Đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở Tuyên Quang

Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ là chủ trương đúng đắn nhằm giải quyết nhu cầu việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Sau 8 năm triển khai Đề án, tỉnh Tuyên Quang đã đạt được những kết quả bước đầu đáng ghi nhận.

Để việc triển khai thực hiện Đề án có hiệu quả, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Tuyên Quang đã chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước về công tác dạy nghề cho lao động nông thôn; ban hành văn bản chỉ đạo tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dạy nghề cho lao động nông thôn;  thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020" từ cấp tỉnh đến cơ sở; bổ sung 01 biên chế chuyên trách quản lý dạy nghề cho lao động nông thôn thuộc phòng Lao động Thương binh và Xã hội các huyện, thành phố; ban hành quy định mức chi phí đào tạo nghề và mức hỗ trợ chi phí học nghề cho lao động nông thôn; tiến hành sáp nhập và bổ sung nhiệm vụ giáo dục thường xuyên, hướng nghiệp và dạy nghề cho trung tâm dạy nghề các huyện;

Chỉ đạo tổ chức tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện định kỳ 6 tháng, hàng năm, rút kinh nghiệm; Công tác kiểm tra, giám sát được thực hiện thường xuyên, định kỳ; Công tác tổ chức thực hiện được lồng ghép với các chương trình khác như: Xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, Lao động việc làm, Di dân tái định cư thủy điện Tuyên Quang; các cấp, các ngành quan tâm thực hiện tốt các nội dung, nhiệm vụ của Đề án đặc biệt là công tác tuyên truyền nên nhận thức của người lao động về việc học nghề ngày một nâng lên. Người lao động từng bước ý thức được việc học nghề là quyền lợi và nghĩa vụ của lao động nông thôn nhằm nâng cao kỹ năng cho lao động trực tiếp sản xuất nông nghiệp, tạo thêm việc làm bằng việc chuyển nghề đa dạng hóa nguồn thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Kết quả đạt được

Kết quả từ khi thực hiện Đề án 1956 đến nay (2010 - 2017), đã có trên 30.000 lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh được hỗ trợ học nghề góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động trong ngành nông, lâm nghiệp giảm từ 76,6% năm 2010 xuống còn 55,60% năm 2017; ngành công nghiệp, xây dựng tăng từ 10,3% lên 16,30%; ngành thương mại, dịch vụ tăng từ 13,1% lên 28,10%. Nâng tỷ lệ qua đào tạo từ 27,0% năm 2010 lên 51,3% năm 2017, trong đó: tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề từ 17,0% lên 31,5%;


Lãnh đạo Bộ LĐTB &XH, lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang thăm trường Cao đẳng nghề - Kỹ thuật Công nghệ Tuyên Quang

Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức cấp xã được triển khai, thực hiện tốt, trên 3.500 lượt cán bộ công chức cấp xã được đào tạo, bồi dưỡng; mạng lưới cơ sở dạy nghề được hoàn thiện, nâng cấp 01 trường Trung cấp nghề lên trường Cao đẳng nghề, thành lập 04 trung tâm dạy nghề cấp huyện, đưa tổng số cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh lên 15 cơ sở; Cơ sở vật chất, trang thiết bị được quan tâm đầu tư, từng bước hiện đại.

Một bộ phận lao động nông thôn sau khi học nghề đã áp dụng kiến thức đã học vào phát triển kinh tế, góp phần nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm được chi phí sản xuất; có việc làm mới ở các cơ sở công nghiệp, thủ công nghiệp, dịch vụ, được chuyển nghề, có việc làm ngay tại xã; số người có thu nhập khá tăng, có nhiều hộ biết vận dụng kiến thức được học vào phát triển kinh tế hộ gia đình, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động trong nông thôn. Đưa tỷ lệ lao động không có việc làm ở khu vực thành thị giảm từ 3,41% năm 2010 xuống còn 2,80% năm 2017; Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 34,83% năm 2010, xuống còn 19,32% cuối năm 2017.


Học viên lớp Dệt thổ cẩm đang học thực hành

 Kết quả trên góp phần quan trọng thực hiện thành công tiêu chí Giáo dục và Đào tạo trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Cụ thể năm 2011, qua rà soát theo Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới, trên địa bàn tỉnh có 06/129 xã đạt tiêu chí Giáo dục và Đào tạo, chiếm 4,7%, đến năm 2017 có 129/129 xã, đạt 100%.

Giải pháp trong thời gian tới

Để tiếp tục thực hiện Đề án ”Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” góp phần nâng cao tiêu chí Giáo dục và Đào tạo trong xây dựng nông thôn mới. Trong thời gian tới, cần chỉ đạo và triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là: Các cấp, các ngành, thành viên Ban chỉ đạo, các địa phương tổ chức quán triệt văn bản của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dạy nghề cho lao động nông thôn; nghiêm túc thực hiện trách nhiệm được giao tại Thông tư liên tịch số 30/2010/TTLT-BLĐTBXH-BNV-BNNPTNT-BCT-BTTTT ngày 12/12/2012 của Liên bộ Lao động TB và XH, Bộ Nội vụ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương, Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn trách nhiệm tổ chức thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án ”Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”.

Hai là: Tăng cường công tác tuyên truyền các chế độ, chính sách của Đề án đến người dân, đặc biệt là những xã vùng sâu, vùng xa để người dân ý thức được việc học nghề là quyền lợi và nghĩa vụ của lao động nông thôn nhằm tạo việc làm, chuyển nghề, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Ba là: Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã rà soát nhu cầu học nghề của người lao động của địa phương; Phòng Lao động TB và XH cấp huyện phối hợp với các cơ sở dạy nghề, Ủy ban nhân dân cấp xã xây dựng kế hoạch dạy nghề của huyện, thành phố; lựa chọn ngành nghề đào tạo, cơ sở đào tạo và tổ chức đào tạo nghề cho lao động phù hợp nhu cầu người học, phát triển kinh tế xã hội của địa phương và gắn với thế mạnh như vùng chuyên canh, vùng nguyên liệu. Không tổ chức dạy và học khi người lao động không dự báo được nơi làm việc và mức thu nhập với việc làm có được sau khi học nghề. Không chạy theo số lượng, thành tích.

Bốn là: Quan tâm, đầu tư hoạt động điều tra, rà soát nhu cầu học nghề của người lao động, nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp, nhà máy xí nghiệp. Tổ chức ký hợp đồng 3 bên để tổ chức dạy nghề; Huy động, lồng ghép công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn với các chương trình, nguồn lực như xây dựng nông thôn mới, di dân tái định cư dự án thủy điện Tuyên Quang.

Năm là: Ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích lao động nông thôn tham gia học nghề; bố trí bổ sung nguồn kinh phí địa phương để hỗ trợ lao động nông thôn học nghề; có chính sách cho vay ưu đãi đối với lao động sau học nghề có nhu cầu để phát triển kinh tế; ưu tiên các doanh nghiệp giải quyết việc làm và tiếp nhận nhiều lao động của địa phương sau học nghề vào làm việc.

Sáu là: Tổ chức tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện của từng địa phương, thành viên Ban Chỉ đạo các cấp; Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện Đề án ở các cơ sở và các lớp dạy nghề, kiểm tra chuyên đề và kiểm tra lồng ghép với chương trình xây dựng nông thôn mới, Lao động việc làm, Di dân tái định cư thủy điện Tuyên Quang./.

Phạm Đình Tuyên - VPĐP

Tin cùng chuyên mục