Cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới

Sáng ngày 07-9, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa 10 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn tại Trung tâm Hội nghị quốc tế - Hà Nội. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường và Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát đồng chủ trì hội nghị.

Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa 10 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn

Phát biểu tham luận của các đại biểu dự Hội nghị, đồng chí Nguyễn Đình Quang - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang đã tham luận một số nội dung kết quả và bài học kinh nghiệm thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn:

“Thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05/8/2008, Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương khóa X về nông nghiệp, nông dân và nông thôn, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang đã ban hành Chương trình hành động; Ủy ban nhân dân tỉnh đã xây dựng Kế hoạch phân công nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, đơn vị để tổ chức thực hiện Nghị quyết. Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết, tỉnh Tuyên Quang đã đạt được những kết quả tích cực về phát triển nông nghiệp và nông thôn, đặc biệt trong thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, cụ thể:

1. Tỉnh đã chú trọng ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn (từ năm 2008 đến nay, tỉnh đã ban hành 14 Nghị quyết và 25 Quyết định về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn).

Về chính sách hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn:

- Giai đoạn 2011-2015: Nhằm giải quyết nhu cầu về giao thông của người dân, tỉnh tập trung hỗ trợ xi măng, ống cống, chi phí vận chuyển, bốc xếp để làm đường giao thông nông thôn; người dân góp vật liệu, công lao động, hiến đất, giải phóng mặt bằng để thực hiện. Kết quả đã bê tông hóa được trên 2.700 km đường giao thông nông thôn.

- Giai đoạn 2016-2020: Để kết cấu hạ tầng nông thôn phát triển theo hướng đồng bộ, hiện đại, tỉnh tập trung hỗ trợ kiên cố hóa kênh mương, bê tông hóa đường giao thông nội đồng, xây dựng nhà văn hóa thôn, bản, tổ nhân dân gắn với sân thể thao và khuôn viên. Đến nay đã kiên cố hóa được 364 km/780 km kênh mương, 234 km/415 km đường nội đồng và hoàn thành đưa vào sử dụng 289/511 nhà văn hóa thôn bản.

Về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất:

- Cùng với các chính sách về hạ tầng, tỉnh ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất như: chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trang trại, chính sách hỗ trợ sản xuất hàng hóa đối với một số cây trồng, vật nuôi, chính sách hỗ trợ giống cây lâm nghiệp chất lượng cao... Mức hỗ trợ các chính sách được thực hiện theo cơ chế sử dung hiệu quả nguồn vốn tín dụng để người dân vay vốn phát triển sản xuất. Đến nay đã các hộ dân và trang trại đã được vay 323 tỷ đồng; tỉnh đã hỗ trợ trên 22 tỷ đồng lãi suất; hỗ trợ người dân trồng rừng bằng cây giống cây lâm nghiệp chất lượng cao (hỗ trợ giống cây keo lai bằng phương pháp nuôi cấy mô và cây keo tai tượng hạt nhập ngoại), năm 2018 đã hỗ trợ người dân trồng được trên 1.600 ha.

Việc ban hành, thực hiện các cơ chế, chính sách đã khai thác, huy động được các nguồn lực tại chỗ vào xây dựng hạ tầng nông thôn, đồng thời là tiền đề để phát triển sản xuất, tạo việc làm tăng thu nhập cho nông dân. Từ đó, góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân gắn với việc nâng cao chất lượng các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới.

2. Thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới

- Tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo hướng tập trung, khai thác và phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, hình thành và phát triển các sản phẩm chủ lực của tỉnh: vùng cam trên 8.800 ha; vùng chè trên 8.700 ha; vùng lạc trên 4.200 ha; vùng mía trên 10.000 ha. Chăn nuôi chuyển dịch theo hướng trang trại, gia trại. Diện tích rừng trồng gỗ nguyên liệu hiện có trên 119.000 ha, trong đó diện tích rừng gỗ lớn trên 39.000 ha, cấp chứng chỉ FSC được trên 18.000 ha, thu hút đầu tư 04 dự án chế biến gỗ.

- Ngành nghề nông thôn và dịch vụ có sự phát triển, đến nay toàn tỉnh có 15.480 cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm nghiệp, 712  trang trại, 214 HTX. Hỗ trợ, tư vấn xây dựng, đăng ký được 37 nhãn hiệu sản phẩm nông sản gắn với xây dựng chất lượng tiêu chuẩn và phát triển thương hiệu.

- Chương trình xây dựng nông thôn mới được tập trung chỉ đạo thực hiện, đến nay, toàn tỉnh đã có 23/129 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, số tiêu chí bình quân đạt 12 tiêu chí/xã, không còn xã đạt dưới 5 tiêu chí. Dự kiến đến năm 2020 tỉnh có 40/129 xã và một đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới, nâng số tiêu chí bình quân đạt 15 tiêu chí/xã.

- Chỉ đạo đổi mới hình thức tổ chức sản xuất: Nhiều HTX đã liên kết sản xuất hàng hóa, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm thông qua việc đăng ký nhãn hiệu và quảng bá thương hiệu sản phẩm hàng hóa. Thực hiện sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của các Công ty Lâm nghiệp, đến nay tỉnh đã phê duyệt Phương án chuyển đổi, sắp xếp cho 05/05 công lâm nghiệp, trong đó: chuyển đổi 04 công ty thành công ty TNHH hai thành viên, 01 công ty thành công ty cổ phần.


Đồng chí Nguyễn Đình Quang phát biểu tại Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa 10 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết, tỉnh Tuyên Quang đã đạt được những kết quả quan trọng, nhiều bài học thực tiễn về sự đồng thuận, niềm tin, sức mạnh đoàn kết gắn bó, mang lại lợi ích thiết thực: nông nghiệp tăng trưởng và phát triển toàn diện, diện mạo nông thôn mới có nhiều khởi sắc; đời sống dân cư vùng nông thôn không ngừng được cải thiện; các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp hàng hóa được ban hành kịp thời và phát huy hiệu quả.

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình tổ chức thực hiện tỉnh Tuyên Quang còn gặp một số khó khăn:

- Nguồn vốn đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp và xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn nhất là các địa phương miền núi, các xã vùng sâu, vùng xa còn khó khăn.

- Nông dân có điều kiện kinh tế thấp khó tiếp cận chính sách phát triển hàng hóa có quy mô vừa và lớn, liên kết - liên doanh trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; việc tiếp thu và ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất còn hạn chế.

- Cơ chế, chính sách chưa đủ mạnh và hấp dẫn để thu hút doanh nghiệp có tiềm lực đầu tư vào công nghiệp chế biến nông, lâm nghiệp và thủy sản, nông nghiệp công nghệ cao, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị”.

Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới là mục tiêu, nhiệm vụ thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, đồng thời cũng là giải pháp quan trọng đảm bảo thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ướng 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong giai đoạn tới”./.

Trần Gia Lam/VPĐP NTM

Tin cùng chuyên mục