Tuyên Quang thay đổi diện mạo giao thông nông thôn

Sau hơn 12 năm Tuyên Quang thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, hệ thống đường giao thông nông thôn của tỉnh được đầu tư tương đối đồng bộ, tỷ lệ nhựa hóa và bê tông hóa đạt cao, nhiều tuyến đường mới được phát triển theo quy hoạch đảm bảo kết nối giữa các vùng trong và ngoài tỉnh.

Một tuyến giao thông huyện Lâm Bình

Giao thông nông thôn (GTNT) là một trong những tiêu chí đặc biệt quan trọng, bởi có đường giao thông thuận lợi sẽ tạo điều kiện để kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển. Tuy nhiên, để thực hiện được tiêu chí này là cả một hành trình khó khăn.

Trước những năm 2010, hệ thống GTNT trên địa bàn tỉnh còn nhiều hạn chế, đường tỉnh lộ chạy qua địa bàn nhỏ hẹp, xuống cấp, đường liên xã, liên thôn, đường ngõ xóm cũng nhỏ, hẹp, tỷ lệ cứng hóa còn thấp, khó khăn cho việc đi lại, giao thương kinh tế trong vùng. Giao thông không thuận lợi đã ảnh hưởng trực tiếp đến các mục tiêu, kế hoạch, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Một tuyến giao thông huyện Chiêm Hoá

Sau hơn 12 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) và được sự quan tâm của Trung ương, những năm gần đây GTNT Tuyên Quang đã có những bước tiến vượt bậc, những con đường đã được làm mới ở khắp các vùng quê. Bằng nguồn kinh phí của Trung ương và địa phương, Tuyên Quang đã đầu tư, xây dựng nhiều công trình công cộng như các di tích lịch sử văn hóa, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa thôn, đặc biệt là hệ thống GTNT đảm bảo kết nối giữa các vùng trong và ngoài tỉnh… Góp phần tạo nên bộ mặt nông thôn Tuyên Quang được khang trang, bề thế, hiện đại hơn. Giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh đạt kết quả khá toàn diện đến hết năm 2022, có 70/122 xã đạt và cơ bản đạt chuẩn tiêu chí số 02 về Giao thông theo Quyết định 318/QĐ-TTg ngày 08/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 479/QĐ-UBND ngày 04/8/2022 của UBND tỉnh Tuyên Quang về việc ban hành một số chỉ tiêu xã nông thôn mới và một số chỉ tiêu xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 – 2025…Tổng số đường thôn được cứng hoá là 2.969,53/3.953,8 km đạt tỷ lệ 75%; đường nội đồng là 843,28/1.651,85 km đạt tỷ lệ 51%. Hiện nay, 100% số xã trên địa bàn tỉnh có đường ô tô kết nối với đường huyện và các trung tâm hành chính, đảm bảo đi lại thuận tiện quanh năm.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang có 6.138,28 km đường giao thông chính (không kể đường ngõ xóm, đường chuyên dùng). Trong đó, có 7 tuyến quốc lộ (QL 2, QL 2C, QL 2D, QL 3B, QL 37, QL 279, QL 280). Từ nguồn vốn hỗ trợ trực tiếp của Chương trình mục tiêu quốc quốc gia xây dựng nông thôn, trong những năm qua nội dung đầu tư của Chương trình cũng đã có nhiều đổi mới, phù hợp với tình hình, trình độ phát triển nông thôn theo từng thời kỳ. Giai đoạn 2021-2025, nguồn vốn ngân sách nhà nước đã được tập trung ưu tiên hỗ trợ cho các xã đặc biệt khó khăn, các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội cơ bản (giao thông, thuỷ lợi, điện, trường học, trạm y tế, nước sạch, hỗ trợ phát triển sản xuất, bảo vệ môi trường…). Thông qua việc đầu tư, huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư, kết cấu hạ tầng thiết yếu về giao thông, thủy lợi, văn hóa, y tế, giáo dục… được quan tâm đầu tư, xây dựng đồng bộ, hiện đại.

Năm 2021: Nhựa hóa, bê tông hóa 253 km đường giao thông nông thôn (117 km đường thôn, 136 km đường nội đồng) trong đó có 109,8 km tại các xã hoàn thành xây dựng NTM (đường trục xã, liên xã 24,1 km; đường thôn, xóm: 26,5 km; đường ngõ xóm 18,4 km; đường nội đồng 40,8 km); Năm 2022, toàn tỉnh đã nhựa hóa, bê tông hóa 227 km đường giao thông nông thôn, (126 km đường thôn, 101 km đường nội đồng) trong đó có 88,2 km ở 08 xã đăng ký hoàn thành xây dựng đạt chuẩn xã nông thôn mới (đường trục xã, liên xã 7,2 km; đường trục thôn - liên thôn: 22,17 km; đường ngõ xóm 23,5 km; đường nội đồng 35,29 km); Đã hoàn thành xây dựng 38 cầu trên đường giao thông nông thôn của năm 2021;  Năm 2023: Dự kiến xây dựng, nâng cấp 694,4 km đường giao thông (gồm: 76,1 km đường huyện; 127,7km đường trục xã, liên xã; 363,7 km đường trục thôn, liên thôn; 24,1 km đường ngõ xóm; 102,78 km đường giao thông nội đồng); 68 công trình cầu, kè chống sạt lở; 05 công trình đường vận xuất; giải phóng mặt bằng bến xe khách trung tâm huyện Hàm Yên và xây dựng bến thuỷ huyện Lâm Bình. Xây dựng 39 cầu trên đường giao thông nông thôn.

Đặc biệt, Cao tốc Hà Giang - Tuyên Quang được khởi công chiều 28/5/2023 với tổng vốn đầu tư 10.000 tỷ đồng, quy mô hai làn xe, dự kiến hoàn thành cuối năm 2025. Dự án giai đoạn 1 hoàn thành sẽ tạo hành lang phát triển kinh tế từ trung tâm Thủ đô Hà Nội theo cao tốc Nội Bài - Lào Cai, cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ đến Hà Giang, đáp ứng nhu cầu đi lại, vận tải hàng hóa ngày càng tăng cao. Đồng thời, giải quyết điểm nghẽn về giao thông liên kết vùng, nội vùng giữa tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang; Đồng thời Ngày 29/5/2023 Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 586/QĐ-TTg, phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ, kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai được chia làm 2 giai đoạn, tổng chiều dài 40,2km (đoạn qua tỉnh Tuyên Quang dài 11,63km, đoạn qua tỉnh Phú Thọ dài 28,57km). Dự án có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Bắc. Sau khi hoàn thành, cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ sẽ đáp ứng được nhu cầu vận tải ngày càng tăng cao, nâng cao hiệu quả khai thác, rút ngắn thời gian, khoảng cách kết nối giữa tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Phú Thọ với vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và Hà Nội.

Sau hơn 12 năm Tuyên Quang thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, hệ thống đường GTNT được đầu tư tương đối đồng bộ, tỷ lệ nhựa hóa và bê tông hóa đạt cao, nhiều tuyến đường mới được phát triển theo quy hoạch đảm bảo kết nối giữa các vùng trong và ngoài tỉnh. Đây là điều kiện thuận lợi để Tuyên Quang tập trung khai thác tiềm năng, lợi thế sẵn có thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phấn đấu để Tuyên Quang trở thành tỉnh có tốc độ phát triển khá, toàn diện, bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc theo Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ tỉnh, và Nghị quyết số 33-NQ/TU ngày 22/6/2021 về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị động lực và hạ tầng công nghệ thông tin tỉnh, giai đoạn 2021 - 2025  đồng bộ, theo hướng hiện đại nhằm tạo sự đột phá cho sự phát triển của địa phương đồng thời gắn với công cuộc xây dựng nông thôn mới./.

Lê Thiệu Tân/Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh

Tin cùng chuyên mục