Triển khai công tác xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới năm 2022

Từ ngày 23/9 đến ngày 27/9/2021, Đoàn công tác liên ngành của Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Tuyên Quang do đồng chí Lê Hải Nam, Chi cục trưởng Phát triển nông thôn, Phó Chánh văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Tuyên Quang làm Trưởng đoàn đã tổ chức rà soát, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới đối với các xã đăng ký hoàn thành đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao năm 2022 trên địa bàn huyện Hàm Yên và Chiêm Hóa.
Quang cảnh buổi họp đánh giá tiến độ xây dựng nông thôn mới tại xã Bạch Xa huyện Hàm Yên

Tham dự các buổi làm việc có đại diện lãnh đạo và chuyên viên Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh; đại diện các Sở: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải; Giáo dục và Đào tạo; các huyện, thành phố có đại diện lãnh đạo Văn phòng Điều phối nông thôn mới cấp huyện và đại diện lãnh đạo các phòng ban chuyên môn của huyện; các xã đăng ký kế hoạch năm 2022 có thành viên Ban Chỉ đạo, Ban Quản lý xây dựng nông thôn mới cấp xã và đại diện các trường học, trạm Y tế, Giám đốc hợp tác xã trên địa bàn xã.

Theo Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, năm 2022: Huyện Chiêm Hóa phấn đấu có thêm xã Hùng Mỹ đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn đến hết năm 2022 lên 12/23 xã và 01 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (xã Yên Nguyên); huyện Hàm Yên phấn đấu có thêm 03 xã (Minh Khương, Bạch Xa, Yên Phú) đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn của huyện đến hết năm 2022 lên 11/17 xã.

Đánh giá kết quả triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc xây dựng nông thôn mới đối với các xã của Văn phòng Điều phối nông thôn mới huyện Chiêm Hóa và huyện Hàm Yên, trong thời gian qua Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới các xã đã bám sát chủ trương, đường lối và mục tiêu, nhiệm vụ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của Đảng và Nhà nước; quá trình tổ chức thực hiện đã vận dụng sáng tạo các văn bản hướng dẫn của các bộ, ngành, văn bản hướng dẫn của tỉnh, huyện đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương; đồng thời phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên Ban Chỉ đạo, Ban Quản lý trực tiếp quản lý, phụ trách từng tiêu chí, chỉ tiêu xã gắn với từng Bộ tiêu chí nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao,phân công trách nhiệm phụ trách đến từng thôn; thường xuyên sắp xếp, kiện toàn Ban Phát triển các thôn đảm bảo phát huy hiệu quả hoạt động... Ban Chỉ đạo, Ban Quản lý xã đã xây dựng kế hoạch, tổ chức kiểm tra để đôn đốc tiến độ thực hiện xây dựng nông thôn mới trên địa bàn; hàng năm xây dựng kế hoạch cân đối nguồn vốn hỗ trợ trực tiếp từ Chương trình, vốn ngân sách nhà nước phân bổ, nguồn vốn lồng ghép từ các chương trình dự án, vốn hỗ trợ của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân để thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới theo lộ trình, kế hoạch. Từ đó đã đạt được những kết quả quan trọng trong việc nâng số tiêu chí chưa đạt chuẩn theo từng Bộ tiêu chí, cụ thể:

Đối với 04 xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới, kết quả đánh giá hiện trạng theo Bộ tiêu chí xã nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, đến nay xã Yên Phú đã hoàn thành 13/19 tiêu chí; xã Bạch Xa và xã Hùng Mỹ đã hoàn thành 12/19 tiêu chí; xã Minh Khương đạt 11/19 tiêu chí. Hiện trạng 04 xã đều đạt tiêu chí Quy hoạch, Thủy lợi, Cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, Thông tin và Truyền thông, Lao động việc làm, Giáo dục và Đào tạo, Văn hóa, Hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật. Bên cạnh đó, về điện có 02 xã đạt chuẩn tiêu chí (xã: Bạch Xa và Hùng Mỹ), 02 xã còn lại đã có kế hoạch thực hiện năm 2021 để hoàn thành tiêu chí; về Quốc phòng và An ninh có 03 xã đạt chuẩn tiêu chí (xã: Bạch Xa, Minh Khương và Hùng Mỹ). Kết quả đánh giá cũng cho thấy, song  song với những khó khăn trong thực hiện tiêu chí Môi trường và an toàn thực phẩm (hiện 04 xã đều chưa đạt tiêu chí), Thu nhập, Hộ nghèo, Tổ chức sản xuất,… thì các xã cần tiếp tục có sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ nguồn lực từ các nguồn vốn, các chương trình dự án của nhà nước và tăng cường huy động vốn tài trợ, viện trợ, đóng góp của người dân để hoàn thiện các tiêu chí về hạ tầng kinh tế - xã hội như: Giao thông, Trường học, Cơ sở vật chất văn hóa, Nhà ở dân cư, Y tế,… để phấn đấu hoàn thành 19/19 tiêu chí, đạt chuẩn xã nông thôn mới.

Đối với xã Yên Nguyên đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, đã hoàn thành 12/18 tiêu chí theo Bộ tiêu chí giai đoạn 2016-2020 (gồm: Quy hoạch; Thủy lợi; Điện; Thông tin và truyền thông; Nhà ở dân cư; Hộ nghèo; Lao động có việc làm; Giáo dục và đào tạo; Y tế;Văn hóa; An ninh trật tự; Hành chính công); còn 06 tiêu chí chưa đạt: Giao thông; Trường học; Thực hiện quản lý, sử dụng, duy tu, bảo trì, nâng cấp đảm bảo hiệu quả sử dụng các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội đã được đầu tư; Thu nhập; Tổ chức sản xuất; Cảnh quan - Môi trường. Trong đó có tiêu chí Trường học, Tổ chức sản xuất, Cảnh quan – Môi trường là những tiêu chí khó khăn nhất, cần có sự chủ động vào cuộc và quyết tâm cao độ của cấp ủy, chính quyền và nhân dân trên địa bàn, cũng như sự hỗ trợ đầu tư nguồn lực từ ngân sách nhà nước.

 Thảo luận về mục tiêu, kế hoạch vốn và nhiệm vụ, giải pháp thực hiện đối với từng xã, các đại biểu tham dự đã tập trung thảo luận, đánh giá, xác định nhiệm vụ và giải pháp củng cố, duy trì, giữ vững, nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt và khối lượng, nhiệm vụ cần thực hiện đối với các tiêu chí chưa đạt. Đồng thời phân tích làm rõ tiêu chí, chỉ tiêu mà người dân cần chủ động thực hiện, tiêu chí đã có cơ chế chính sách hỗ trợ theo phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”, tiêu chí cần có sự hỗ trợ đầu tư từ ngân sách nhà nước, cũng như sự cần thiết phải huy động sự vào cuộc tích cực từ cộng đồng xã hội, đặc biệt đối với khối doanh nghiệp nhằm tăng cường nguồn vốn vận động, tài trợ để hỗ trợ thực hiện đối với các xã. Tại mỗi buổi làm việc, lãnh đạo Văn phòng Điều phối nông thôn mới cấp huyện đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các phòng, ban chuyên môn trong việc phát huy vai trò, trách nhiệm của cơ quanquản lý, phụ trách tiêu chí, chỉ tiêu xã nông thôn mới, xã nông thôn mới nâng cao, quá trình thực hiện nhiệm vụ cần đặc biệt chú ý đến việc giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các tiêu chí chưa đạt, việc tổ chức tự đánh giá kết quả thực hiện tiêu chí, chỉ tiêu ở các xã.

Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới các xã cũng đề xuất cấp huyện, cấp tỉnh ưu tiên bố trí nguồn vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình đã được phê duyệt, những công trình hạ tầng gắn với tiêu chí chưa đạt; hỗ trợ kinh phí kịp thời cho các hộ nghèo, cận nghèo có nhu cầu xóa nhà tạm, dột nát; triển khai nhân rộng các mô hình bảo vệ cảnh quan môi trường nông thôn, dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, các mô hình, dự án mới gắn với tiêu thụ sản phẩm để góp nâng cao thu nhập cho người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã...


Mô hình trồng dưa lưới (ứng dụng công nghệ cao) tại thôn 8, xã Yên Phú, huyện Hàm Yên

Tại các buổi làm việc, đồng chí Lê Hải Nam - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, Phó Chánh Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh yêu cầu: Các xã cần xác định rõ xây dựng nông thôn mới là quá trình thường xuyên, liên tục, “có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc”, do vậy cần đặc biệt quan tâm đến việc rà soát, điều chỉnh bổ sung quy hoạch cho phù hợp thực tế phát triển từng giai đoạn, tích cực hơn nữa trong việc tổ chức thực hiện kế hoạch duy trì, giữ vững, nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt, cụ thể hóa kế hoạch, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện các tiêu chí chưa đạt theo Bộ tiêu chí xã nông thôn mới, xã nông thôn mới nâng cao trong năm 2022 để xác định nguồn lực cần huy động nhằm đảm bảo hoàn thành mục tiêu, kế hoạch đã đề ra. Đồng thời tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân trong thực hiện chỉnh trang khuôn viên nhà ở, cải tạo vườn tạp, xây dựng công trình vệ sinh, chuồng trại chăn nuôi đảm bảo hợp vệ sinh, bảo vệ đường làng ngõ xóm, cảnh quan môi trường, giữ gìn an ninh trật tự an toàn xã hội... và tham gia xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội theo chính sách “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”; ưu tiên lựa chọn thôn, vườn đủ điều kiện để thực hiện chỉ đạo xây dựng “Thôn nông thôn mới kiểu mẫu”, “Vườn mẫu nông thôn mới” nhằm tạo điểm sáng để nhân diện rộng, hướng tới mục tiêu xây dựng khu vực nông thôn thành những “Miền quê thực sự đáng sống”./.

Trần Gia Lam/Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh

Tin cùng chuyên mục