Nâng tầm giá trị sản phẩm

- Ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất là một trong các bước quan trọng nhằm tăng năng suất, sản lượng và nâng tầm giá trị của sản phẩm hàng hóa. Nhằm đưa mỗi sản phẩm đặc trưng, thế mạnh của địa phương được chứng nhận là sản phẩm OCOP thì các tổ chức và hộ gia đình không thể không đầu tư nâng cao giá trị sản phẩm.

Chúng tôi tới thăm vườn cam của ông Nguyễn Khắc Điệp, tổ dân phố Đồng Bàng, thị trấn Tân Yên (Hàm Yên). Đây là mô hình trồng cam hữu cơ điển hình của huyện Hàm Yên. Thị trấn Tân Yên cũng lựa chọn cam sành để đăng ký sản phẩm OCOP. Ông Điệp cho biết, mô hình trồng cam có diện tích 1 ha đã được chứng nhận trồng theo quy trình hữu cơ từ năm 2017. Từ khâu làm cỏ, cho đến bón phân, phòng bệnh cho cam, ông Điệp đều ứng dụng công  nghệ sinh học để chăm sóc. Ông đi học kỹ thuật tự chế biến, ủ phân bón, thuốc phòng bệnh bằng chế phẩm sinh học. Tuy năng suất giảm nhiều so với trước nhưng giá thành của sản phẩm cao được nâng lên, nên ông Điệp lại có thu nhập cao hơn từ trồng cam hữu cơ. Ông bảo, khi chính quyền địa phương triển khai Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” và lựa chọn cam sành vào chương trình, ông Điệp phấn khởi lắm. Được tham gia chương trình tiếp thêm động lực cho ông để ứng dụng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc cam. Bởi theo ông Điệp trồng cam theo quy trình hữu cơ, người trồng phải cầu kỳ hơn, đầu tư nhiều hơn, nếu ai không theo được có thể sẽ quay về theo phương pháp trồng, chăm sóc truyền thống. Trước đây, nếu chưa ứng dụng quy trình trồng cam hữu cơ, mỗi năm, gia đình ông Điệp cho thu hái từ 10 đến 15 tấn cam, giá bán từ 10 đến 15 ngàn đồng/kg. Nhưng nay, mỗi năm ông chỉ thu từ 5 đến 7 tấn cam, nhưng đổi lại ông bán với giá từ 22 đến 25 ngàn đồng/kg.


Mô hình bưởi của ông Nguyễn Duy Trọng, thôn Khuôn Thống, xã Phúc Ninh (Yên Sơn)đang trong giai đoạn chuyển đổi trồng hữu cơ. 

Còn vườn bưởi 2 ha của gia đình anh Nguyễn Duy Trọng, thôn Khuôn Thống, xã Phúc Ninh (Yên Sơn) cũng là một trong 4 mô hình trồng cam đang trong giai đoạn chuyển đổi sang trồng hữu cơ của xã Phúc Ninh. Nếu như trước đây, khi chưa ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trồng bưởi, mỗi năm, trung bình 1 cây bưởi cho thu hái 100 quả thì nay khi chuyển đổi sang trồng theo phương pháp hữu cơ, mỗi cây trung bình chỉ cho từ 60 đến 70 quả nhưng bưởi lại mọng nước hơn, ngọt hơn và mẫu mã đẹp hơn. Từ năm 2018, anh đã chuyển đổi sang trồng theo phương pháp hữu cơ. Trong suốt quá trình trồng, anh không sử dụng phân bón hóa học, thuốc diệt cỏ. Mà chỉ sử dụng các chế phẩm sinh học, dùng máy cắt cỏ để phát cỏ. Ngoài ra, anh còn đầu tư hệ thống tưới nước đến từng cây bưởi. Anh Trọng cho biết: “Mình cũng đăng ký tham gia Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, tới đây mình sẽ phấn đấu hoàn thiện quy trình, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại hơn nữa vào chăm sóc cây bưởi để được chứng nhận là sản phẩm OCOP”.

Theo đồng chí Vũ Thành Trung, Phó Chủ tịch UBND xã Phúc Ninh, toàn xã hiện có 995 ha bưởi, trong đó có 26,4 ha bưởi đang chuyển đổi sang trồng theo phương pháp hữu cơ, 7,5 ha cam trồng theo quy trình VietGAP. Đảng bộ xã đề ra mục tiêu đến năm 2025, toàn xã có trên 400 ha bưởi trồng theo quy trình VietGAP. Thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” và lựa chọn cây bưởi để thực hiện chương trình, xã đã vận động nhân dân đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trồng bưởi như: Hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, ứng dụng cơ giới hóa từ khâu làm cỏ, làm đất, sử dụng các công cụ tự làm để bẫy, bắt côn trùng gây hại cho bưởi mà không sử dụng các loại thuốc hóa học... Nhiều hộ cũng đầu tư hệ thống tưới nước ngầm, tự động hoặc xây dựng các bể chứa nước trên cao, đưa nước tới từng gốc bưởi...

Nương chè ở xã Mỹ Bằng (Yên Sơn). Ảnh: Cảnh Trực

Xây dựng sản phẩm chè đặc sản trở thành sản phẩm OCOP cũng được nhiều nơi trong tỉnh nỗ lực thực hiện. Theo ông Đặng Ngọc Phố, Giám đốc HTX Sơn Trà, xã Hồng Thái (Na Hang), trước đây khi chưa tham gia đăng ký thực hiện Chương trình OCOP, HTX vẫn sử dụng phương pháp chế biến chè khô bằng bếp củi. Phương pháp này khiến cho sản lượng chè bị hao hụt do tỷ lệ chè cám khá nhiều, chất lượng chè không ngon do nhiệt độ trong quá trình chế biến không chủ động được. Nhưng từ 2 năm trở lại đây, ông đầu tư hệ thống chế biến chè bằng bếp gas và điện, chất lượng chè nâng lên rõ rệt. Chè cám không còn, mẫu mã của chè đều đẹp hơn, bán được giá hơn trước.

Theo báo cáo của Sở Khoa học và Công nghệ, những năm qua, trên địa bàn tỉnh đã thực hiện thành công nhiều đề tài, dự án, đề án chuyển giao khoa học kỹ thuật trên các cây trồng, vật nuôi chủ lực của tỉnh và là thế mạnh của nhiều địa phương. Điển hình như dự án “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình trồng thay thế, thâm canh một số giống chè mới có năng suất, chất lượng cao gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị”; “Ứng dụng công nghệ thụ tinh nhân tạo trâu”; đề tài “Nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ tuyển chọn, nhân giống cam không hạt và nâng cao hiệu quả sản xuất cam”, dự án “Xây dựng mô hình vườn cam giống tốt, chất lượng cao”. Ngoài ra, Sở cũng triển khai các dự án ứng dụng khoa học kỹ thuật để phục tráng giống lạc L14 có năng suất cao tại huyện Lâm Bình, Chiêm Hóa, chuyển giao công nghệ thụ tinh nhân tạo trong sản xuất các giống cá quý hiếm…

Việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật của các HTX, hộ gia đình cho các sản phẩm chủ lực của từng nơi để tham gia sản phẩm OCOP không những nâng cao thu nhập và tăng giá trị kinh tế cho người dân mà là cơ sở quan trọng để đưa các sản phẩm này vươn xa, nhất là khi được chứng nhận là sản phẩm OCOP.

Bài, ảnh: Thủy Châu/Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục