vào hoạt động từ năm 2010. Đặt chân vào xưởng, mùi hôi từ bã sắn, nước thải từ các bể chứa bốc lên nồng nặc. Nằm ngay sát suối Lực Hành, một phần nước thải trong quá trình chế biến được xả trực tiếp ra suối, một phần được gia đình ông tận dụng bơm sang soi để làm phân bón cho ngô. 

Đánh giá của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Yên Sơn, đây cũng là tình trạng chung của các cơ sở chế biến tinh bột dong riềng tại các xã Lực Hành, Xuân Vân, Tân Long... Và tình trạng xả thải của các cơ sở chế biến tinh bột sắn, dong riềng trên địa bàn vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Bởi phần lớn các cơ sở sản xuất, chế biến nông lâm sản và thủy sản chủ yếu mang tính nhỏ lẻ, công nghệ chế biến chưa được cải tiến, thiết bị lạc hậu, mặt bằng sản xuất nhỏ hẹp, hoạt động sản xuất cũng theo kiểu tự phát chưa có tính bền vững. Thêm vào đó là hầu hết các xưởng sản xuất lẫn vào khu dân cư. Các cơ sở chỉ chú trọng đầu tư phát triển sản xuất mà chưa quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường và bảo hộ lao động. 

Cùng với tình trạng vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật bị vứt vương vãi khắp nơi trên bờ ruộng, đầu kênh mương, dưới suối, ven hồ đập. Thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, năm 2015, chi cục kiểm tra gần 500 hộ dân về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thì có trên 100 hộ dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không đúng nồng độ, liều lượng... gây ô nhiễm không khí, đồng ruộng.

Giải pháp cho môi trường nông thôn


Xử lý rác thải bằng chế phẩm vi sinh AT-YTB tại bãi rác thị trấn Tân Yên, Hàm Yên.  

Tỉnh đã thực hiện quy hoạch và thực hiện quy hoạch về môi trường, trong đó quy hoạch điểm thu gom rác thải, quy hoạch nghĩa trang... tại 129 xã. Theo đó, toàn tỉnh sẽ có 258 điểm thu gom rác thải sinh hoạt. Bước đầu để xử lý rác thải sinh hoạt, tỉnh đã giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường hỗ trợ 2 huyện Nà Hang, Hàm Yên lắp đặt các lò đốt rác, công suất 400 - 500 kg/giờ; huyện Chiêm Hóa hiện cũng đang có kế hoạch xây dựng 1 lò đốt rác công suất 300 - 400 kg/ngày. 

Tập trung xử lý rác thải từ chăn nuôi, tỉnh đã ban hành Quyết định 30/2012/QĐ-UBND về hỗ trợ vay vốn phát triển chăn nuôi kết hợp xây dựng hầm bể bioga. Mục tiêu góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, hiệu quả, thân thiện với môi trường. Sau gần 4 năm triển khai thực hiện, các địa phương đã xây dựng được 4.919 hầm bể biogas, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giúp người dân phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn, bền vững. 

Tại các xã đã hoàn thành bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới, tiêu chí môi trường là một trong những tiêu chí được ưu tiên. Tỉnh đã hỗ trợ người dân tại 10 xã hoàn thành và 6 xã bổ sung trong năm 2016 xây dựng các công trình nhà tiêu và hệ thống chuồng trại hợp vệ sinh. Đến nay đã lắp đặt 3.376 công trình. Cũng tại 10 xã này đã quy hoạch được điểm thu gom rác thải, có xe thu gom rác, quy hoạch được nghĩa trang tập trung... Ông Nguyễn Văn Minh, Phó Chủ tịch UBND xã An Khang khẳng định, xã An Khang (TP Tuyên Quang) hiện đã giải quyết được vấn đề rác thải sinh hoạt. Rác thải sinh hoạt được giao cho HTX Thanh Bình thu gom, xử lý. Về vấn đề nghĩa trang, trước đây mỗi thôn đều có một khu nghĩa trang riêng, nhưng hiện xã đã hoàn thành quy hoạch một khu nghĩa trang tập trung tại thôn Trường Thi C. 

Bà Trần Thị Nhạn, Trưởng Phòng Thanh tra chuyên ngành, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và PTNT) cho biết: góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, hiệu quả, thân thiện với môi trường, trong 2 năm 2014, 2015, tại các địa phương đã thu gom được 10.397 kg vỏ bao bì và tiêu hủy, xử lý được 8.619 kg, còn tồn 1.760 kg. Hiện Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đang tiếp tục xây dựng phương án thu gom, xử lý, tiêu hủy rác thải từ vỏ chai lọ, bao bì đựng thuốc bảo vệ thực vật năm 2016. Tránh tình trạng bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng bị bỏ bừa bãi trên đồng ruộng, từ năm 2010 đến nay, UBND tỉnh cũng đã giao cho Sở Nông nghiệp và PTNT thực hiện phương án “Tuyên truyền và thu gom, xử lý, tiêu hủy rác thải từ vỏ chai lọ, bao bì đựng thuốc bảo vệ thực vật”. Theo thống kê, trên địa bàn toàn tỉnh hiện đã xây dựng được 26 kho chứa, 1.294 bể chứa thuốc bảo vệ thực vật tại 39 xã, phường trên địa bàn tỉnh. Trong đó, nhiều nhất là huyện Sơn Dương 13 xã, thị trấn; Hàm Yên, TP Tuyên Quang mỗi địa phương 6 xã, phường; Yên Sơn 4 xã; Lâm Bình 3 xã; Nà Hang 1 xã. Con số này còn quá ít so với nhu cầu thực tế tại các địa phương, nhất là các xã vùng sâu, vùng xa. 

Bên cạnh sự vào cuộc tích cực của tỉnh và ngành chức năng, thì ý thức của người dân và doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trong giảm thiểu ô nhiễm, bảo vệ môi trường nông thôn là rất quan trọng. Các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động sâu rộng để người dân dần thay đổi thói quen về thu gom, đổ rác; khuyến khích các địa phương nhân rộng các mô hình như gia đình thân thiện với môi trường, phân loại rác thải tại nguồn, con đường tự quản. Cấp, ngành liên quan tăng cường chính sách xã hội hóa về công tác bảo vệ môi trường, huy động mọi nguồn lực của cộng đồng dân cư, doanh nghiệp cùng tham gia vào hoạt động cải tạo và bảo vệ môi trường.   

Đồng chí Ma Văn Long, Phó Chủ tịch UBND huyện Chiêm Hóa
Duy trì phong trào “Toàn dân bảo vệ môi trường”
 
Tiêu chí môi trường là một trong những tiêu chí khó trong quá trình xây dựng NTM. Do đó, phong trào “Toàn dân bảo vệ môi trường” tại các xã cần được duy trì thường xuyên. Ngoài việc tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân về bảo vệ, cải thiện cảnh quan, môi trường tại nơi sinh sống và khu vực sản xuất; thì huyện yêu cầu các xã chủ động có các giải pháp thực hiện nội dung tiêu chí về nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn; yêu cầu cơ sở sản xuất kinh doanh, hộ chăn nuôi xây dựng công trình xử lý chất thải; hợp tác xã, tổ hợp tác thực hiện thu gom, xử lý rác thải.

Đồng chí Hoàng Văn Hoan, Phó Chủ tịch xã Thanh Tương (Nà Hang) 
Quy hoạch xây dựng nghĩa trang theo quy chuẩn 
 

Trước đây người dân trong xã tự tổ chức việc chôn cất người đã mất theo từng khu vực, vì vậy xã tồn tại nhiều nghĩa trang do người dân tự lập, thiếu hợp lý, nằm rải rác ở các thôn, xóm. Bởi thế, để thực hiện được tiêu chí môi trường, một trong những nhiệm vụ mà tới đây xã tiến hành, đó là điều chỉnh quy hoạch, xây dựng nghĩa trang theo quy chuẩn như: Trồng cây xanh, có lối đi thuận lợi cho việc thăm viếng; mộ phải đặt theo hàng, xây dựng đúng diện tích và chiều cao theo quy định.


Ông Nguyễn Văn Huyền, Trưởng thôn Thúy An, xã An Khang (TP Tuyên Quang)
Vận động xây dựng hầm bể biogas

Toàn thôn có 25/34 hộ dân chăn nuôi lợn theo quy mô đã xây dựng bể biogas, xử lý mùi hôi chất thải. Hầu hết chuồng trại chăn nuôi của các hộ sạch sẽ, đàn lợn ít nhiễm bệnh. Việc phát triển chăn nuôi gắn kết với xây dựng hầm bể biogas còn góp phần bảo vệ môi trường sinh thái nông thôn, giúp người dân tiết kiệm được chi phí mua chất đốt. Từ kết quả này, thôn tiếp tục vận động các hộ chăn nuôi còn lại xây dựng hầm bể biogas; đồng thời phát động toàn thôn chung tay cải thiện môi trường, đóng góp tích cực vào việc giữ chuẩn tiêu chí nông thôn mới của xã đã đạt được.

Chị Nguyễn Thị Tuyết, thôn Cây Đa, xã Vĩnh Lợi (Sơn Dương)
Hiệu quả mô hình “Nhà sạch - vườn đẹp - ngõ văn minh”
 
Từ khi Chi hội Phụ nữ thôn Cây Đa phát động xây dựng mô hình “Nhà sạch - vườn đẹp - ngõ văn minh” gia đình tôi và các hộ trong thôn đã có ý thức hơn trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường. Các thành viên trong gia đình thường xuyên thay nhau dọn dẹp nhà cửa, tham gia các buổi quét dọn, thu gom rác tại các tuyến đường thôn. Mô hình đã tạo sự chuyển biến về ý thức của người dân trong thôn nói chung, hội viên Hội phụ nữ nói riêng trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường nông thôn mới.

Bài, ảnh: Thư - Liên

Tin cùng chuyên mục