Thực trạng phát triển làng nghề gắn với phát triển các nhóm sản phẩm chủ lực trong xây dựng nông thôn mới

Tuyên Quang là tỉnh miền núi phía Bắc, có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản. Với 22 dân tộc anh em sinh sống, có 7 đơn vị hành chính (6 huyện và 1 thành phố), 141 xã, phường, thị trấn (129 xã, 7 phường, 5 thị trấn), diện tích đất tự nhiên 586.732,7 ha, diện tích đất sản xuất nông nghiệp chiếm trên 80%. Vì vậy, Tuyên Quang luôn xác định: Nông nghiệp, nông thôn có vị trí, vai trò hết sức quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của địa phương.

Những năm qua, được sự quan tâm, chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, đầu tư từ các chương trình mục tiêu Quốc gia, sự hỗ trợ của các tổ chức Quốc tế, cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở và sự nỗ lực, cố gắng của các doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân trong tỉnh, ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản của tỉnh có bước phát triển; giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản giai đoạn 2011-2015 tăng trưởng bình quân 5,7%/năm. Nông, lâm nghiệp chuyển dịch mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa, từng bước phát huy lợi thế của địa phương, tạo ra các vùng chuyên canh cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến và đáp ứng nhu cầu thị trường; thu nhập và đời sống của người dân bước đầu được nâng lên, diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc.


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch năm 2017 tại tỉnh Tuyên Quang

Bằng những chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp,  các thành phần kinh tế  đã hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung của tỉnh như: vùng cam (trên 7.000 ha), chè (trên 8.000 ha), mía nguyên liệu (trên 11.000 ha), cây nguyên liệu giấy (trên 180.000 ha)... gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Hiện nay, toàn tỉnh có 29 sản phẩm nông sản đã được đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, cấp giấy chứng nhận chất lượng sản phẩm và cấp mã số mã vạch như: Cam Sành Hàm Yên, Bưởi Xuân Vân, Chè Bát tiên Mỹ Bằng, Chè xanh Vĩnh Tân, Mật ong Tuyên Quang, Miến dong Hợp Thành... được đưa vào tiêu thụ tại một số siêu thị của Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Bước đầu đã hình thành các ngành nghề, làng nghề thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; đến nay trên địa bàn tỉnh có 01 Làng nghề  “Làng nghề Chè thôn Vĩnh Tân, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương” được công nhận theo quy định. Đang tổ chức thẩm định, công nhận 05 làng nghề chè của huyện Sơn Dương.

Để phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, tạo ra các sản phẩm lợi thế cho từng địa phương, hình thành các trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã, các làng nghề phát triển sản phẩm nhằm thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XVI) đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển nông nghiệp hàng hóa giai đoạn 2016-2025 (Nghị quyết số 16-NQ/TU ngày 22/5/2016),  UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch để thực hiện Nghị quyết, với mục tiêu đến năm 2020 tổng giá trị nông sản hàng hóa chủ lực chiếm 60% tổng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thuỷ sản; giá trị sản xuất bình quân/ha canh tác gấp 1,6 lần so với năm 2015. Đồng thời cơ cấu lại các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực để đáp ứng yêu cầu thị trường, tao ra giá trị gia tăng sản phẩm hàng hóa; phát triển, đa dạng các sản phẩm có tiềm năng, lợi thế của các địa phương; khuyến khích phát triển «mỗi xã một sản phẩm», phát triển ngành nghề, làng nghề nông thôn, tỉnh Tuyên Quang đã định hướng phát triển một số nhóm sản phẩm chủ lực (cây, con) của từng địa phương trên địa bàn tỉnh như: cam sành, chè, mía đường, lạc, gỗ nguyên liệu, con trâu, con bò, con lợn, con cá…

Bên cạnh đó, để thực hiện được mục tiêu  cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, trong thời gian qua, tỉnh đã ban hành các chính sách và triển khai thực hiện có hiệu quả như: Chính sách về hỗ trợ một số về mức hỗ trợ kiên cố hóa kênh mương; bê tông hóa đường giao thông nội đồng; xây dựng nhà văn hóa thôn, bản, tổ dân phố gắn với sân thể thao, khuôn viên và một số công trình hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa tỉnh, giai đoạn 2016-2020; chính sách về khuyến khích phát triển kinh tế trang trại; chính sách hỗ trợ sản xuất hàng hóa đối với một số cây trồng, vật nuôi; chính sách khuyến khích phát triển hợp tác xã nông, lâm nghiệp, thủy sản; chính sách hỗ trợ khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn; quy mô diện tích tối thiểu đối với Dự án cánh đồng lớn trên địa bàn tỉnh…

Việc triển khai thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách về phát triển nông nghiệp, nông thôn của  hệ thống chính trị các cấp,  nhân dân đồng thuận  đã đạt một số kết quả quan trọng góp phần tăng và đạt tiêu chí nông thôn mới ở nhiều xã trên địa bàn tỉnh, thúc đẩy kinh tế nông nghiệp, nông thôn phát triển; tỷ lệ hộ nghèo từng bước giảm đi (còn 23,33% năm 2016).

Phát triển nông nghiệp hàng hóa, đồng thời với phát triển ngành nghề, làng nghề nông thôn  để tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nhân dân, tạo sự ổn định và phát triển bền vững. Đổi mới và nâng cao hiệu quả các hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp hàng hoá, phát triển ngành nghề, làng nghề nông thôn; tập trung vào cây trồng, vật nuôi có lợi thế của địa phương với quy mô lớn, sản phẩm có chất lượng, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường là những tiền đề cơ bản để phát triển một nền nông nghiệp bền vững./.

Thu Hương - VPĐP

Tin cùng chuyên mục