Thổ Bình vững bước trên con đường xây dựng nông thôn mới

Nhằm tạo bước đi vững chắc, năm 2021 huyện Lâm Bình chỉ chọn duy nhất xã Thổ Bình để tập trung mọi nguồn lực xây dựng đạt chuẩn nông thôn mới. Trước trách nhiệm lớn này, cấp ủy, chính quyền và người dân xã Thổ Bình đã đồng sức, đồng lòng, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các tiêu chí, phấn đấu về đích nông thôn mới theo đúng lộ trình, kế hoạch mà huyện, xã đã đề ra với quyết tâm cao nhất.

Một tuyến đường hoa xã Thổ Bình

Để hoàn thiện những tiêu chí trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới, xã đã có những giải pháp kịp thời, phù hợp với đặc thù của một xã vùng cao như tổ chức quán triệt, tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, các nội dung chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới để cả hệ thống chính trị cùng tham gia. Đồng thời, thống kê rà soát các danh mục cần đầu tư nâng cấp, tham mưu cho UBND huyện trình  UBND tỉnh phê duyệt danh mục, cấp vốn đầu tư các công trình như làm 7,1 km đường giao thông liên thôn, đường ngõ xóm và đường nội đồng; xây dựng, nâng cấp trường Tiểu học xã Thổ Bình; xây dựng 01 nhà văn hóa thôn, 01 sân thể thao thôn và hỗ trợ trang thiết bị cho 09 nhà văn hóa thôn; xóa nhà tạm cho 12 hộ dân…Đến nay cơ sở hạ tầng của xã cơ bản đã được đầu tư và nâng cấp đồng bộ như điện, đường, trường học, trạm y tế, hệ thống nước sinh hoạt được đảm bảo theo quy định.


Trạm y tế xã Thổ Bình (ảnh nguồn Internet)

Tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân tu sửa, chỉnh trang nhà cửa ngăn nắp sạch sẽ, xây dựng các công trình phụ trợ bố trí đảm bảo vệ sinh thuận tiện cho sinh hoạt, phù hợp với phong tục tập quán sinh hoạt của từng dân tộc. Đến nay tỷ lệ hộ có nhà tiêu, nhà tắm, thiết bị chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh và đảm bảo 3 sạch là 1.066/1.347 hộ gia đình đạt 79,1%. Đặc biệt, xã đã quan tâm thực hiện tốt tiêu chí môi trường, bởi đây là tiêu chí khó thực hiện trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới nhất là đối với một xã vùng cao, vùng đồng bào dân tộc như Thổ Bình. Có thể nói, việc hoàn thiện tiêu chí môi trường là một trong những nỗ lực rất lớn không chỉ của cán bộ, chính quyền mà còn có sự đóng góp, nỗ lực của nhân dân các dân tộc trên địa bàn xã. Người dân giờ đây đã có ý thức hơn trong việc giữ vệ sinh môi trường, xây dựng chuồng nuôi nhốt gia súc, không còn tình trạng thả rông gia súc gây mất vệ sinh. Hàng tuần nhân dân trong xã tổ chức quét dọn, tổng vệ sinh đường làng, ngõ xóm, khơi thông cống rãnh đảm bảo vệ sinh môi trường sống. Đồng thời, xây dựng hương ước, quy ước và ký cam kết với các hộ gia đình, cơ sở sản xuất kinh doanh đảm bảo vệ sinh môi trường.

Với tổng nguồn vốn đầu tư hơn 16,8 tỷ đồng, hệ thống giao thông nông thôn, các cơ sở y tế, văn hóa, giáo dục được xây dựng kiên cố khang trang, đáp ứng tốt mọi nhu cầu trong đời sống sinh hoạt, sản xuất, học tập, chăm sóc sức khỏe và hưởng thụ văn hóa của nhân dân. Từ đây, diện mạo nông thôn xã Thổ Bình đã thực sự khởi sắc để phát triển một cách ổn định và bền vững. Chất lượng đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của người dân trên địa bàn ngày càng được nâng cao. Qua rà soát đến nay xã Thổ Bình còn 03 tiêu chí cần củng cố, hoàn thiện (Tiêu chí số 6 về Cơ sở vật chất văn hóa, tiêu chí số 10 về Thu nhập, tiêu chí số 11 về Hộ nghèo) đây đều là những tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới, có vai trò thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, nhưng đây cũng là tiêu chí khó đối với các địa phương, nhất là với những xã vùng cao đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục có diến phức tạp, khó lường.

Việc phát triển sản xuất gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, nâng cao thu nhập cho người dân và nâng cao lợi thế cạnh tranh các sản phẩm là thế mạnh của địa phương cũng được triển khai một cách toàn diện, tạo ra những bước đột phá lớn cả trong tư duy và tính hiệu quả sản xuất. Xã Thổ Bình đã đẩy mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp, lâm nghiệp theo hướng áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, sản xuất hàng hoá, tập trung, tạo ra sản phẩm chất lượng tốt, an toàn, đặc trưng và có khả năng cạnh tranh trên thị trường. Tiêu biểu là Chương trình mỗi xã một sản phẩm, đến nay xã đã có 06 sản phẩm OCOP đạt chất lượng 3 sao như: Dê núi Thổ Bình, Lạc nhân Thổ Bình, chè Shan Khau Mút,  rau Bò Khai Lâm Bình, Giảo cổ Lam Lâm Bình… Đặc biệt lạc củ Thổ Bình năm 2021 đã được gieo trồng trên 239 ha, sản lượng 800 tấn, tổng thu nhập từ cây lạc hơn 8 tỷ đồng.  Bên cạnh thúc đẩy phát triển toàn diện, Thổ Bình còn đặc biệt chú trọng đến công tác giảm nghèo và an sinh xã hội để không một ai bị bỏ lại phía sau. Cùng với việc triển khai các chương trình mục tiêu giảm nghèo, tạo điều kiện thuận lợi nhất để người nghèo được tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi phát triển sản xuất và làm nhà ở, chính quyền và các ngành chức năng còn thực hiện hiệu quả, kịp thời các chính sách hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo về các chính sách y tế, giáo dục, khuyến nông, khuyến lâm, nước sạch sinh hoạt, xóa nhà tạm, dột nát... Theo kết quả rà soát, đánh giá 09 tháng đầu năm 2021 xã đã hỗ trợ 176 hộ chỉnh trang nhà ở, khuôn viên, hoàn thành xóa 12 nhà tạm, hiện trên địa bàn xã không còn nhà tạm, thu nhập bình quân đầu người đạt 37,1 triệu đồng/người, phấn đấu đến hết năm 2021 sẽ đạt 39,41 triệu đồng/ngươi/năm, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm xuống còn 11,7%.

Với diện tích đồi rừng tương đối lớn, lâm nghiệp cũng được xác định là thế mạnh trong phát triển kinh tế của xã, đây là tiềm năng lớn để chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa. (tổng diện tích đất lâm nghiệp trên 6.569 ha, trong đó, rừng phòng hộ trên 4.100 ha, đất rừng sản xuất trên 2.000 ha). Để chủ động trong phát triển kinh tế rừng, chính quyền xã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, các tổ chức tín dụng trên địa bàn huyện giúp người dân tìm nguồn cung ứng giống, vốn, hướng dẫn áp dụng khoa học kỹ thuật trong việc lựa chọn và chăm sóc cây. Riêng trong năm 2020, xã Thổ Bình trồng mới 87,3 ha rừng. Trong đó trồng rừng sản xuất là 79 ha, trồng rừng phân tán 8 ha. Việc triển khai thực hiện có hiệu quả công tác trồng rừng đã tạo cho nhiều vùng đất trống đồi núi trọc được phủ xanh, đồng thời tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, góp phần xóa đói giảm nghèo, cải tạo được môi trường sinh thái và tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế - xã hội ở địa phương phát triển.  Qua đó, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

“Trong không khí tất bật, huy động lực lượng tập trung nâng cao các tiêu chí đã đạt và đẩy nhanh xây dựng các tiêu chí chưa đạt, mặc dù có áp lực về mặt thời gian và ảnh hưởng kéo dài của đại dịch Covid-19, nhưng lãnh đạo xã sẽ tăng cường giám sát, đôn đốc các nhà thầu trong suốt quá trình xây dựng để vừa bảo đảm tiến độ, vừa đạt chất lượng cao nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng, không để lãng phí nguồn vốn của Nhà nước”, ông Quan Văn Sỹ, Chủ tịch UBND xã Thổ Bình, trao đổi./.

Lê Thiệu Tân/Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh

Tin cùng chuyên mục