Yên Thuận xây dựng nông thôn mới

Yên Thuận là xã xa nhất của huyện Hàm Yên, thời gian qua, được sự quan tâm, hỗ trợ của nhà nước, sự nỗ lực vươn lên của người dân, Yên Thuận đã thay đổi từng ngày, cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng kiên cố, đường xã, đường thôn, liên thôn được bên tông hóa khang trang diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc, đời sống người dân từng bước được nâng cao.

Rêu phong phủ mái nhà tại thôn Cao Đường, xã yên Thuận, thu hút khách du lịch thăm quan, chụp ảnh (ảnh nguồn Internet)

Xã Yên Thuận hiện có trên 1.388 hộ dân, với trên 5.800 nhân khẩu. Thời gian qua, để giúp người dân trên địa bàn ổn định cuộc sống, xã đã vận động người dân đẩy mạnh áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, đáp ứng nhu cầu thị trường. Cùng với đó, xã cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đào tạo nghề, vận động người dân trong độ tuổi lao động đi tham gia làm việc ở các công ty trong và ngoài nước để có nguồn thu nhập ổn định.

Xác định nhiệm vụ trọng tâm là phát triển kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm. Đảng bộ xã Yên Thuận đã triển khai phong trào thi đua “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi” đã có nhiều tấm gương hội viên làm kinh tế giỏi, với những cách làm hay để những hội viên khác học tập.

Điển hình là gia đình ông Phạm Văn Bừng, thôn Sơn Thủy với việc thành lập Hợp tác xã Chè xanh Thuận Thủy với hơn 11 thành viên tham gia. Hiện nay, sản phẩm chè xanh được chế biến tại xưởng được cung cấp ra thị trường với giá từ 130.000 đồng/kg cao gấp nhiều lần so với bán chè búp tươi, mang lại nguồn thu nhập cao cho các thành viên hợp tác xã. Hiện Yên Thuận có 5 Hợp tác xã (HTX). Trong đó, HTX Chè xanh Thuận Thủy, là 1 trong 5 HTX đủ điều kiện để được hỗ trợ theo Dự án "Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng, miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị” . Ông Bừng, Chủ nhiệm HTX bày tỏ: Những năm qua, HTX đã từng bước phát triển, sản phẩm chè của HTX đã đạt OCOP 3 sao. Ông Bừng kỳ vọng, trong thời gian tới, được sự quan tâm của các cấp, ngành, sản phẩm của HTX sẽ được nâng cao chất lượng, mở rộng thị trường, thu nhập và đời sống của các thành viên được nâng lên, đóng góp đắc lực vào sự phát triển chung của địa phương.

Trong những năm gần đây, cây chè đã thực sự trở thành cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế đáng kể cho người dân và người dân đã dần đầu tư vào phát triển trong việc trồng, chăm sóc và chế biến chè tại địa phương. Cây chè là một trong 3 cây chủ lực của xã Yên Thuận. Hiện nay xã đang duy trì diện tích trồng chè với trên 344 ha, năng suất bình quân 93 tạ/ha. Để cây chè có thể duy trì và phát triển mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân, xã Yên Thuận đã phối hợp với các ban ngành, đoàn thể, cán bộ khuyến nông tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trong việc trồng, chăm sóc cây chè cho người dân

Bên cạnh phát triển kinh tế nông nghiệp, Yên Thuận còn tổ chức thực hiện tốt các cơ chế, chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh doanh dịch vụ, đặc biệt là phát triển du lịch cộng đồng, Homestay tại thôn Cao Đường, giữ gìn bảo tồn bản sắc văn hoá dân tộc thu hút khách du lịch góp phần xây dựng kinh tế xã hội ở địa phương.

Với độ cao trên 1.000m so với mực nước biển, Cao Đường được ví như Sa Pa của huyện Hàm Yên, được thiên nhiên ban tặng khí hậu mát mẻ quanh năm, thôn nằm dưới thung lũng bao quanh là những ngọn núi trùng điệp, rất phù hợp cho phát triển du lịch sinh thái. Mấy năm trở lại đây, người dân ở Cao Đường nhận thức rất rõ về tiềm năng phát triển du lịch của quê hương mình nên họ đang từng ngày nỗ lực giữ gìn văn hóa truyền thống, cải tạo khuôn viên, nhà ở… từng bước đưa Cao Đường trở thành điểm du lịch của địa phương. Hằng năm, khi bắt đầu vào mùa hè, xã Yên Thuận thường tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ để thu hút du khách du lịch. Hai năm trở lại đây, khi xã tổ chức các hoạt động văn hóa gắn với du lịch, số lượng khách du lịch lên Cao Đường tăng cao, có thời điểm ước tính có khoảng 4 đến 5 nghìn lượt khách. Các homestay có thể đáp ứng nhu cầu từ 30 đến 40 khách đến lưu trú song cũng kín chỗ, chính quyền địa phương phải vận động các hộ dân khác chỉnh trang nhà cửa để đón khách và phục vụ khách ăn uống, lưu trú mới đủ. Năm 2023 chính quyền xã Yên Thuận đã phối hợp với Trung tâm Văn hóa, Truyền thông và Thể thao huyện Hàm Yên tổ chức các hoạt động trải nghiệm, thể thao, văn nghệ tại thôn Cao Đường, với nhiều hoạt động như giao lưu bóng chuyền hơi giữa các xã lân cận thuộc Tuyên Quang và Hà Giang. Cùng đó là lập nhiều gian hàng với các mặt hàng đặc sản của miền quê để thu hút du khách tham quan, lựa chọn.

Hiện nay nhiều gia đình người Dao sinh sống trên 20 năm ở Cao Đường còn nuôi rêu xanh trên mái những ngôi nhà sàn. Đây là nét độc đáo vẫn còn được người Dao nơi đây bảo tồn và cũng là nét riêng có thu hút khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm, góp phần nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững cho bà con nơi đây.

Đến nay con đường bê tông dài gần 10 km nối từ trung tâm xã lên thôn Khau Làng, Cao Đường hai bên là những hàng cột điện đưa điện lưới quốc gia thắp sáng những ngôi nhà nơi vùng cao này đã hoàn thành. Năm 2023 tuyến đường từ nhà văn hóa thôn Bơi sang trung tâm thôn Nà Khà cũ của xã Yên Thuận cũng đã được khởi công, không chỉ giúp việc đi lại, giao thương của người dân được thuận lợi mà còn góp phần giúp Yên Thuận cán đích tiêu chí giao thông trong xây dựng nông thôn mới.

Không chỉ vậy, hưởng ứng Chương trình trồng 1 tỷ cây xanh với thông điệp “Vì một Việt Nam xanh”. Năm 2023 chính quyền xã Yên Thuận cũng đã phối hợp với Hội Nông dân huyện tổ chức Lễ phát động hưởng ứng Chương trình. Sau Lễ phát động, các đại biểu đã trồng trên 100 cây mận tam hoa dọc tuyến dường vào thôn Cao Đường, xã Yên Thuận. Đây cũng là địa điểm trong hướng phát triển du lịch sinh thái của huyện Hàm Yên.

Nhờ thực hiện các giải pháp đồng bộ, Yên Thuận hiện nay đã có nhiều thay đổi, đời sống người dân từng bước được nâng lên. Hiện, toàn xã có 344 ha chè; 756 ha rừng sản xuất và 644 ha cam sành. Năm 2022, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 39 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều của xã còn 42,81%; 100% hộ gia đình được sử dụng điện lưới quốc gia; 100% trẻ em được đến trường đúng độ tuổi; 77% hộ được sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh…nhiều công trình điện thắp sáng, trường học, trạm y tế, trụ sở xã, đường giao thông tới các thôn... được xây dựng khang trang, kiên cố.

Có thể thấy "làn gió" xây dựng NTM đã tạo nên sự đổi mới, tiến bộ trong cả nhận thức và hành động từ cán bộ đến người dân trên địa bàn. Xây dựng NTM từ yêu cầu đã trở thành nhu cầu, từ hy vọng đã trở thành khát vọng, từ nhận thức phải làm nay đã trở thành "muốn được làm"...Nếu coi hơn một thập kỷ xây dựng NTM của Yên Thuận là một hành trình đầy thách thức thì đây chính là hành trình Yên Thuận chiến thắng cái nghèo, tiến lên làm giàu trên vùng quê nông thôn. Là hành trình Yên Thuận nhân lên những vùng quê giàu đẹp, văn minh, hiện đại; nhân lên những nông dân năng động, tự tin, dám làm giàu chính đáng. Hành trình xây dựng NTM của Yên Thuận là hành trình chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc./.

Trần Hồng Khuyên/Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh

Tin cùng chuyên mục