Phát triển trang trại gắn với xây dựng nông thôn mới ở Yên Sơn

Phát huy lợi thế về điều kiện tự nhiên, đất đai, nguồn lao động, những năm gần đây, huyện Yên Sơn đẩy mạnh phát triển kinh tế trang trại, gia trại nhằm thực hiện mục tiêu phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp.

Những năm trở lại đây, mô hình kinh tế trang trại trên địa bàn huyện Yên Sơn phát triển rất nhanh cả về số lượng, chất lượng và quy mô hoạt động. Toàn huyện có gần 200 trang trại, trong đó tập trung chủ yếu là trang trại tổng hợp. Huyện cũng đã tập trung triển khai có hiệu quả Nghị quyết số10 của Hội đồng nhân dân tỉnh về chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trang trại. Nhờ đó, các chủ trang trại đã tiếp cận được nguồn vốn vay để mở rộng quy mô sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, các chủ trang trại đã tập trung đưa những giống cây, con giống mới vào sản xuất và chú trọng vào việc sản xuất ra các sản phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP nhằm đưa ra thị trường sản phẩm sạch có chất lượng cao.

Nổi bật trong phát triển kinh tế trang trại, không thể không nhắc đến các mô hình trang trại trồng cây ăn quả ở xã Phúc Ninh. Đến thăm trang trại của ông Nguyễn Tài Lễ, xã Phúc Ninh, huyện Yên Sơn rộng gần 3ha đang trồng giống bưởi diễn và cam đường canh. Đây là 2 loại cây đang cho hiệu quả kinh tế rất cao và được nhiều người dân ưa chuộng. Để vườn cây ăn quả luôn phát triển tốt, không bị sâu bệnh, cây cho nhiều quả và đạt chất lượng về độ ngọt, ông luôn chú trọng đến việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật tiên tiến để chăm sóc cây và sử dụng những chế phẩm sinh học. Sau khi trừ chi phí, trang trại của ông cho thu lãi hàng trăm triệu đồng mỗi năm (tính riêng năm 2017 lợi nhuận gần 700 triệu đồng). Từ thành công của gia đình, nhiều hộ dân trong và ngoài xã đến học tập kinh nghiệm phát triển mô hình trang trại trồng cây ăn quả.


Mô hình bưởi Diễn của gia đình ông Nguyễn Tài Lễ

Theo bà Khúc Thị Thu Thủy, Chủ tịch UBND xã Phúc Ninh, nhằm khuyến khích người dân phát triển kinh tế trang trại, gia trại nâng cao thu nhập, xã đã phối hợp với các cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền cơ chế chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trang trại, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất, tạo điều kiện cho bà con nông dân vay vốn ngân hàng, phát triển kinh tế hộ dựa vào tiềm năng, lợi thế của địa phương.


Phát triển mô hình trang trại cây ăn quả tại xã Phúc Ninh, huyện Yên Sơn

Thực tế cho thấy, kinh tế trang trại, gia trại phát triển đã góp phần quan trọng thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí kinh tế và tổ chức sản xuất trong Bộ tiêu chí xã nông thôn mới, giải quyết được những vấn đề mà kinh tế hộ gia đình trước đây chưa thực hiện được như: Việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất hàng hoá; xây dựng mối liên kết trong sản xuất, chủ động tiếp cận thị trường, tìm đầu ra cho sản phẩm… Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 26 triệu đồng/người/năm.

Để phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới bền vững, huyện Yên Sơn tiếp tục quan tâm triển khai các cơ chế chính sách khuyến khích phát triển nông sản hàng hóa, kinh tế trang trại ; đẩy mạnh phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển sản xuất, tạo điều kiện để người dân đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần.

Ông Tạ Văn Tình, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện đánh giá: Kinh tế trang trại, gia trại đem lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình và đóng góp chung vào sự phát triển của địa phương. Tuy nhiên, quy mô của các mô hình hiện nay phần lớn còn nhỏ, số trang trại có quy mô lớn chưa nhiều. Việc liên kết, hợp tác để tổ chức chế biến, tiêu thụ sản phẩm giữa các trang trại còn chưa chặt chẽ. Vấn đề tiếp cận nguồn vốn vay từ ngân hàng vẫn còn gặp nhiều khó khăn… Để tháo gỡ những vướng mắc nhằm phát triển kinh tế trang trại, gia trại, huyện đã đề ra một số giải pháp cụ thể về đất đai, vốn, thị trường, ứng dụng khoa học kỹ thuật, chất lượng lao động; liên kết trong sản xuất theo chuỗi giá trị… các giải pháp sẽ được triển khai một cách đồng bộ để kinh tế trang trại của huyện phát triển bền vững. Qua đó đẩy nhanh quá trình thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị trên một diện tích sản xuất, góp phần hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới trên địa bàn huyện./.

Thu Hương - VPĐP

Tin cùng chuyên mục