Trồng cây ăn quả theo hướng hữu cơ tại xã Phúc Ninh

Hưởng ứng phong trào “Tuyên Quang chung sức xây dựng nông thôn mới”, trong những năm qua, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang đã có nhiều mô hình sản xuất, canh tác đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân. Điển hình là mô hình trồng cây ăn quả tổng hợp theo hướng hữu cơ trên địa bàn xã Phúc Ninh.

Một trong những mô hình tiêu biểu mà chúng tôi muốn nói đến, là mô hình của gia đình ông Phạm Thừa Tiến, thôn Khuân Thống, xã Phúc Ninh. Để có được thành công như ngày hôm này, ông Tiến chia sẻ kinh nghiệm: Khoảng những năm 2000, phong trào trồng cây Bưởi tại xã Phúc Ninh phát triển mạnh, trăn trở vì một số giống Bưởi được người dân tại địa phương chưa cho hiệu quả cao, được anh em ở quê (huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây - nay thuộc thành phố Hà Nội) khuyến khích trồng cây bưởi Diễn, ông về quê mang lên hơn 200 cây bưởi Diễn để trồng thử nghiệm tại vườn nhà, theo dõi sự phát triển của cây trên từng loại đất, thấy cây phát triển tốt và có được một số thành công ban đầu, tuy nhiên do dùng nhiều phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật nên sau gần 10 năm, đất trồng Bưởi bắt đầu bị thoái hóa, phải bón rất nhiều phân thì cây mới cho thu hoạch. Năm 2013, sau một lần về thăm quê tại huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội, ông được tận mắt chứng kiến mô hình trồng bưởi Diễn sạch theo hướng hữu cơ mang lại hiệu quả kinh tế cao và bền vững. Sau chuyến thăm quê, ông đã trăn trở, suy nghĩ phải thay đổi phương thức sản xuất để nâng cao thu nhập, cải thiện kinh tế gia đình, đồng thời bảo vệ môi trường sống, đảm bảo sức khỏe người sản xuất, người tiêu dùng. Dù không được đào tạo qua bất kỳ một trường lớp nào nhưng bằng niềm đam mê, ông đã đi học hỏi kinh nghiệm và tham quan các mô hình từ các công ty giống công nghệ cao, công nghệ di truyền gien, Học viện Nông nghiệp Hà Nội, Viện nghiên cứu rau quả… và nghiên cứu, tìm hiểu những kinh nghiệm sản xuất tiêu biểu từ thực tiễn, tìm hiểu trên sách báo, Iternet, trên các phương tiện truyền thông, ...


Cây bưởi Diễn đang chuẩn bị cho thu hoạch tại vườn bưởi hữu cơ

Đầu năm 2014, Ông quyết định chuyển đổi vườn Bưởi của gia đình sang trồng, chăm sóc theo hướng sản xuất hữu cơ, sau gần 1 năm, chất lượng cây phát triển tốt, đất trồng được cải thiện, chi phí chăm sóc cho vườn Bưởi giảm đi rất nhiều trong khi đó quả bưởi cho chất lượng thơm ngon hơn. Sang đầu năm 2015, Ông đã mở rộng quy mô trồng Bưởi lên 1.000 gốc hoàn toàn theo hướng hữu cơ. Để thâm canh theo hướng hữu cơ, Ông đã thu gom phân chuồng từ một số hộ gia đình trên địa bàn thôn, xã về ủ mục và kết hợp với nuôi Ong để bắt côn trùng gây hại, nguồn nước được khai thác từ nguồn nước mỏ ngay tại vườn nhà. Đến nay, vườn Bưởi phát triển tốt, cho quả sai, trái ngọt. Từ hiệu quả của cây Bưởi, Ông còn trồng thêm 250 cây ổi, 200 cây Na hoàn toàn theo hướng sản xuất hữu cơ…


Ảnh: Đồng chí Nguyễn Huy Hùng, phó Chánh Văn phòng Điều phối chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh về  thăm mô hình trồng bưởi hữu cơ của gia đình ông Phạm Thừa Tiến

Các sản phẩm trái cây của gia đình ông đã từng bước chiếm được lòng tin của người tiêu dùng, hầu hết những người từng mua sản phẩm trái cây của gia đình ông đều quay lại đặt hàng ông để mua tiếp, nhiều khi không đủ nên ông còn phải từ chối vì ông quan niệm: “Nhà mình làm ra được đến đâu thì bán đến đó, không vì sản lượng mà làm sai quy trình chăm sóc”

Đến nay, gia đình Ông đã mở rộng trồng và chăm sóc tốt vườn cây ăn quả các loại trên 3,5 ha, sản lượng thu hoạch Bưởi đạt trên 40.000 quả/năm; Ổi đạt trên 2,0 tấn quả/năm; Na đã bắt đầu cho thu hoạch,… tổng thu nhập mỗi năm của gia đình hiện đạt trên 600 triệu đồng, trừ chi phí lãi khoảng 200 triệu đồng. Đồng thời tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 2-3 lao động, với mức lương 3,0 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, ông còn thường xuyên trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm giúp đỡ bà con hàng xóm để cùng nhau phát triển kinh tế, tăng thu nhập, góp phần nâng thu nhập bình quân đầu người năm 2017 trên địa bàn xã đạt 26 triệu đồng/người/năm, đạt tiêu chí số 10 về thu nhập trong xây dựng nông thôn mới.

Từ thành công mô hình trồng cây ăn quả của gia đình Ông Phạm Thừa Tiến, tiếp tục khẳng định thực tế: Việc chuyển đổi trồng các loại cây ăn quả theo hướng sản xuất hàng hóa bền vững đã và đang mở ra cơ hội để nhiều hộ nông dân huyện Yên Sơn từng bước làm giàu chính đáng trên chính mảnh đất quê hương.

Ủy ban nhân dân huyện Yên Sơn cũng đã phê duyệt “Dự án phát triển trồng Bưởi liên kết theo chuỗi giá trị quy mô liên xã (Phúc Ninh, Xuân Vân, Tứ Quận, Thắng Quân)”, từ ngày 24/9/2017 đến ngày 23/12/2017 vừa qua, UBND huyện Yên Sơn đã phối hợp với Hội nông dân Trung Ương, Trung tâm nông nghiệp hữu cơ tổ chức lớp tập huấn trồng cây Bưởi hữu cơ tại 04 xã trên, đây là điều kiện hết sức thuận lợi để nhân dân huyện Yên Sơn nói chung và xã Phúc Ninh nói riêng phát triển hơn nữa lợi thế về cây bưởi, góp phần đưa xã Phúc Ninh sớm hoàn thành đạt chuẩn nông thôn mới năm 2018.

Giang Tuấn - VPĐP

Tin cùng chuyên mục