Sản xuất nông nghiệp hàng hóa ở Yên Sơn

Sau 02 năm thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TU ngày 22/5/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XVI) về phát triển nông nghiệp hàng hóa, giai đoạn 2016-2025. Huyện Yên Sơn đã định hình rõ một số vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, từng bước khẳng định thương hiệu hàng hóa trong lĩnh vực nông nghiệp.

Để thực hiện được mục tiêu của Nghị quyết đã đề ra, Ủy ban nhân dân huyện đã ban Kế hoạch, Chương trình hành động để thực hiện Nghị quyết. Đồng thời kiện toàn Ban Chỉ đạo thực hiện cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất hàng hoá đối với một số cây trồng vật nuôi và cơ chế chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trang trại trên địa bàn huyện. Tổ chức hội nghị chuyên đề về phát triển nông nghiệp hàng hóa cho các xã trên địa bàn huyện. Xây dựng 05 Đề án và 01 mô hình phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá; ban hành trên 45 văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện Nghị quyết 16-NQ/TU ngày 22/5/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khoá XVI) đến các phòng ban chuyên môn, Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn trên địa bàn huyện.


Hội nghị đánh giá kết quả phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa (Nguồn ảnh: Trang thông tin điện tử huyện Yên Sơn)

Theo đó, Ủy ban nhân dân huyện Yên Sơn đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tổ chức rà soát các vùng  sản xuất nông nghiệp hàng hóa hiện có trên địa bàn, lập quy hoạch chi tiết, đảm bảo phù hợp với đặc thù của từng vùng để tập trung phát triển, mở rộng vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp. Quy hoạch, xây dựng các khu chăn nuôi tập trung, tạo điều kiện phát triển ngành chăn nuôi theo phương thức công nghiệp. Đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, nhằm nâng cao giá trị, thương hiệu sản phẩm. Mặt khác, đẩy mạnh việc cơ giới hóa các khâu sản xuất nông nghiệp nhằm giảm chi phí và ngày công của người lao động. Đồng thời thực hiện tốt các cơ chế, chính sách của tỉnh để thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, khuyến khích sản xuất hàng hóa, phát triển kinh tế  trang trại, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào phát triển nông nghiệp hàng hóa.

Mặt khác, Yên Sơn đã ưu tiên các nguồn vốn hỗ trợ để triển khai đồng bộ các đề án phát triển kinh tế trong nông nghiệp, như phát triển nuôi trâu, thủy sản, cải tạo vườn chè già cỗi, cải tạo và chăm sóc vườn nhãn chất lượng cao, phát triển cây bưởi... Từ việc tập trung phát triển nông nghiệp hàng hóa chú trọng các sản phẩm chủ lực, có lợi thế của huyện, từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như sức cạnh tranh trên thị trường. Hiện nay trên địa bàn huyện đã có 15 sản phẩm hàng hóa tại 09 xã: Mỹ Bằng, Nhữ Hán, Nhữ Khê, Tứ Quận, Xuân Vân, Phúc Ninh, Thái Bình, Tiến Bộ, Tân Long. Hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn (vùng nguyên liệu mía trên 1.700 ha, vùng nguyên liệu chè gần 3.000 ha, vùng cây ăn quả với diện tích lớn trên 2.000 ha...). Duy trì và phát triển đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn (đàn trâu 19.291, đàn bò 9.295 con (đàn bò sữa 2.627 con), đàn lợn 134.495 con, đàn gia cầm 1.528.200 con). Phát triển chăn nuôi thủy sản trên diện tích 1.016 ha (hiện có 120 lồng cá nuôi trên song, hồ, đập).


Trồng cây ăn quả tại thôn Cây Nhãn, xã Tứ Quận

Qua quá trình triển khai thực hiện phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, kinh tế nông, lâm nghiệp, thuỷ sản của huyện đạt mức tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế nông, lâm nghiệp, thuỷ sản có chuyển biến tích cực, bước đầu hình thành vùng sản xuất tập trung như: chè, mía, bưởi, cây nguyên liệu giấy.... Chăn nuôi từng bước chuyển dịch theo hướng hàng hoá, sử dụng các giống lai, giống ngoại nhập, các giống siêu thịt, siêu trứng...Việc triển khai chính sách hỗ trợ theo các Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh  kịp thời, được người dân hưởng ứng, góp phần rất lớn trong phát triển kinh tế nông lâm nghiệp trên địa bàn huyện./.

Thu Hương - VPĐP NTM tỉnh

Tin cùng chuyên mục