Kinh nghiệm thực hiện phong trào nông thôn mới Saemaul

Với mục tiêu cải thiện môi trường sống và phát triển sinh kế cho người dân nông thôn, phát triển thôn, xóm thành một ngôi làng đáng sống, là mô hình kiểu mẫu sáng giá trong phong trào xây dựng nông thôn mới tại Việt Nam. Đó chính là mục tiêu của Quỹ toàn cầu hóa Saemaul Hàn Quốc trong triển khai chương trình hỗ trợ “Làng thí điểm nông thôn mới” tại Việt Nam.

Xóm Tổ, xã Phượng Tiến, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên là một xóm trung du miền núi, với 60 hộ dân, 243 nhân khẩu, chủ yếu là bà con dân tộc thiểu số sinh sống. Là xóm nghèo nhất của xã Phượng Tiến, giao thông đi lại khó khăn, bà con có rất ít cơ hội được giao lưu với bên ngoài, thu nhập các hộ gia đình chủ yếu là trồng lúa, trồng trọt và chăn nuôi vẫn còn tự cung, tự cấp. Năm 2014, xóm Tổ được lựa chọn xây dựng “Làng thí điểm nông thôn mới” tại Việt Nam dưới sự hỗ trợ của Quỹ toàn cầu hóa Saemaul Hàn Quốc.


Nhà văn hóa Saemaul xóm Tổ, xã Phượng Tiến , huyện Định Hóa

Chia sẻ kinh nghiệm về kết quả thực hiện phong trào “Nông thôn mới Saemaul xóm Tổ”, ông Bùi Văn Cường - Trưởng xóm phấn khởi trao đổi về những thành quả đạt được sau hơn 04 năm triển khai thực hiện chương trình hỗ trợ của Quỹ:

Thứ nhất là nâng cao nhận thức, dân trí cho người dân:

Việc thành lập hiệp hội Saemaul xóm Tổ, mỗi tháng tổ chức họp định kỳ để cùng chia sẻ, lắng nghe, đóng góp ý kiến, tìm ra giải pháp tháo gỡ vấn đề và thực hiện dự án. Nhờ đó các dự án được triển khai có hiệu quả, người dân cũng mạnh dạn bày tỏ quan điểm, ý kiến, chủ động trong việc thay đổi nhận thức để tham gia dự án.

Tinh thần Saemaul “Cần cù - Tự lực - Hợp tác” đã được thấm nhuần đến người dân qua những khóa tập huấn, những bài hát Saemaul vang lên từ phòng phát thanh Saemaul xóm Tổ vào mỗi sáng thức dậy. Toàn bộ phụ nữ trong xóm được tập huấn về y tế, chăm sóc giáo dục trẻ, vệ sinh môi trường. Hội phụ nữ xây dựng phong trào mỗi tháng một lần vệ sinh đường làng, ngõ xóm, giữ gìn cảnh quan môi trường của xóm.

Ngoài ra, bà con trong xóm được tập huấn về kỹ thuật trồng trọt, đào tạo kiến thức chăn nuôi gia súc, gia cầm. Từ đó, giúp người dân lựa chọn giống cây trồng phù hợp, cho năng suất, chất lượng hơn, phát hiện được các loại bệnh, kịp thời cứu chữa, giảm thiệt hại trong chăn nuôi. Các em học sinh được học các kiến thức sinh lý xã hội. Học tiếng Hàn, học võ, trong đó có em học sinh từng thi đấu và đạt giải cao.

Thứ hai là cải thiện rõ rệt về cơ sở hạ tầng:

Cổng làng được xây dựng cao đẹp, vững chãi như tinh thần Saemaul trong lòng người dân xóm Tổ. Con đường giao thông nông thôn gần 2000m được bê tông hóa sạch sẽ, giúp giao thông đi lại thuận tiện, nối liền giữa các thôn, xóm và xã. Xóm Tổ hôm nay không còn những nỗi lo về mùa mưa, đường sá sụt lở, lầy lội, ngập úng. Nhà văn hóa được xây dựng với quy mô 215m2, có đầy đủ phòng họp, văn phòng, thư viện, nhà vệ sinh, phòng phát thanh… đã trở thành trung tâm văn hóa của xóm để tổ chức các kỳ họp và cũng là nơi tập trung đông đủ, cùng nhau gặp gỡ, giao lưu, trao đổi, đặc biệt vào những ngày lễ, tết.

Thứ ba là thu nhập của hộ gia đình được đa dạng hóa và từng bước cải thiện:

Từ nguồn kinh phí hỗ trợ của Quỹ, cấp ủy chính quyền xóm đã tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia xây dựng các mô hình phát triển sản xuất (trồng trọt, chăn nuôi). Tận dụng diện tích đất vườn đồi để trồng các loại cây ăn quả như: ổi, hồng, tranh, táo, bưởi… (Quỹ hỗ trợ 3.800 cây giống). Ngoài ra, mô hình chăn nuôi thỏ được thúc đẩy phát triển. Với 03 trại thỏ quy mô 700 con/trại, trên diện tích 400m2/trại, trung bình mỗi tháng suất 350 con/03 trại, với mỗi con bán ra thì trích lại 3000 đồng để bổ sung vào quỹ chung của thôn để sử dụng cho những hoạt động tu sửa, duy tu, bảo dưỡng các công trình hạ tầng trên địa bàn.

Mô hình sản xuất miến dong được đầu tư phát triển, với những máy móc tân tiến, cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ (xưởng chế biến, sân phơi, nhà kho, nơi làm việc…) tạo điều kiện thuận lợi để Hợp tác xã nông nghiệp thương mại dịch vụ Saemaul xóm Tổ đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo cơ hội việc làm trực tiếp cho người dân, giúp gia tăng thu nhập (có 40/60 hộ tham gia, với quy mô phát triển thêm 4ha dong nguyên liệu). Một phần lợi nhuận từ Hợp tác xã cũng sẽ được đóng góp chung vào qũy chung của xóm.


Xưởng sản xuất miến dong Saemaul xóm Tổ, xã Phượng Tiến, huyện Định Hóa

Ông Bùi Văn Cường đặc biệt nhấn mạnh: Chúng tôi những người dân xóm Tổ sẽ tiếp tục nỗ lực cố gắng, phát huy những thành quả đã đạt được để hoàn thành những mục tiêu trong tương lai: Không ngừng nâng cao nhận thức của người dân; khai thác sử dụng hiệu quả các công trình hạ tầng được đầu tư… đặc biệt chú trọng thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của hợp tác xã, xây dựng quy trình sản xuất đảm bảo chất lượng, tạo ra chuỗi giá trị cho các sản phẩm, phấn đấu đưa thương hiệu sản phẩm vang xa gắn với Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, tiến tới hoàn thành mục tiêu đạt chuẩn nông thôn mới của xã.

Từ thực tiễn triển khai “Làng thí điểm nông thôn mới” tại xóm Tổ. Chúng ta kỳ vọng “Quỹ toàn cầu hóa Saemaul Hàn Quốc” sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình trên địa bàn cả nước, đặc biệt đối với các thôn, xóm, xã đặc biệt khó khăn để cả nước có nhiều “Mô hình kiểu mẫu sáng giá trong phong trào xây dựng nông thôn mới” như tinh thần Saemaul tại xóm Tổ, xã Phượng Tiến, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên.

Trần Gia Lam/VPĐP NTM

Tin cùng chuyên mục