Trung Hà nỗ lực xây dựng nông thôn mới

Là một xã thuộc vùng sâu, vùng xa của huyện Chiêm Hoá, có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, đời sống còn gặp nhiều khó khăn nhưng với sự nỗ lực của cấp uỷ chính quyền, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị ở địa phương, sau hơn một thập kỷ triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đến nay xã Trung Hà đã đạt được 11/19 tiêu chí. Người dân đã có sự thay đổi rõ rệt từ nhận thức đến hành động cùng chung tay xây dựng nông thôn mới.

Lễ hội Giã cốm xã Trung Hà, huyện Chiêm Hoá

Xã Trung Hà có 18 thôn với 1.778 hộ, hơn 7.000 nhân khẩu. Triển khai xây dựng NTM trong điều kiện còn nhiều khó khăn nhưng được sự đầu tư quan tâm, giúp đỡ của Nhà nước, của các cấp các ngành, sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương và sự đoàn kết của nhân dân các dân tộc trên địa bàn nên sau hơn 10 năm thực hiện, đời sống của Nhân dân trên địa bàn xã không ngừng được cải thiện và nâng cao… xã đã tiến hành chỉ đạo toàn thể cán bộ, đảng viên, các tổ chức đoàn thể từ xã đến thôn, bản phải gương mẫu đi đầu trong phát triển kinh tế, khuyến khích, hỗ trợ các mô hình sản xuất, chuyển đổi cơ cấu, cây trồng vật nuôi phù hợp với điều kiện thực tế của xã.

Rực rỡ sắc màu – Phục dựng nghề thêu thổ cẩm xã Trung Hà (trang phục người Dao Đỏ)

Xác định tiêu chí Thu nhập và Nghèo đa chiều là hai tiêu chí tiêu chí khó thực hiện. Trung Hà đã đẩy mạnh phát triển kinh tế, ngoài duy trì diện tích cam trên 452 ha, năng suất bình quân 45 tấn/ha, giá trị sản xuất cây ăn quả hằng năm đạt trên 60 tỷ đồng. Trung Hà còn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý chặt chẽ diện tích đất trồng cây lương thực với diện tích trồng lúa gần 400 ha, đồng thời đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống, cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hoá tập trung gắn với thị trường; ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, cây trồng vật nuôi phù hợp với nhu cầu thị trường tiêu thụ. Đến nay, trên địa bàn xã đã có trên 30 hộ gia đình chăn nuôi với số lượng từ 20 đến 50 con lợn, 100 đến 300 con gia cầm/lứa; duy trì 22 ha diện tích ao, hồ để phát triển nuôi trồng thủy sản và tận dụng diện tích đất 2 vụ lúa thuận lợi nước để nuôi cá chép vào vụ đông, sản lượng cá hằng năm đạt trên 53 tấn. Năm 2023, UBND xã Trung Hà đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Chiêm Hóa, tổ chức bàn giao giống và vật tư cho các hộ tham gia mô hình “Nuôi cá chép ruộng gắn với doanh nghiệp chế biến và tiêu thụ sản phẩm” với quy mô 1 ha/11 hộ tham gia. Các hộ tham gia mô hình được Nhà nước hỗ trợ 100% giá trị đầu tư mua giống cá chép V1, vật tư chăn nuôi (thức ăn hỗn hợp, lưới,...). Ngoài ra các hộ còn được cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông tập huấn hướng dẫn kỹ thuật nuôi dưỡng và phòng trị bệnh mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của bà con nơi đây. Sau 8 tháng thực hiện, cá sinh trưởng phát triển tốt, trên đơn vị 1ha, sản lượng cá thu về được khoảng 4,08 tấn, mang lại doanh thu hơn 285 triệu đồng, trừ chi phí thu lãi trên 130 triệu đồng/ha. Từ cá người dân chế biến mắm cá truyền thống, liên kết với doanh nghiệp chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Nhờ đó giá trị từ cá tăng lên 30 - 35% so với bán cá tươi. Cùng với đó, tạo mối liên kết tiêu thụ sản phẩm xây dựng thương hiệu sản phẩm “Mắm cá chép ruộng” đặc trưng của địa phương.

Khai mạc chợ phiên Bản Ba, xã Trung Hà

Không chỉ vậy, đến nay sản phẩm OCOP cam sành Trung Hà đã được nâng hạng từ 3 sao lên 4 sao, đã tạo điều kiện để cây trồng này tiếp tục phát triển, nâng cao giá trị cho bà con nông dân. Trong giai đoạn tới, Trung Hà sẽ giữ vững ổn định diện tích cam hiện có và tập trung chú trọng vào việc nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao giá trị, mang lại nguồn thu nhập bền vững cho người  trồng trên địa bàn xã.

Bên cạnh phát triển kinh tế nông nghiệp, Trung Hà còn tổ chức thực hiện tốt các cơ chế, chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh doanh dịch vụ, xây dựng phát triển du lịch cộng đồng tại thôn Bản Ba gắn với du lịch sinh thái… đẩy mạnh phát triển các sản phẩm hàng hóa phục vụ du khách, quyết tâm phát triển kinh tế du lịch, từ đó góp phần tạo động lực cho kinh tế - xã hội phát triển, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Dự án đầu tư, tôn tạo, khai thác điểm du lịch sinh thái thác Bản Ba, xã Trung Hà, đang tập trung xây dựng Làng văn hóa du lịch cộng đồng tại thôn Bản Ba trên cơ sở khai thác giá trị văn hóa truyền thống dân tộc Tày, Dao, H’mông…như khôi phục nhà trình tường của người H’mông làm homestay; xã hội hóa xây dựng đền Bản Ba, xã Trung Hà thành điểm du lịch tâm linh gắn với quần thể du lịch sinh thái thác Bản Ba; thành lập các câu lạc bộ dân ca, dân vũ người Dao, Tày, H’mông và mở lớp truyền dạy; nâng cấp quy mô tổ chức lễ hội Lồng Tông mùng 4 tháng Giêng tại thôn Bản Ba 1 thành lễ hội cấp xã; cùng với đó xây dựng kế hoạch khôi phục nghề thủ công truyền thống: Nghề thêu Thổ cẩm đồng bào Dao (thôn Bản Ba 1 và Bản Ba 2); Nghề Mắm cá ruộng; nghề mây tre đan của người Tày... Năm 2023 Trung Hà đã được phân bổ 500,0 triệu đồng để triển khai thực hiện mô hình thí điểm thuộc Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, Thác Bản Ba được lựa chọn để xây dựng mô hình điểm “Phát triển mô hình du lịch nông thôn, xây dựng Làng văn hóa du lịch cộng đồng tại thôn Bản Ba 1, Bản Ba 2, xã Trung Hà, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang”.

Với đặc điểm xã có đông đồng bào các dân tộc cùng sinh sống, trong những năm vừa qua, chính quyền xã luôn quan tâm, động viên người dân phải giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, phát triển kinh tế phải đi đôi với bảo tồn những nét văn hóa, lễ hội truyền thống. Năm 2023 xã Trung Hà đã phục dựng Lễ hội Lồng Tông (Xuống đồng) theo đúng nghi lễ truyền thống, gồm có 2 phần. Phần lễ diễn ra trang trọng với các nghi lễ cúng tế từ Đình Bản Rường, thuộc thôn Lang Chang, sau đó di chuyển về sân vận động trung tâm xã làm lễ cúng trời đất, thành Hoàng Làng, thực hiện các bước lễ đặt mâm tồng, lễ tạ ơn, lễ cầu mưa, lễ cày tịch điền, lễ chúc phúc và lễ phát tồng. Các mâm Tồng có các sản vật của địa phương để dâng tạ ơn các vị thần đã phù hộ cho người dân địa phương có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Phần hội với có trò chơi dân gian tung còn và các hoạt động văn hóa, thể thao trong không gian văn hóa dân tộc.... Lễ hội có thể xem như một "Bảo tàng sống", nói lên hoạt động phong phú, sinh động đời sống tâm linh của tộc người Tày, ngoài Lễ hội Lồng Tông, Trung Hà còn phục dựng lễ hội Giã cốm, nghi Lễ nhảy lửa dân tộc Dao đỏ xã Trung Hà. Năm 2023 Trung Hà đã tổ chức Lễ đón nhận Chứng nhận tri thức về cọn nước của người Tày xã Trung Hà, là Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia. Việc phục dựng các Lễ hội không chỉ lưu giữ nét văn hóa truyền thống mà còn góp phần thu hút đông đảo du khách mọi miền đến với Trung Hà, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho Nhân dân nơi đây, đồng thời góp phần hoàn thành tiêu chí Thu Nhập, nghèo đa chiều trong xây dựng NTM cho Trung Hà.

Cùng với tổ chức sản xuất, Trung Hà cũng quan tâm đến vấn đề môi trường, nhiều mô hình cải tạo cảnh quan môi trường thiết thực đã được đưa vào áp dụng như: Tổ chức ra mắt và thành lập các mô hình về công tác vệ sinh môi trường, vận động nhân dân thu gom, xử lý rác thải. Tổ chức cho các khu dân cư ký cam kết thi đua thực hiện phong trào “Trung Hà chung tay xử lý rác thải và chống rác thải nhựa”, triển khai mô hình tự quản bảo vệ môi trường và chống rác thải nhựa giai đoạn 2021 - 2025. Tổ chức các buổi vệ sinh đường làng, ngõ xóm, trường học, thu gom rác thải, vệ sinh phát dọn đường giao thông nông thôn, nạo vét kênh mương. Đến nay không gian nông thôn của Trung Hà ngày càng được cải thiện, đảm bảo vệ sinh môi trường, sáng - xanh - sạch - đẹp. Thực hiện Chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả”, đến nay sau hơn 5 năm triển khai Trung Hà đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Đặc biệt, đã góp phần nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường của người dân. Đến hết tháng 12/2022, toàn xã đã có 18/18 thôn đạt chuẩn tiêu chí an toàn cộng đồng, 1.778/1.778 hộ được sử dụng nước sạch chiếm tỷ lệ 100%, điều kiện vệ sinh môi trường từng bước được nâng cao. Năm 2022, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã đạt trên 37,40 triệu đồng/người/năm. Phấn đấu năm 2024 đạt 45 triệu đồng/người/năm.

Đến với xã Trung Hà hôm nay có thể cảm nhận được diện mạo mới của vùng nông thôn. Những ngôi nhà khang trang, đường làng, ngõ xóm sáng, xanh, sạch, đẹp. Phong trào xây dựng đời sống văn hóa gắn với xây dựng NTM đã và đang phát huy hiệu quả, tỷ lệ gia đình đạt chuẩn văn hóa năm 2022 đạt trên 95%. Thời gian tới Trung Hà sẽ tiếp tục phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể trong việc tuyên truyền, vận động Nhân dân, đầu tư kinh phí và tăng cường huy động các nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội, đáp ứng Bộ tiêu chí xã NTM. Đồng thời, tập trung khai thác các điều kiện thuận lợi của địa phương, đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi, có cơ cấu chuyển đổi theo điều kiện liên kết phù hợp, tạo ra sản phẩm chất lượng cao, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, đảm bảo an ninh - trật tự nông thôn theo chuẩn NTM, phấn đấu hoàn thành các tiêu chí xã NTM vào năm 2024./.

Lê Thiệu Tân/Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh

Tin cùng chuyên mục