Hoạt động bảo vệ môi trường trong xây dựng nông thôn mới ở Tuyên Quang

Sau hơn 6 năm triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới tại địa phương, công tác bảo vệ môi trường đã được quan tâm và có những chuyển biến tích cực.

Trong 19 tiêu chí thuộc chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, tiêu chí về môi trường và an toàn thực phẩm là một trong các tiêu chí phức tạp, bao gồm nhiều chỉ tiêu và đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành liên quan và cộng đồng  trong quá trình thực hiện. Năm 2011 hầu hết các xã trên địa bàn tỉnh đều chưa đạt tiêu chí này, qua sáu năm quyết liệt thực hiện, đến nay có 28/129 xã đạt tiêu môi trường và an toàn thực phẩm

Từ việc nhận thức được đây là tiêu chí khó thực hiện trong bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nên ngay từ khi bắt tay vào thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới theo Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020, Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh đã phối hợp với các Sở, ban, ngành tham mưu cho tỉnh ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TU ngày 23/11/2011 về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến năm 2020; Nghị quyết số 03/2016/NQ-HĐND ngày 13/7/2016 của HĐND tỉnh quy định mức hỗ trợ kiên cố hóa kênh mương; bê tông hóa đường giao thông nội đồng; xây dựng nhà văn hóa thôn, bản, tổ dân phố gắn với sân thể thao, khuôn viên và một số công trình hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa tỉnh, giai đoạn 2016 - 2020; Quyết định số 303/QĐ-UBND ngày 24/7/2014 của UBND tỉnh về việc ban hành Quy định cho hội viên, nông dân thuộc 07 xã điểm xây dựng nông thôn mới của tỉnh được vay vốn và hỗ trợ lãi suất tiền vay để xây dựng công trình nhà tiêu và hệ thống chuồng trại chăn nuôi.

Thực hiện Nghị quyết và sự chỉ đạo của tỉnh, các cơ quan, thành viên Ban Chỉ đạo Chường trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch, triển khai đồng bộ các giải pháp, biện pháp thực hiện nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao như:

 Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với các ngành thành viên Ban Chỉ đạo và UBND các huyện, thành phố triển khai tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền sâu rộng đến nhân về xây dựng nông thôn mới trong đó chú trọng đến tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm. Kết quả các năm đã xây dựng 130 chuyên đề, 1.989 tin bài, phóng sự; tổ chức phát 142.500 tờ rơi truyên truyền cho thôn, bản trên địa bàn các huyện, thành phố. Tổ chức 40 buổi tuyên truyền miệng tại các thôn, bản, địa bàn đông dân cư phục vụ trên 105.000 lượt người nghe; xây dựng 10 pa nô, 130 băng rôn; xây dựng 07 chương trình thông tin tổng hợp gắn với chủ đề về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Tổ chức trên 110 buổi tuyên truyền thông qua hình thức biểu diễn văn nghệ quần chúng, tuyên truyền tổng hợp.


Một đoạn đường bê tông ở xã Mỹ Bằng huyện Yên Sơn. Nguồn ảnh: internet

Đặc biệt các năm từ 2014 - 2016, Hội Nông dân tỉnh đã chỉ đạo các Hội, chi hội từ huyện đến cơ sở đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến các hội viên, tổ chức hỗ trợ làm mới và chỉnh trang 5.734 công trình vệ sinh nông thôn. Trong đó: Nhà tắm 2.151 công trình; nhà tiêu 2.166 công trình; chuồng trại chăn nuôi 1.417 công trình; Hỗ trợ các hội viên xây dựng 3.186 hầm biogas.

Hội phụ nữ tỉnh đã xây dựng kế hoạch, chương trình hành động hằng năm và giai đoạn, triển khai đến tổ chức hội từ cấp huyện đến cơ sở, tích cực vận động hội viên tham gia giữ gìn vệ sinh môi trường theo phương châm "Sạch nhà - sạch ngõ" gắn với Cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không, 5 sạch” của Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, bằng các việc làm như: vận động hội viên phụ nữ và nhân dân thường xuyên quét dọn vệ sinh đường làng ngõ xóm, phong quang bụi rậm, giúp bộ mặt nông thôn được thoáng đãng, sạch sẽ. Đối với rác thải trong sản xuất nông nghiệp, hội phụ nữ đã phối hợp vận động nhân dân thu gom bao bì, vỏ chai, lọ đựng thuốc trừ sâu vào đúng nơi quy định; nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, xây dựng môi trường sống an toàn, khoa học. 

Ngoài ra, tỉnh giao cho các ngành phối hợp với UBND các huyện, thành phố  đầu tư xây dựng 05 bãi rác thải tập trung tại các huyện Lâm Bình, Chiêm Hóa và Yên Sơn; Xây dựng 02 lò đốt rác thải bằng khí tự nhiên tại các huyện Na Hang và Sơn Dương; Quy hoạch và xây dựng 06 nghĩa trang tại các xã; Xây dựng 09 công trình rãnh thoát nước và trồng cây ở hai ven đường tuyến đường mẫu ở một số xã đạt chuẩn nông thôn mới; Xây dựng được 34 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung ở một số xã vùng sâu, vùng xa. Dân cư khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh tăng từ 50% năm 2014 lên trên 70% năm 2016.


Người dân thôn Đồng Chùa, xã Đại Phú (Sơn Dương) cùng để bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng vào nơi quy định. Ảnh: Thủy Châu.

Từ kết quả trên đã góp phần đưa số xã đạt tiêu chí về môi trường lên 28/129 xã năm 2017, góp phần nâng số tiêu chí bình quân trên xã lên 12 tiêu chí theo kế hoạch của tỉnh đề ra.

Phạm Đình Tuyên - VPĐP

Tin cùng chuyên mục