Chuyện về “đặc sản” đường đê ở Trường Sinh

- Chớm thu, đường về xã Trường Sinh (Sơn Dương) đẹp hơn bởi màu xanh của những cánh đồng ngô dọc hai bên đường. Con đường ngày nào tôi đến bây giờ như ngắn hơn khi được trải bê tông, hai bên đường có đèn điện chiếu sáng. Cách đây chỉ vài tháng, nơi đây vẫn là con đường đất lầy lội, việc di chuyển gặp rất nhiều khó khăn, giao thương buôn bán cũng từ đó mà hạn chế...

Từ con đường khốn khổ...

Chở tôi trên chiếc xe máy qua đoạn đường ĐH04 đang thi công ở thôn Phan Lương, đồng chí Hoàng Vĩnh Ly, Phó Chủ tịch UBND xã Trường Sinh kể: “Chúng tôi vẫn thường nói vui, xã Lâm Xuyên - nay là xã Trường Sinh có đặc sản là đường đê”. Nhắc đến đặc sản nổi tiếng chắc hẳn ai cũng sẽ nghĩ ngay đến những sản phẩm nức tiếng của vùng ấy. Thế nhưng với Trường Sinh thì món “đặc sản” mà bà con vẫn thường hay nhắc đến lại là những con đường nắng thì “ăn” bão bụi, mưa lại phải đánh vật với “ma trận” ổ trâu, ổ gà, bùn lầy… Đồng chí Ly nói thêm, những năm trước người dân ở xã Trường Sinh cứ hễ có việc gì ra ngoài xã đều phải chờ ngày nắng ráo mới đi được, bởi khi đó chưa có con đường đổ bê tông như bây giờ, nếu đi vào hôm trời mưa thì chỉ có đi ủng cuốc bộ chứ xe đạp, xe máy không lăn nổi bánh...

Là người nối nghiệp lò rèn của gia đình, ông Trần Văn Nhì, thôn Phan Lương mỗi tuần 2 lần phải đẩy xe ra chợ để bán dao, liềm. Ông nói: “Cứ mỗi lần mang sản phẩm ra chợ Phan Lương bán, tôi phải gò lưng mà đẩy xe bởi đường gập ghềnh khó đi, ngày mưa thì phải một người dắt, một người đẩy mới đi được”.

Thật khó hình dung sự vất vả của người dân nơi đây khi giao thông đi lại khó khăn. Vào mùa vụ, từ việc thu hoạch đến tiêu thụ sản phẩm cũng khó trăm bề. Hiện toàn xã có tổng diện tích ngô là hơn 140 ha và 39 ha lạc. Ông Nguyễn Ngọc Giang, Trưởng thôn Phan Lương nhớ lại, mấy năm về trước, chỉ đi từ thôn này sang đến thôn khác cũng đã khó khăn rồi, hàng hóa của người dân bán ra thì rẻ gấp 2, 3 lần so với thị trường, còn hàng hóa người dân mua vào thì đắt hơn như vậy. Có những năm lợn được giá nhưng khi thương lái vào xã mua thì giá lợn giảm 2 lần so với giá thị trường, bởi thương lái phải đầu tư chi phí đi lại nhiều nên giá lợn sẽ thấp hơn, người dân cũng phải chấp nhận mà bán giá thấp. Chính vì thế, người dân nơi đây đều chung một khát khao, mong ước có con đường rải nhựa, rải bê tông như bao nơi khác.

Đường ĐH04 đang được hoàn thiện sẽ giúp cho việc đi lại của người dân thuận tiện hơn.

Đến những con đường mới

Điều mong ước của người dân giờ đây đã trở thành hiện thực khi tuyến đường đê - đường ĐH04 được Nhà nước đầu tư xây dựng vào đầu năm 2020 với tổng kinh phí 20 tỷ đồng. Đây là con đường huyết mạch của xã đi qua 9/11 thôn, bắt đầu từ thôn Quyết Tiến đến thôn Phan Lương có tổng chiều dài 5.846 m.
Ông Đỗ Xuân Trường, Chủ tịch UBND xã Trường Sinh cho biết, đối với các xã khác, việc hiến đất làm đường gặp rất nhiều khó khăn, phải xuống từng hộ dân để vận động tuyên truyền mới giải tỏa được mặt bằng thì xã Trường Sinh lại rất dễ dàng. Chỉ thông qua 2 buổi họp thôn, 100% bà con đã tự nguyện hiến đất và đồng tình hưởng ứng. Có lẽ con đường mới là khao khát của tất cả bà con trong xã nên việc giải phóng mặt bằng trở nên dễ dàng hơn. Tổng số diện tích đất người dân hiến là 7.357m2 do 532 hộ dân tự nguyện hiến tặng.

Người xưa có câu “tấc đất là tấc vàng”, nhưng với người dân ở xã Trường Sinh thì họ sẵn sàng hiến tặng “tấc vàng” để có được đường giao thông thông suốt. Gia đình ông Cao Văn Thiều, thôn Lương Thiện là một trong số hộ hiến đất nhiều nhất của xã. Để có con đường mới, ông chẳng ngại ngần gì khi hiến 112 m2 đất ở, đất sản xuất. Gia đình ông còn phá bỏ toàn bộ tường rào và cổng nhà, một số cây cổ thụ trước nhà cũng được ông chặt bỏ để giải phóng mặt bằng. Hay với gia đình ông Trần Văn An, là một hộ nghèo của thôn Phan Lương cũng tự nguyện hiến hơn 20 m2 đất ở.

Mặc dù tuyến đường hiện mới chỉ hoàn thiện khoảng 70% nhưng đường làm đến đâu hoàn thành dứt điểm đến đó nên người dân đã bước đầu được hưởng lợi. Từ ngày có con đường mới, lò rèn của gia đình ông Trần Văn Nhì, thôn Phan Lương không còn cảnh vắng khách như trước kia. Người dân từ các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ cũng tìm đến nhà ông để mua dao, liềm... Hàng hóa cứ thế bán được nhiều hơn, giá cũng cao hơn trước kia, thu nhập cũng khá hơn từ khi có con đường mới.

Chủ tịch UBND xã Đỗ Xuân Trường vui mừng bảo, bây giờ có đường mới rồi, đi lại cũng như giao thương hàng hóa thuận lợi. Mỗi ngày có hơn chục chuyến xe chở khách, chở hàng từ các xã, các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ vào xã Trường Sinh và ngược lại. Các mặt hàng đều cơ bản có giá ngang với mặt bằng chung so với miền xuôi. Các sản phẩm nông sản, chăn nuôi của bà con lại bán dễ, nhiều khi không đủ hàng cung cấp cho lái buôn, nhất là thịt lợn bán giá cao lại không có mà bán... Bên cạnh đó, nhờ đi lại và thông thương hàng hóa thuận lợi giúp người dân có điều kiện phát triển sản xuất cũng như tiêu thụ nông sản. Nhờ thế, xã đã hình thành và phát triển mô hình sản xuất lạc ép lấy tinh dầu, mở thêm cơ hội làm giàu và giúp nhiều hộ gia đình có kinh tế ổn định hơn.

Con đường mới không chỉ nối dài niềm vui mà quan trọng hơn tuyến đường hoàn thành sẽ góp phần thay đổi diện mạo hạ tầng giao thông của xã. Từ đó, tạo điều kiện cho việc đầu tư các dự án cũng như các ngành nghề phát triển, tăng thu nhập cho người dân. Đây cũng là tiền đề để xã Trường Sinh hoàn thành về đích nông thôn mới vào cuối năm 2020.

Bài, ảnh: Lý Thu/Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục